Loại quả toả mùi thơm đặc biệt, xưa chín rụng đầy nay thành đặc sản có hương vị đặc biệt, tốt cho sức khoẻ

Google News

Không chỉ ngon miệng, quả mít còn có nhiều công dụng với sức khoẻ. Mấy năm gần đây, mít quê được ưa chuộng ở thành phố.

Hiện nay trên thị trường, mít có nhiều loại như mít thái, mít tố nữ, mít ruột đỏ, mít rừng..., nhưng mít quê vẫn rất được ưa chuộng mỗi khi đến mùa. Bởi loại mít này vốn gắn bó với người dân ở các miền quê từ xưa tới nay.

Mít quê có 2 loại, mít dai và mít mật. Nếu như mít mật có cùi dày, giòn, màu vàng nhạt, vị ngọt đậm thì mít dai có màu vàng tươi, múi mềm, hơi nát, vị ngọt mát.

Mít quê gồm có mít dai và mít mật, mỗi loại có một đặc trưng riêng nhưng đều thơm và ngọt, từng gắn với cuộc sống của người dân ở các miền quê

Trên chợ mạng hay chợ chung cư, mít quê được nhiều địa chỉ rao bán bán. Mỗi kg có giá khoảng 35.000 đồng/kg, còn tách múi có giá 60.000-70.000 đồng/kg. 

"Bây giờ trên thị trường mít Thái được bán nhiều hơn cả. Giống mít này có quanh năm, múi khá giòn, có độ ngọt vừa phải, ít bị dính tay và miệng, tạo cảm giác ngon và không chán. Thế nhưng mình vẫn nhớ và thích hương vị của mít quê, đặc biệt là mít mật. Ngày trước ở nhà mình có 2 cây mít mật, quả bé nhưng rất sai trĩu, mỗi cây vài chục quả nhưng hồi đó không ai ăn, cũng không ai mang ra bán. 

Bây giờ nhà nào có cây mít mật quê thì rất đắt khách, khách dặn mua từ trước. Mình cũng thích ăn mít mật, nếu để trong tủ lạnh lại càng ngon, ăn như kem mít. Lạ miệng và hấp dẫn bởi mít dai ăn nhiều cũng chán", chị Ngọc (ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ. 

100g thịt mít có chứa 157 calo, 1g chất béo, 38g carbohydrate, 2.8g protein và 2,5g chất xơ. Trong quả mít còn chứa các chất dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin C, kali, canxi và sắt. Ngoài ra, mít còn là nguồn cung cấp vitamin B6, niacin, riboflavin và axit folic – những khoáng chất có tác dụng tốt với hệ thần kinh.

Những tác dụng của quả mít đối với sức khoẻ

Tăng cường khả năng chống viêm

Theo các chuyên gia, để tăng cường khả năng chống viêm, nam giới cần khoảng 90mg vitamin C mỗi ngày, trong khi nữ giới cần khoảng 75mg. Trong 100g mít có chứa tới 22,6mg vitamin C, tương đương khoảng 20% nhu cầu hàng ngày. Vì vậy, việc bổ sung mít vào chế độ ăn uống có thể giúp cơ thể nâng cao khả năng chống lại viêm nhiễm.

Cải thiện làn da

Mít rất giàu chất chống oxy hóa và vitamin, đặc biệt là vitamin C – yếu tố quan trọng giúp cơ thể sản sinh collagen, mang lại làn da căng mịn, đàn hồi. Bên cạnh đó, các hợp chất như lignans, isoflavone và saponin trong mít còn giúp làm chậm quá trình lão hóa da.

Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, mít giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón hiệu quả.

Kiểm soát cân nặng

Chất xơ trong mít không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn tạo cảm giác no lâu, từ đó giúp hạn chế việc ăn quá nhiều và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.

Tốt cho tim mạch

Mít chứa các chất chống oxy hóa và chất béo không bão hòa lành mạnh, giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Chống lão hóa

Vitamin A trong mít có lợi cho sức khỏe của mắt, giúp phòng ngừa các bệnh về mắt do tuổi tác như thoái hóa điểm vàng hay đục thủy tinh thể. Vitamin C không chỉ giúp làm đẹp da mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây viêm, ung thư và bệnh tim mạch.

Giảm căng thẳng và hỗ trợ tinh thần

Một số dưỡng chất trong mít có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, làm giảm căng thẳng, lo âu, thậm chí hỗ trợ giấc ngủ. Ngoài ra, mít còn chứa niacin – một loại vitamin cần thiết cho chức năng thần kinh và quá trình chuyển hóa năng lượng.

Giữ tuyến giáp khỏe mạnh

Mít là nguồn cung cấp đồng – khoáng chất quan trọng trong quá trình trao đổi chất và sản sinh hormone, góp phần duy trì hoạt động ổn định của tuyến giáp.

Cách ăn mít để đảm bảo sức khỏe

Nên ăn mít sau bữa ăn chính từ 1–2 tiếng, tránh ăn khi bụng đói để không gây đầy bụng hay khó tiêu.

Ăn với lượng vừa phải. Đối với người mắc bệnh mạn tính, chỉ nên ăn khoảng 80g mỗi ngày (tương đương 3–4 múi mít).

Một số đối tượng cần tránh ăn mít, đặc biệt nếu đang mắc các bệnh như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, béo phì, suy thận...

H.A

Bình luận(0)