Vụ án Nhật Cường: Những bị can giúp sức buôn lậu, trốn thuế thế nào?

Google News

Để vận hành đường dây buôn lậu nghìn tỷ, Bùi Quang Huy sử dụng 8 đường dây vận chuyển hàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Tiền mua bán được các bị can chuyển ra nước ngoài thông qua các tiệm vàng tại Hà Nội. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Nhật Cường, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay Nội Bài và một số đơn vị liên quan.
Trong số 15 bị can, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường và Nguyễn Ngọc Bảo - GĐ tài chính Công ty Nhật Cường bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. 13 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu”.
Vu an Nhat Cuong: Nhung bi can giup suc buon lau, tron thue the nao?
Công ty Nhật Cường. Ảnh: VNN 
Hai tiệm vàng ở Hà Nội chuyển nghìn tỷ ra nước ngoài
Theo kết luận điều tra, Công ty Nhật Cường thành lập vào năm 2001, vốn điều lệ 38 tỷ đồng, do Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc.
Từ năm 2013 đến 2019, Công ty Nhật Cường kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử dưới 4 hình thức: Nhập hàng hóa trong nước có hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT-hàng công ty); Nhập hàng hóa trong nước không có chứng từ nguồn gốc (không có hóa đơn GTGT); Nhập khẩu có chứng từ nguồn gốc hợp pháp (hàng nhập khẩu); Nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Hành vi mua hàng của các nhà cung cấp tại nước ngoài, không khai báo hải quan, nộp thuế mà tổ chức vận chuyển trái phép về Việt Nam để tiêu thụ có dấu hiệu tội buôn lậu.
Kết luận điều tra xác định, từ năm 2014 đến ngày 9/5/2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống nhân sự của công ty Nhật Cường để giao dịch mua 2.502 đơn hàng, với 255.311 sản phẩm (điện thoại di động iPhone các loại, máy tính bảng, máy tính, máy nghe nhạc…), tổng trị giá gần 3.000 tỷ đồng của 16 chủ hàng tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông,…
Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi số tiền hơn 72 tỷ đồng (cước phí vận chuyển) để thuê các đối tượng vận chuyển (9 đường dây vận chuyển) tiếp nhận hàng của nhà cung cấp tại Hồng Kông - Trung Quốc, vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam giao cho Bùi Quang Huy và đồng phạm.
Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ hơn .000 sản phẩm, thu được số tiền là hơn 3.200 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 221 tỷ đồng (đã trừ tiền mua hàng, tiền cước phí vận chuyển). Còn lại 947 sản phẩm chưa tiêu thụ được, trị giá mua là hơn 7 tỷ đồng.
Kết luận điều tra nêu rõ, Bùi Quang Huy là người quyết định việc chi tiền, tìm kiếm, giao dịch, làm việc với các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài để đặt vấn đề mua hàng tại nước ngoài. Sau đó, Bùi Quang Huy trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Ngọc Ánh, Hoàng Văn Phong, Mai Tiến Dũng và Đỗ Quốc Huy giao dịch với các nhà cung cấp để thỏa thuận về giá cả, số lượng, hình thức thanh toán, giao hàng,… để đặt mua hàng; chỉ đạo Đỗ Quốc Huy tham gia tư vấn cho Trần Ngọc Ánh về giá mua, giá bán, số lượng, chủng loại điện thoại cần mua để Ánh tham khảo, quyết định việc mua hàng.
Hàng lậu được Bùi Quang Huy thuê 9 đường dây vận chuyển từ Hồng Kông về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, đường biển qua Cảng Hải Phòng, đường bộ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại các tỉnh Lạng Sơn và TP Móng Cái (Quảng Ninh).
Cụ thể: Bùi Quang Huy thuê 3 đường dây SH, SRV, chị Yên HP vận chuyển bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài; thuê 4 đường dây vận chuyển (gồm: Tiến Lokchun, Việt LS, Hằng LS, Hưng ĐA) tổ chức vận chuyển hàng từ Hồng Kông về Việt Nam bằng đường bộ theo 2 tuyến: Hồng Kông - Đông Hưng, Quảng Châu, Trung Quốc - TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - Hà Nội; Hồng Kông - Bằng Tường, Quảng Châu, Trung Quốc - Lạng Sơn - Hà Nội.
Bùi Quang Huy còn thuê đối tượng Hùng MC vận chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam 7 đơn hàng, với 530 sản phẩm, trị giá gần 4 tỷ đồng, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi gần 230 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bùi Quang Huy còn thuê đường dây vận chuyển Hùng tiếp nhận hàng tại Hồng Kông, tổ chức vận chuyển từ Hồng Kông về Việt Nam theo đường biển qua Cảng Hải Phòng, giao cho Bùi Quang Huy và đồng phạm tại một số địa điểm trung tâm Hà Nội. Trong đó, từ năm 2016 đến tháng 5/2019, Đỗ Văn Hùng và đồng phạm đã vận chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam 375 đơn hàng, với hơn 52.000 sản phẩm, tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi hơn 37 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dữ liệu điện tử từ hệ thống ERP (hệ thống quản lý phần mềm nội bộ) và lời khai của Nguyễn Bảo Ngọc thể hiện, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thông qua hai tiệm vàng ở Hà Nội để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển vào tài khoản tại nước ngoài của các chủ hàng, đường dây vận chuyển.
Trong đó, một tiệm vàng chuyển hơn 1.729 tỷ đồng, chi tiền mặt 1.121 tỷ đồng, chuyển khoản hơn 607 tỷ đồng vào 21 tài khoản của 12 cá nhân. Tiệm vàng còn lại chuyển hơn 795 tỷ đồng, chi tiền mặt hơn 487 triệu đồng, chuyển khoản hơn 308 tỷ đồng vào 14 tài khoản của 8 cá nhân.
Qúa trình điều tra, chủ của hai tiệm vàng khai, chỉ chuyển tiền cho Công ty Nhật Cường để chuyển tiền cho khách hàng trong nước (không nhớ rõ, đơn vị, cá nhân nào), không thừa nhận việc chuyển tiền ra nước ngoài.
CQĐT chưa thu thập được tài liệu phản ánh việc các đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài. Bùi Quang Huy là đối tượng trực tiếp liên hệ, thuê hai bà chủ tiệm vàng chuyển tiền ra nước ngoài, đang bỏ trốn, chưa truy bắt được.
Cựu Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường giúp sức 'trốn thuế'
Kết luận điều tra cũng cho thấy, Bùi Quang Huy còn lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường; chỉ đạo Nguyễn Thị Bích Hằng (kế toán trưởng) và Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính) ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty tại 2 hệ thống sổ sách trên phần mềm ERP và MISA.
Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư cho các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập... chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.
Vu an Nhat Cuong: Nhung bi can giup suc buon lau, tron thue the nao?-Hinh-2
 Bùi Quang Huy hiện đang bỏ trốn.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi trên của Huy và đồng phạm, chỉ tính tiền phần nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh đã gây hậu quả nghiêm trọng thiệt hại tài sản nhà nước là gần 30 tỷ đồng (theo kết quả giám định). Bên cạnh đó, hành vi lập 2 hệ thống sổ sách kế toán còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền... ), tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. Với hành vi này của Bùi Quang Huy đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Bị can Nguyễn Thị Bích Hằng khai rằng, Công ty Nhật Cường kinh doanh buôn bán các loại điện thoại, phụ kiện điện thoại có nguồn gốc nhập khẩu và mua trong nước có hóa đơn (có nộp thuế và không có hóa đơn, chứng từ (không nộp thuế).
Bùi Quang Huy chỉ đạo sử dụng 2 phần mềm ERP và MISA để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh. Trong đó, phần mềm ERP ghi chép đầy đủ số liệu hàng hóa Công ty Nhật Cường mua vào, bán ra (hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, có nộp thuế và hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không nộp thuế), nhằm mục đích phản ánh chính xác doanh thu, lợi nhuận để quân lý toàn bộ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, phần mềm MISA chỉ ghi chép số liệu hàng hóa mua vào, bán ra có hóa đơn chứng từ (có nộp thuế) để phục vụ việc kê khai nộp thuế, lập sổ sách kế toán, báo cáo thuế, báo cáo tài chính gửi các cơ quan quản lý nhà nước.
Nguyễn Thị Bich Hằng cũng khai, được Bùi Quang Huy giao phụ trách công tác kế toán của Công ty Nhật Cường. Hằng sử dụng phần mềm kế toán MISA để kê khai thuế, lập sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế để nộp cho cơ quan thuế.
Quá trình kê khai thuế, lập sổ sách kế toán, Hằng chỉ ghi chép số liệu liên quan đến việc mua vào, bán ra hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, có nộp thuế vào sổ sách kế toán trên phần mềm MISA, không ghi chép số liệu liên quan đến việc mua vào, bán ra hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không nộp thuế. Bị can Hằng cũng không ghi chép số liệu trên phần mềm ERP, nhưng được cấp quyền truy cập phần mềm ERP để xem, trích xuất các số liệu về hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường.
Tại cơ quan điều tra, Hằng thừa nhận số liệu ghi chép trên phần mềm ERP và số liệu ghi chép trên phần mềm MISA có sự chênh lệch lớn, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty do Bùi Quang Huy thành lập... chỉ được ghi nhận trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ mà không được ghi nhận trên phần mềm MISA để lập báo cáo thuế, báo cáo tài chính kê khai với cơ quan Nhà nước.
“Việc ghi chép không đầy đủ, để ngoài số sách kế toán báo cáo với cơ quan nhà nước nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí là vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về kế toán, gây thiệt hại” - kết luận điều tra nêu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xét xử kín vụ án Nguyễn Đức Chung

Nguồn: VTV TSTC


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)