Cây ăn quả quen thuộc thành bonsai trưng Tết, vừa đẹp vừa biểu tượng cho sự giàu có, giá vài chục triệu đồng

Google News

Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, cây chanh "lên chậu" thành những dáng bonsai độc lạ, được ưa chuộng nhất vào dịp Tết Nguyên đán.

Với xu hướng săn tìm các loại cây cảnh độc lạ để trang hoàng ngày Tết, những năm gần đây, thị trường đã tung ra nhiều sản phẩm vừa đẹp vừa mang nhiều ý nghĩa phong thuỷ. Trong số đó phải kể tới cây chanh bonsai. 

Từ xa xưa, cây chanh đã được xem là một trong những loại cây mang lại nhiều may mắn và tài lộc trong phong thủy. Với vẻ ngoài tươi tắn, tràn đầy sức sống cùng hương thơm dịu nhẹ, cây chanh không chỉ là một loại cây ăn quả mà còn là một biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng và may mắn.

Bonsai chanh vừa lạ mắt vừa có nhiều ý nghĩa về phong thủy, phù hợp để trưng Tết Nguyên đán

Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, chanh bonsai lên chậu có dáng thế đẹp mắt, được bán ra thị trường với nhiều mức giá khác nhau. Có những cây giá lên tới vài chục triệu đồng được khách đến tận vườn "chốt đơn". Chanh bonsai có thể là chanh thường, chanh đào hoặc chanh tứ quý. Ngoài ra, các nhà vườn còn ghép trên gốc cần thăng hoặc gốc bưởi.

Sở hữu vườn chanh đào bonsai ghép trên thân cây cần thăng ở Hưng Yên, anh Chính cho biết để có được thành công, anh đã trải qua nhiều thất bại. Hiện tại anh đều đặn có những chậu bonsai đẹp mắt để tung ra thị trường, trong đó có cây dáng thế đẹp, giá vài chục triệu đồng. 

Theo anh Chính, cần thăng và chanh đào là 2 loại cây có đặc tính sinh trưởng giống nhau. Cây cần thăng là loài cây gỗ lớn, sống trong tự nhiên có thể cao tới 20 - 25m nên khi ghép vào các mắt chanh đào sẽ hợp và sinh trưởng tốt.

Bonsai chanh đào ghép trên gỗ cần thăng của anh Chính được ưa chuộng vì dáng đẹp, quả trĩu trịt và có màu đẹp mắt

"Việc ghép chỉ cần học qua là có thể làm được nhưng muốn ghép được một cây có thế, tán đẹp như ý thì phải có năng khiếu và tay nghề. Bên cạnh đó, khi ghép xong, người trồng phải thường xuyên tỉa tót, chăm sóc, bởi cành cần thăng phát triển rất nhanh, cành sẽ đâm tua tủa ra các hướng làm mất thế cây, mọc chen vào cành chanh đào.

Mỗi chậu chanh đào ghép cần thăng này có thể trưng Tết đến tháng 3 âm lịch. Khi đó cây sẽ tiếp tục đậu quả và phát triển, người chơi có thể chăm sóc bình thường để năm sau có thể trưng tiếp", anh Chính nói thêm.

Với bonsai chanh tứ quý, theo các nhà vườn, trung bình cần ít nhất từ 4-5 năm để trồng, chăm sóc và lên chậu cho cây chanh thì mới có dáng đẹp.

Mỗi cây chanh đều ra quả 4 mùa nên được gọi là chanh phú quý, hay chanh 4 mùa. Được biết, so với các giống chanh thông thường, chanh phú quý có ưu điểm trái to, căng mọng, khi chín quả vàng ươm, mùi thơm đặc biệt dễ chịu.

Cận cảnh cây bonsai chanh phú quý

Theo quan sát, chanh phú quý có nhiều dáng khác nhau như thác đổ, dáng trực… với đường nét mềm mại, uyển chuyển. Những cây có tuổi đời lớn thường được lên chậu bonsai, cây nhỏ hơn được trồng vào các bình gốm.

Anh Tuấn Anh (ở xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy) bắt đầu khởi nghiệp với bonsai chanh tứ quý từ 8 năm trước. Ngoài trồng chanh để bán, anh còn  ghép vào gốc bưởi để ra loại cây khỏe hơn, dễ tạo thế bonsai, bán vào dịp Tết với giá cao.

Bonsai mang lại thu nhập cho nhiều nhà vườn

Theo anh Tuấn Anh, để chanh có cả quả chín vàng, quả xanh, hoa và lá chơi dịp Tết, anh phải tính thời điểm tỉa cành, rẽ lá. Đợt quả đầu tiên ra vào tháng 2 âm lịch và sẽ chín vàng sau 8 tháng. Giữa năm là lúc cây chanh bonsai cho ra đợt quả thứ hai, khi xuất bán quả vẫn còn xanh. Sau khi chơi Tết, cây chanh chỉ cần được tưới nước, bón phân vi sinh định kỳ là tiếp tục sinh trưởng, cho quả dùng quanh năm.

Vườn chanh của anh Tuấn Anh đến nay đã được mở rộng lên 10 mẫu với 2.000 cây bonsai lên chậu, sẵn sàng cho vụ Tết. Mỗi cây chanh bonsai có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng tuỳ vào kích thước và dáng thế.

PHÚ NGUYỄN

Bình luận(0)