Chào bác sĩ!
Sau một hành trình dài đầy gian nan để chạm đến điều kỳ diệu mang tên 2 vạch nhờ phương pháp IVF, em bước vào thai kỳ với biết bao hy vọng nhưng cũng không ít lo âu. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên – khoảng thời gian được ví như “giữ con trên đầu ngón tay”, khi chỉ một chút sơ suất cũng khiến mẹ bầu nơm nớp sợ con không bám chắc.
Vì vậy, em rất mong được bác sĩ chia sẻ: Đâu là những yếu tố then chốt giúp mẹ IVF giữ thai ổn định trong giai đoạn “nín thở” này? Và liệu có những lưu ý đặc biệt nào để mẹ bầu có thể an tâm hơn, mỗi ngày trôi qua đều vững tin và nhẹ lòng hơn không ạ?
Em cám ơn bác sĩ.
Câu hỏi được gửi từ độc giả có email: huongha…

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược 2.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược 2 trà lời:
Chào em,
Trước hết, bác sĩ Trung xin chúc mừng em và gia đình khi nhận được tin vui sau bao năm kiên trì chờ đợi. Đây là niềm hạnh phúc không chỉ của riêng vợ chồng em, mà còn là niềm vui lớn đối với cả hai bên gia đình và cả đội ngũ bác sĩ làm công tác hỗ trợ sinh sản.
Để có được một mầm sống, người phụ nữ như em đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, từ những mũi tiêm, quy trình y học “xâm lấn” đến chi phí điều trị không nhỏ. Dù ngày nay các phác đồ kích thích buồng trứng đã được tối giản và thân thiện hơn với phụ nữ, hành trình tìm con vẫn là một chặng đường đầy thử thách cả về thể chất, tinh thần lẫn tài chính.
Chính vì vậy, việc có thai là bước khởi đầu đáng mừng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhiều nỗi lo mới xuất hiện, đặc biệt là làm sao để giữ thai an toàn trong những tháng đầu tiên.
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thành công khi chuyển phôi ngày 5 (phôi nuôi cấy 5 ngày sau khi thụ tinh trong ống nghiệm) hiện đạt khoảng 50 - 60%. Tuy nhiên, không phải tất cả những ca “có thai” – tức có kết quả beta hCG dương tính đều dẫn đến việc có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh và ẵm con về nhà.
Điều quan trọng nhất mà các cặp vợ chồng hiếm muộn mong muốn không chỉ là “2 vạch”, mà là đứa trẻ có thể phát triển khỏe mạnh và chào đời an toàn. Thống kê cho thấy, phần lớn những biến cố thai kỳ xảy ra trong 3 tháng đầu, bao gồm thai ngưng phát triển, sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung.
Thai ngưng tiến triển, sẩy thai sớm trong 3 tháng đầu, đa phần là do bất thường về nhiễm sắc thể, cấu trúc di truyền của bào thai.
Các chị em sau chuyển phôi, thử beta hCG thấy dương tính, vui mừng, hay tự đi lấy máu xét nghiệm beta hCG nhiều lần. Thấy beta hCG không tăng hoặc tăng ít…, bắt đầu lo lắng và nghĩ đến “thai sinh hóa”. “Thai sinh hóa” là một khái niệm đưa ra để xác định có thai nhưng siêu âm không thể thấy thai trong tử cung và ngoài tử cung cho dù xét nghiệm và siêu âm được thực hiện nhiều lần. Theo thời gian, người phụ nữ thấy ra huyết. Lượng huyết ra có thể chỉ như máu kinh hoặc nhiều hơn máu kinh một chút. Xét nghiệm beta hCG máu thấy giảm thấp. Đây là những trường hợp thai ngưng tiến triển rất sớm và nguyên nhân là do bất thường của phôi thai. Không thể có thuốc gì có thể ngăn cản chuyện này xảy ra và dĩ nhiên chế độ ăn, tập luyện, nghỉ ngơi… không thể giúp ích gì.
Sẩy thai trong 3 tháng đầu rất hay gặp. Đó là những trường hợp sau chuyển phôi, beta hCG tăng tốt, siêu âm xác định thai trong tử cung, có thể có hay chưa có hoạt động tim thai nhưng sau đó thai phụ có triệu chứng ra huyết kèm đau quặn bụng từng cơn ở vùng bụng dưới. Đó là khi tử cung co thắt để đẩy thai ra. Đây là những trường hợp sẩy thai sớm trong 3 tháng đầu và nguyên nhân đa phần là do bất thường nhiễm sắc thể, cấu trúc di truyền của phôi thai. Cũng tương tự như những trường hợp thai sinh hóa, sẩy thai sớm trong 3 tháng đầu chủ yếu do bất thường cấu trúc về di truyền của phôi thai nên các chế độ ăn, tập luyện, nghỉ ngơi chủ yếu có tác dụng về mặt tâm lý, làm cho người phụ nữ cảm giác an tâm nhiều hơn.
Cả “thai sinh hóa” và “sẩy thai sớm” vẫn có thể xảy ra trong những trường hợp có thai tự nhiên. Các nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng có thai tự nhiên ở lứa tuổi càng lớn, tỷ lệ sẩy thai càng cao. Các cặp vợ chồng ngày nay thường “kiêng” có con giai đoạn đầu, lo sự nghiệp, công việc… và cho đến khi tuổi lớn thì bắt đầu “mong con”, đi điều trị hiếm muộn. Khi này, cả ông bố và người mẹ ở độ tuổi đã cao nên khi có thai, tỷ lệ “sẩy thai sớm”, “thai sinh hóa” cao.
Vậy, các thuốc nội tiết mà các bác sĩ chuyên khoa kê toa gọi là “dưỡng thai” có tác dụng gì?
- Hỗ trợ hoàng thể thai kỳ.
- Giảm sự co thắt của tử cung.
Và, thai kỳ nào mà có thể kéo dài đến giai đoạn cuối cùng thì bản thân thai nhi không bị bất thường nặng về mặt nhiễm sắc thể, di truyền mới có thể dưỡng thai được.
Ngoài ra, thai kỳ IVF cũng có các bất thường như thai kỳ tự nhiên như thai ngoài tử cung, thai trứng… Đây là những trường hợp hiếm, có thể xảy ra và các chế độ ăn uống, nghỉ dưỡng… không cải thiện được tình trạng này.
Cuối cùng, lời khuyên dành cho các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn sau khi có kết quả beta hCG xác định có thai:
- Không nên tự đi xét nghiệm beta hCG rồi tham khảo các thông tin trên mạng rồi đâm ra lo lắng quá mức. Nên xét nghiệm khi có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ cho xét nghiệm khi cần thiết và sẽ tư vấn hợp lý dựa vào việc thăm khám các triệu chứng của thai phụ, biến động của beta hCG, siêu âm.
- Thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá biển, đồ biển.
- Hạn chế chất ngọt, tinh bột, trà sữa, nước mía… (vì làm tăng nguy cơ lên cân quá nhiều trong giai đoạn đầu thai kỳ, tăng nguy cơ đái tháo đường…).
- Tránh thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động…
- Khám thai theo lịch hẹn của các bác sĩ chuyên khoa.
Cuối cùng, bác sĩ Trung chúc vợ chồng em cũng như các cặp vợ chồng hiếm muộn khác sinh mẹ tròn con vuông và sớm “ẵm bé về nhà”.
Mẹ bầu có thể xem thêm video sau:
Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống