|
Sau vụ tai nạn xảy ra, dải phân cách bê tông trên làn xe máy đã được thảo dỡ. Ảnh M.Q |
Tai nạn tử vong vì dải phân cách được cho lắp bất hợp lý
Rạng sáng 16/3 vừa qua, anh Phan Anh Tuấn (31 tuổi, quê Bà Rịa Vũng Tàu) điều khiển xe máy chạy trên đường dẫn cao tốc TPHCM - Dầu Giây (đoạn đường dành riêng cho xe máy) theo hướng từ quận 2 về quận 9 (TPHCM).
Khi đến gần cầu Đỗ Xuân Hợp, (quận 2) bất ngờ tông vào dải phân cách bằng bê tông giữa làn đường. Vụ va chạm dẫn đến anh Tuấn bị ngã xuống đường và tử vong tại chỗ.
Sau vụ tai nạn thương tâm của anh Tuấn, đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc đã gỡ bỏ dải phân cách được cho là bất hợp lý và thay vào đó là các cọc tiêu bằng nhựa để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) - đơn vị quản lý đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết, việc đặt chướng ngại vật bê tông trên làn đường xe máy để ngăn không cho ô tô không chạy vào làn xe máy.
Điều đáng nói, là trước đó vào tối 12/3, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cũng tông vào dải phân cách tại đường dẫn cao tốc trên và cũng tử vong.
Từ cái chết của anh Phan Anh Tuấn và anh Lý Vũ Hào, dư luận đặt ra vấn đề, việc cấm ô tô đi vào làn đường dành riêng cho xe máy thì có nhiều cách thức, không nhất thiết phải lắp đặt dải phân cách nằm ngay đầu lối vào sẽ gây nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Vì vậy, cái chết của hai nam thanh niên đã gây ra nhiều tranh luận, vì nhiều người cho rằng việc tử vong này có liên quan đến việc lắp đặt dải phân cách bất hợp lý.
Không có quy định lắp dải phân cách trên làn xe máy
Chiều 16/3, trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM đã có những phân tích pháp lý về việc cái chết của hai nam thanh niên trên ai chịu trách nhiệm và có được bồi thường không?
Theo ông Hậu, vấn đề tai nạn xảy ra lỗi do hạ tầng hay người tham gia giao thông phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu nạn nhân đã sử dụng rượu bia trước đó và điều khiển xe với tốc độ cao thì rõ ràng là đã vi phạm pháp luật.
Do đó, nếu tai nạn xảy ra là do lỗi của nạn nhân, thì không ai phải chịu trách nhiệm đối với vụ việc này. Trong trường hợp lỗi do việc lắp đặt dải phân cách không đúng quy định, thì cơ quan chức năng liên quan sẽ có trách nhiệm xem xét và giải quyết vụ việc theo kết luận của cơ quan điều tra vụ tai nạn.
"Việc đặt dải phân cách tại vị trí này cũng gây hạn chế không nhỏ cho việc các phương tiện lưu thông và có nguy cơ gây ra va chạm giao thông, do đó cơ quan có thẩm quyền cần xem xét biện pháp ngăn chặn ô tô đi vào làn xe máy, nhằm đảm bảo an toàn cho người đi xe máy." - luật sư Hậu nói.
Ông Hậu cũng cung cấp thêm thông tin, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2016) thì không có dải phân cách nào được phép đặt giữa làn xe máy.(Điều 85 của quy chuẩn). Do đó, việc lắp đặt này là không phù hợp.
"Khi lắp đặt dải phân cách đối với các vị trí khó nhận diện thì cần cho gắn đầy đủ hệ thống cảnh báo theo Quy chuẩn về báo hiệu, bao gồm: biển báo “Đi chậm”, biển cảnh báo “Có chướng ngại vật” phía trước, gờ giảm tốc và một số cọc tiêu cảnh báo để người dân có thể dễ dàng nhận dạng dải phân cách" - luật sư Hậu nói.