Hành trình kỳ diệu của em bé sinh non ở tuần thai 27, chào đời chỉ nặng 1000g

Google News

Câu chuyện về một em bé sinh non ở tuần thai thứ 27 và hành trình sống sót kỳ diệu đã gây xúc động nghẹn ngào.

Một thai kỳ thông thường kéo dài trong khoảng 40 tuần. Trẻ sinh trước tuần thai thứ 37 được tính là trẻ sinh con. Trong đó, trẻ sinh ở dưới tuần thai thứ 28 rơi vào trường hợp sinh cực non. Những em bé được sinh ra trong khoảng thời gian này chưa hoàn thiện đầy đủ về các cơ quan, bộ phận trên cơ thể nên nguy cơ đe dọa tính mạng là rất lớn, và việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sinh non cần cẩn trọng và tỉ mỉ.

Mới đây, Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã có trường hợp hiếm về một em bé sinh non ở tuần thai thứ 28. Dù được sinh ra ở tuần thai này, thế nhưng may mắn em bé đã có một hành trình sống sót kỳ diệu.

Được biết, thai kỳ của chị L. đến tuần thứ 25 hoàn toàn bình thường.

Chị theo khám Ths. BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị Sản Phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản Cơ sở 2 - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội từ đầu thai kì và được chẩn đoán cổ tử cung ngắn, nguy cơ sinh con cao.

Đến tuần thai thứ 26, chị đau âm ỉ bụng dưới và xuất hiện dấu hiệu của những cơn co tử cung. Khi tới bệnh viện, cổ tử cung đã mở được 2 phân. Chị được bác sĩ chỉ định nhập viện giữ thai, điều trị thuốc dự phòng cho nguy cơ sinh sớm. Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 28, cơn gò tăng, cổ tử cung mở 4 phân và ối thõng âm đạo nên chị L. được chuyển sang phòng đẻ thường cấp cứu.

Trong tình huống cấp cứu, người mẹ này vẫn giữ được sự bình tĩnh để rặn đẻ. Sau khoảng 10 phút, em bé chào đời an toàn với cân nặng chỉ 1000g ở tuần thai thứ 27 và được chuyển đến khoa Sơ sinh để các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc và điều trị.

Chị L. cũng bày tỏ, khi về phòng hồi sức sau sinh, nhìn các bà mẹ đều được ôm con, chị tủi thân và thương con vô cùng. Tuy nhiên, chị luôn giữ niềm tin con mình sẽ khỏe mạnh nhờ sự chăm sóc tận tình, chuyên môn cao của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế bệnh viện.

Được biết, hàng ngày vợ chồng chị đến viện 2 lần gửi sữa mẹ cho con. Một tháng sau khi sinh, em bé đã đạt cân nặng 1400g và được ấp Kangaroo cảm nhận hơi ấm trong vòng tay mẹ. Sau khoảng 1.5 tháng điều trị tích cực, bé đã đạt được những tiến triển vượt bậc khi tăng cân lên 2000g và hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện tại, em bé đã được xuất viện về nhà.

Rất nhiều người khi đọc về hành trình kỳ diệu của em bé sinh non đã gửi lời chúc mừng đến em bé và gia đình.

Bên cạnh đó, một số mẹ bỉm cũng chia sẻ nỗi xúc động khi họ đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Một tài khoản facebook cho hay lần đầu chị sinh non ở tuần thai thứ 28. Lần thứ 2 mang thai, khi xuất hiện nhiều cơn gò dọa sinh non, chị đã phải nhập viện và được điều trị nên có thể giữ thai nhi trong bụng đến 36 tuần mới sinh.

Một trường hợp khác cũng chia sẻ, chị từng là sản phụ giữ thai ở bệnh viện, cũng sinh con ở tuần thai thứ 27 và em bé chỉ nặng 800gr. May mắn thay con đã có quá trình lớn lên đầy kỳ diệu và hiện tại con đã được 8 tháng tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh.

Mỗi thiên thần nhỏ đến với thế giới theo một cách khác nhau, câu chuyện của chị L nói riêng và nhiều mẹ bỉm sữa khác nói chung đã khiến không ít người xúc động. Hành trình mang thai và vượt cạn tuy không hề thuận lợi, nhưng thiên thần nhỏ khiến chúng ta hiểu rằng điều kỳ diệu luôn hiện hữu trong cuộc sống.

Nguyên nhân gây sinh non?

Trên 50% các cuộc chuyển dạ sinh non không tìm thấy được nguyên nhân.

Do thai

Vỡ ối non dễ kích thích các cơn gò tử cung, thúc đẩy vào chuyển dạ sinh non.

Đa thai có thời gian mang thai trung bình cũng ngắn hơn so với đơn thai.

Đa ối, nhất là khi có kết hợp với thai dị tật cũng thường gây sớm chuyển dạ sinh non.

Viêm màng ối do nhiễm trùng làm kích thích cơn gò tử cung.

Do nhau

Nhau tiền đạo, nhau bong non gây xuất huyết trước khi sinh.

Thiểu năng nhau làm dinh dưỡng cho thai nhi không đầy đủ cũng thường dẫn đến chuyển dạ sinh non.

Do người mẹ

Mẹ có các bệnh lý viêm nhiễm như viêm đài - bể thận, viêm ruột thừa, đặc biệt là khi có kèm theo sốt, dễ khiến chuyển dạ sinh non. Giả thiết được đưa ra là do tử cung bị kích thích khi các cơ quan lân cận viêm nhiễm, đồng thời cũng là hệ quả do sự phóng thích nội độc tố của vi trùng làm tăng thân nhiệt.

Các dị dạng của tử cung, tử cung kém phát triển, hở eo tử cung là các điều kiện thuận lợi gây sinh non. Nếu người mẹ có tiền căn sinh non hay đã từng nạo thai, sẩy thai cũng sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn.

Ngoài ra, những yếu tố về thói quen như hút thuốc lá, uống rượu hay các đặc điểm kinh tế - xã hội thấp cũng ảnh hưởng đến chuyển dạ sớm. Những đặc điểm quan trọng nhất trong nhóm này là dinh dưỡng kém, không được chăm sóc tiền sản đầy đủ, lao động nặng, mẹ quá trẻ dưới 20 tuổi hay người mẹ lớn tuổi trên 40 tuổi.

HÀ LINH

Bình luận(0)