Loại rau được nhắc tới đó chính là diếp cá, đây là rau mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng do có mùi tanh nên nhiều người không sử dụng. Bác sĩ, lương y Nguyễn Hữu Trọng, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu y học cổ truyền các sản phẩm hữu cơ Việt Nam cho biết, rau diếp cá có thể dùng để ăn sống hoặc ép lấy nước uống hoặc chế biến thành vị thuốc đều rất tốt.
Theo bác sĩ Trọng, sở dĩ rau diếp cá được gọi là rau trường sinh vì ngoài tác dụng tốt với sức khỏe, loại rau này còn có sức sống mãnh liệt, khi có thể phát triển nhanh ngay cả nơi đất cằn cỗi. Ngoài là vị thuốc trong y học cổ truyền, rau diếp cá còn có một số chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như nước chiếm 91,5%, protid 2,9%, glucid 2,7%, lipit 0,5%, cellulose 1.8%, tro 11%;…
Các nghiên cứu của y học hiện đại chỉ ra rằng, trong rau diếp cá có chứa tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là chất methylnonylceton là hoạt chất đặc trưng có mùi tanh giống như cá và hàm lượng alcaloid có tên là cordalin. Các nhà y học hiện đại đã nghiên cứu thấy diếp cá có tác dụng lợi tiểu. Hiệu quả lợi tiểu này là do chất quecitrin và chất kali có trong loại rau này.

Dù tốt cho sức khỏe mà có nhiều tại Việt Nam, nhưng do có mùi tanh nên ít người dùng rau diếp cá. Ảnh minh họa.
Ông Trọng cho biết, trong y học cổ truyền rau diếp cá có vị cay, chua, mùi tanh; tính hơi lạnh, có tác thanh nhiệt, tiêu ung thũng, sát khuẩn, lợi tiểu, giải độc. Ngoài ra, rau diếp cá còn có tác dụng kháng vi khuẩn gây bệnh mủ xanh và ức chế thần kinh, kích thích tiêu hóa.
Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và cho biết, rau diếp cá khi sử dụng đúng cách sẽ có tác dụng trực tiếp lên kinh phế, vì thế nó còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến phổi. Ví dụ như khi bị viêm phổi, có thể sử dụng dùng bài thuốc hỗ trợ điều trị từ rau diếp cá như sau: Sử dụng 40g rau diếp cá kết hợp với 20g cát cánh, sắc uống hàng ngày. Hoặc nấu canh trứng với rau diếp cá, dùng liên tục trong 30 – 60 ngày, mỗi ngày một lần.
Hay người bị ho lao, có thể nấu 80g diếp cá tươi với phổi lợn, ăn cả cái và nước, tuần 2 – 3 lần, giúp trừ ho và cải thiện chức năng thông khí phổi. Ngay cả người không mắc bệnh lý liên quan đến phổi cũng có thể sử dụng diếp cá để giúp tăng cường sức khỏe của phổi.
Theo đó, có thể dùng diếp cá 200g, nếu cùng với 100g hạt kỷ tử và 100g đường phèn. Uống 2-3 lần mỗi ngày để bổ phổi và tăng cường hệ miễn dịch. Hay dùng 200g rau diếp cá nấu với 100g hạt sen và 100g đường phèn. Uống 2-3 lần mỗi ngày giúp bổ phổi và cải thiện giấc ngủ.

Ngoài làm món ăn, rau diếp cá còn có nhiều tác dụng trong đó đặc biệt phải kể đến là dưỡng phổi rất tốt. Ảnh minh họa.
Hay bài thuốc rất đơn giản để bổ phổi, tăng cường miễn dịch, trị ho đó là dùng 200g rau diếp cá nấu cùng với 100g kỷ tử, 50g gừng và 100g đường phèn. Uống 2-3 lần mỗi ngày để bổ phổi, tăng cường hệ miễn dịch và giảm ho.
Mặc dù rau diếp cá mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng việc sử dụng cần thận trọng, nhất là hai người sau:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Rau diếp cá có thể gây co bóp tử cung, do đó nên hạn chế sử dụng, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Người có huyết áp thấp: Rau diếp cá có thể làm giảm huyết áp. Nếu bạn đang dùng thuốc hạ huyết áp hoặc có huyết áp thấp, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Tóm lại, rau diếp cá không chỉ là một loại rau gia vị trong bữa ăn hàng ngày mà còn là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền, đặc biệt trong việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe phổi. Tuy nhiên, việc sử dụng cần đúng cách và liều lượng phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Nếu dùng loại rau này để làm thuốc, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.