Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành kèm Thông tư số 24, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 lên 50% và điểm thi tốt nghiệp chiếm 50%.
Cùng với đó, tổ chức kỳ thi thành 3 buổi thi, gồm: 01 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. So với những năm trước, giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi…
|
Ông Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia tư vấn giáo dục, thành viên Hiệp hội giáo viên giảng dạy tiếng Anh Canada (TESL Canada) |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia tư vấn giáo dục, thành viên Hiệp hội giáo viên giảng dạy tiếng Anh Canada (TESL Canada) cho biết, có nhiều cách đánh giá người học, nhưng thường được chia ra hai loại: đánh giá tổng kết (summative) và đánh giá quá trình (formative).
Đánh giá tổng kết tập trung vào kết quả cuối cùng mà người học thể hiện được ở cuối quá trình học, như cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, kết thúc chương trình phổ thông. Trong khi đó, đánh giá quá trình tập trung vào những gì người học có thể thể hiện trong suốt quá trình học, là hình thức đánh giá thường xuyên, liên tục.
Mỗi hình thức đánh giá đều có ưu điểm riêng, nhưng cũng kèm với nhược điểm trong đó nhược điểm của hình thức này có thể được bổ sung bằng ưu điểm của hình thức kia. Lý tưởng nhất là có thể kết hợp cả hai, giữa điểm học bạ (đánh giá quá trình) và điểm thi tốt nghiệp (đánh giá tổng kết).
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, các tỷ lệ kết hợp như 50/50 hay 70/30 hoàn toàn không có trong nghiên cứu khoa học, mà chỉ là các con số thể hiện quan điểm riêng của người lựa chọn, và hiệu quả của chính sách còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bối cảnh khác.
Nếu tỷ trọng điểm học bạ thấp, học sinh có thể tập trung ôn thi tốt nghiệp để phục vụ cho việc cạnh tranh vào đại học, điều đó làm giảm ý nghĩa của việc học phổ thông. Nếu tỷ trọng điểm học bạ cao, sẽ dẫn tới bất bình đẳng do chênh lệch trong cách cho điểm, chấm điểm giữa các địa phương, các trường, các thầy cô khác nhau.
Do vậy, nếu muốn tăng tỷ trọng điểm học bạ, nên đi kèm với tính tỷ lệ percentile (bách phân điểm) để xác định học sinh đứng trên hoặc dưới bao nhiêu phần trăm học sinh khác trong trường, trong tỉnh của mình, từ đó mới có bức tranh rõ ràng ở đâu điểm học bạ bị lạm phát, ở đâu gặp bất lợi khi so sánh toàn quốc.
Việc giảm bớt thời gian thi mà không ảnh hưởng tới chất lượng đánh giá của kỳ thi là một điều các đơn vị khảo thí luôn hướng tới, đặc biệt trong việc dùng công nghệ để kết hợp giữa bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận.
Một nền giáo dục hiệu quả luôn cần tìm ra các giải pháp để tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người học nói riêng và xã hội nói chung, nhưng không được thoát ly khỏi những tiêu chí như chính xác, công bằng của các kỳ thi.
Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên đưa ra lời khuyên với phụ huynh và học sinh, quy chế thi là một dạng "luật chơi", do vậy cần nghiên cứu kỹ để có chiến lược học tập hiệu quả. Trong đó, sự cân bằng là rất quan trọng: cân bằng giữa việc đạt điểm cao trong các kỳ thi để tận dụng được các cơ hội học tập tiếp theo, song song đó là chất lượng, trải nghiệm học tập - những thứ mà điểm số, kỳ thi không bao giờ thể hiện hay đánh giá hết.
“Lợi ích của giáo dục phổ thông nằm ngoài điểm số rất nhiều, có nhiều lợi ích lâu dài chỉ có thời gian mới trả lời hết, do vậy không nên chỉ tập trung vào điểm số và lợi ích ngắn hạn, mà cần có tầm nhìn lâu dài hơn, bền vững hơn với việc học phổ thông”, ông Nguyên nói.
>>> Mời quý độc giả xem video thí sinh đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024: