“Biết tao là ai không?” tái xuất hiện ở Bình Dương

Google News

Sự ảo tưởng về quyền lực quan hệ xã hội thông qua những lời lẽ xấu xí không đáng thốt ra “Biết tao là ai không?” sau va chạm trên đường vẫn tồn tại và xuất hiện ở Bình Dương.

Theo đó, ngày 12/1, Công an TP Thuận An (Bình Dương) trích xuất camera, tìm danh tính nhóm thanh niên đánh hội đồng tài xế taxi công nghệ tại phường Hưng Định gây thương tích.
Điều tra bước đầu, khoảng hơn 1 giờ sáng (12/1), tài xế taxi công nghệ 37 tuổi lái xe về đến cửa nhà trên đường Hưng Định 17 thì hai người đàn ông chở nhau trên một xe máy ập đến. Họ không đội mũ bảo hiểm, đập tay mạnh vào ôtô, kêu tài xế xuống nói chuyện.
Sau vài câu qua lại, hai người đi xe máy xông vào đánh nam tài xế tới tấp, nói "mày biết tao là ai không?". Lúc này xuất hiện người đàn ông trung niên khác, cùng lao vào đánh nạn nhân. Một người trong nhóm lấy nón bảo hiểm, ghế sắt quật vào đầu, mặt khiến  nạn nhân chảy nhiều máu.
Khoảng 5 phút sau, người dân trong xóm nghe ồn ào, chạy ra can ngăn thì nhóm này mới chịu dừng tay, lên xe bỏ đi.
“Biet tao la ai khong?” tai xuat hien o Binh Duong
 Nhóm thanh niên lao vào đánh tới tấp tài xế taxi ở Bình Dương ngày 12/1.
Trình báo cảnh sát, anh L cho biết, anh làm nghề chạy xe dịch vụ, thời điểm trên anh đang điều khiển xe ô tô từ ngã tư Đất Thánh về nhà tại khu phố Hưng Lộc (phường Hưng Định). Do đường nhỏ hẹp nên anh điều khiển xe ô tô chạy chậm. Khi vừa về đến cổng nhà thì anh bị 2 người đàn ông đi trên một xe máy (có dấu hiệu say xỉn) "cúp đầu" xe rồi gây sự.
Cũng tại Bình Dương, đầu tháng 1/2025, một nạn nhân bị đánh sau va chạm giao thông phải đi cấp cứu tại BV Đa khoa Bình Dương rồi chuyển đến BV Chợ Rẫy trong tình trạng chấn thương nặng. Sau 4 ngày cấp cứu, nạn nhân tử vong. Cơ quan CSĐT Công an TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Văn Hiền (36 tuổi) để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” sau va chạm giao thông trên đường.
Đừng để bạo lực giao thông leo thang
Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện các vụ việc nhảy bổ vào nhau, hành hung người khác trong quá trình tham gia giao thông khiến dư luận phẫn nộ. Đơn cử, ngày 2/1, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM ra lệnh bắt giữ người đối với đối tượng Nguyễn Thùy Trang – người đã lao vào đánh chị Võ Thị Bình, nhân viên thực hiện nhiệm vụ chắn barie gác tàu hỏa tại đường Kha Vạn Cân.
Cũng trong ngày 2/1, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Bùi Thị Ngọc Anh (cùng ngụ tại Quận 1) bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi đánh đập tài xế xe ôm công nghệ.
Ngày 3/1, Công an TP Đà Lạt triệu tập Đặng Bá Hợi và Nguyễn Đình Cầm để làm rõ vụ đánh nhau giữa giao lộ, gây cản trở giao thông. Một số người xung quanh can ngăn cũng bị các đối tượng này hành hung.
Những ngày cuối năm, Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng thông tin về các vụ việc trên khiến nhiều người tham gia giao thông lo ngại bởi nó phản ánh một thực tế bạo lực sau va chạm giao thông có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp.
Nhận thức bạo lực sau va chạm giao thông có thể leo thang không chỉ bằng tuyên truyền mà ngay mỗi bản thân người tham gia giao thông phải biết kiểm soát hành vi, ý thức, giáo dục bằng những hành động hành vi văn minh, những ngôn từ, hình ảnh, những quy định cụ thể trước khi ra đường, biết phải tôn trong luật pháp, tôn trọng tính mạng, sức khỏe chính mình và người khác cũng như tôn trọng các quy tắc giao thông văn minh của cộng đồng.
Phạm Giang

>> xem thêm

Bình luận(0)