Loại quả xưa rụng đầy gốc không ai nhặt, nay thành đặc sản có tiền chưa chắc mua được, tốt cho sức khỏe

Google News

Đây là loại quả đặc sản ở vùng đất Phú Thọ, hiện được bán với giá thành khá cao và có một số tác dụng với sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng cần hết sức chú ý, nếu lạm dụng sẽ gây nên nhiều hệ lụy với cơ thể.

Cọ là loại quả đặc trưng ở vùng núi trung du, trong đó được phân bố nhiều nhất ở Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trước đây, quả cọ có nhiều, thậm chí rụng đầy gốc không ai sử dụng, còn nay quả cọ trở thành đặc sản, được bán với giá khá cao lên đến 100.000 đồng/kg cọ chín. Đáng nói quả cọ chỉ có theo mùa, vì thế không phải khi nào muốn ăn cũng có.

Về giá trị dinh dưỡng của quả cọ, theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) quả cọ được xếp vào nhóm các loại hạt, quả giàu chất béo. Cụ thể, loại quả này không giàu các loại vitamin nhưng chúng chứa một số chất dinh dưỡng cơ bản như nước, đạm, chất béo, glucid. Theo đó, 100g quả cọ phần ăn được có chứa 178Kcal, 2,3g protein, 13,4g lipid, 12,1g glucid, 38mg canxi…

Quả cọ giờ là đặc sản ở vùng trung du, có giá bán lên đến gần 100.000 đồng/kg. 

Về tác dụng với sức khỏe, lương y, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng (Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học cổ truyền sản phẩm hữu cơ Việt Nam) cho biết, quả cọ hay còn gọi là cọ sẻ theo y học cổ truyền có vị ngọt chát, tính bình. Quả cọ thường được thu hái vào mùa thu và mùa đông, chủ yếu dùng để ăn tươi và ép dầu. Ngoài quả cọ, rễ cọ cũng có tác dụng trong một số vị thuốc y học cổ truyền.

Một số nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, hạt cọ có thể dùng để chữa ung thư vòm họng, thực quản và ung thư gan. Còn rễ cọ chữa ho, hen suyễn, lá cọ có thể hỗ trợ chữa chảy máu tử cung. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng này, vì thế mọi người chỉ nên dùng quả cọ để thưởng thức là chính, không dùng để điều trị ung thư. Tốt nhất, khi mắc bệnh cần có chẩn đoán chính xác, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Khi sử dụng quả cọ dù để làm thực phẩm hay dùng làm thuốc hỗ trợ chữa bệnh, mọi người nên ăn với số lượng vừa phải, vì loại cọ này dễ gây nên tình trạng say, nhất là ăn khi đói bụng. Khi ăn quả cọ, cần lưu ý loại bỏ những quả có sâu ăn, vì như vậy cọ dễ nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng và gây hại cho sức khỏe.

Quả cọ khi ăn cần bỏ vỏ để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. 

Ngoài ra, do có chất tanin nên vị khá chát, nhất là khi ăn sống, vì thế mọi người không nên ăn nhiều có thể gây táo bón, vón cục thức ăn trong ruột. Với người bị tiêu chảy mức độ nhẹ có thể giã và ép lấy nước để cầm tiêu chảy và cách này chỉ dùng cho người trưởng thành, không dùng cho trẻ nhỏ vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển toàn diện.

Hiện nay, một số nơi như Phú Thọ đã dùng quả cọ để ép lấy dầu sử dụng trong chế biến món ăn, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, dầu cọ khi sử dụng ngoài một số lợi ích thì nó có thể mang lại tác hại cho sức khỏe nếu lạm dụng. Theo đó, thành phần chất béo của sản phẩm này gồm 50% axit béo bão hòa, 40% axit béo không bão hòa đơn và 10% axit béo không bão hòa đa.

Loại chất béo bão hòa chính có trong dầu cọ là axit palmitic, chiếm 44% lượng calo. Nó cũng chứa một lượng lớn axit oleic, lượng nhỏ axit linoleic và axit stearic. Do chứa lượng lớn chất béo bão hòa, vì thế nếu sử dụng nhiều dầu cọ sẽ dễ gây ra các vấn đề về tim mạch, làm tăng cholesterol trong máu và nội tạng, từ đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và tiểu đường type 2 ở con người.

Do vậy, mọi người nên hạn chế tiêu thụ dầu cọ, cũng như không ăn nhiều quả cọ để phòng ngừa tối đa nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)