Mặc dù chỉ tồn tại trong truyền thuyết và văn hóa dân gian, nhưng "người sói" lại là một trong những hiện tượng kỳ bí thu hút sự chú ý của nhiều người. Trên thực tế, một số người mắc phải căn bệnh lạ này đều có các dấu vết của người sói như đuôi, móng mọc dài hay phổ biến nhất là hiện tượng lông và tóc phủ kín người.
Theo "Lịch triều hiến chương loại chí", Lý Thần Tông (1116 – 1138) cũng đã mắc phải căn bệnh lạ này. Sau khi được sư Minh Không chữa trị bằng cách lấy cái vạc lớn, đựng nước nấu sôi rồi tắm cho vua bằng các thảo dược, bệnh của Lý Thần Tông đã thuyên giảm, ít lâu sau thì khỏi hẳn.
Vua Lý Thần Tông từng mắc bệnh "hóa sói". (Ảnh minh họa).
"Người sói" và những lời giải thích khoa học
Xét theo Y học hiện đại, bệnh “hóa sói” của vua Lý Thần Tông được gọi là bệnh hypertrichosis (hội chứng người sói). Đây là một bệnh lý hiếm gặp với xác suất 1/1.000.000 người. Hypertrichosis khiến cho người mắc phải phát triển một lượng lông rất dày và bất thường trên cơ thể.
Căn bệnh này không chỉ xảy ra ở những vùng có lông thông thường như tay chân, mà còn có thể khiến lông mọc trên mặt, lưng, thậm chí ở các bộ phận khác của cơ thể, tạo ra một ngoại hình giống như sói. Hội chứng hypertrichosis có thể xuất hiện ngay từ khi sinh ra hoặc phát triển sau khi sinh. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, người mắc bệnh có thể có một số lượng lông quá dày, hoặc lông mọc lan rộng khắp cơ thể.
Có hai loại chính của bệnh này:
- Hypertrichosis bẩm sinh: Xuất hiện ngay từ khi sinh ra với sự phát triển quá mức của lông trên cơ thể.
- Hypertrichosis mắc phải: Phát triển trong suốt quá trình sống, thường liên quan đến một số yếu tố như rối loạn nội tiết tố, sử dụng thuốc hoặc các bệnh lý khác.
Người sói ở đời thật. (Ảnh minh họa).
Đến nay nguyên nhân chính xác của bệnh hypertrichosis vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, các nhà khoa học chỉ mới đưa ra một số lý thuyết để giải thích căn bệnh này. Trong một số trường hợp, bệnh có thể do sự đột biến gen, làm thay đổi cách cơ thể phát triển và sản xuất lông. Những đột biến gen này có thể làm tăng cường sự phát triển của các nang lông trên cơ thể.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng có thể góp phần gây ra hội chứng người sói, bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Hypertrichosis có thể xuất hiện trong các gia đình, cho thấy rằng yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc, như thuốc chống ung thư, có thể gây ra hiện tượng mọc lông bất thường.
- Các bệnh lý khác: Một số bệnh như bệnh rối loạn nội tiết, bệnh thận hoặc rối loạn chuyển hóa cũng có thể khiến hypertrichosis phát triển.
Hypertrichosis thường tạo ra một trong ba loại lông:
- Lông vellus: Đây là loại lông ngắn, thường không dài hơn 1/13 inch (theo Tạp chí Nội tiết học và Chuyển hóa Ấn Độ). Lông có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng không mọc ở lòng bàn chân, sau tai, môi, lòng bàn tay hoặc trên mô sẹo. Lông vellus có thể có hoặc không có màu sắc.
- Lông lanugo: Loại lông này rất mềm và mịn, giống như lông trên cơ thể trẻ sơ sinh. Lông lanugo thường không có màu. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ rụng lông lanugo trong vài ngày hoặc tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu có rậm lông, lông lanugo có thể vẫn tồn tại và cần điều trị để loại bỏ.
- Lông terminal: Loại lông này dài, dày và thường có màu đen.
Hypertrichosis có thể do bẩm sinh hoặc biến đổi do trong quá trình sống. (Ảnh minh họa).
Điều trị bệnh hypertrichosis như thế nào?
Hiện tại, không có phương pháp điều trị hoàn toàn cho bệnh hypertrichosis, nhưng có một số cách để kiểm soát và giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Cạo lông, nhổ lông hoặc tẩy lông: Các biện pháp này giúp giảm thiểu sự phát triển của lông, nhưng chỉ là biện pháp tạm thời và cần được thực hiện thường xuyên.
- Laser: Điều trị bằng laser có thể giúp giảm sự mọc lông dày và lâu dài.
- Thuốc: Một số loại thuốc như thuốc ức chế hormone, có thể giúp kiểm soát sự phát triển của lông trong một số trường hợp mắc bệnh hypertrichosis.