Ngày 9/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau. Đây là nội dung quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động gắn với sự kiện Festival tôm và diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh: VGP).
|
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Cà Mau là tỉnh cực Nam Tổ quốc, 3 mặt giáp biển; có điều kiện phát triển năng lượng tái tạo, phát triển du lịch rất thuận lợi. Cùng với đó, tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); phát triển ngành tôm, nuôi trồng và chế biến hải sản; phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch cộng đồng; phát triển công nghiệp hóa chất, phân bón…
Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau", Thủ tướng cho rằng mỗi người Việt Nam và mỗi người nước ngoài tới Việt Nam đều muốn đặt chân đến Cà Mau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tỉnh Cà Mau đã xây dựng quy hoạch, tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư. “Tôi tin chắc sau hội nghị này, Cà Mau sẽ có bước phát triển đột phá với quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thách thức, đủ bản lĩnh đi lên bằng sức mạnh nội sinh, tự lực tự cường”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị tỉnh cần chọn những việc có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện, tránh dàn trải, bởi, hiện nay, thời gian có hạn, nguồn lực không nhiều, tình hình còn đang khó khăn.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt, không địa phương nào có được; là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển km; có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp…
|
Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.
|
Theo ông Hải, năm nay tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 45.400 tỷ đồng, tăng 7,83%, vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỷ đồng; có 449 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 145.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau cho biết tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụp lún đất; hạ tầng giao thông kết nối yếu kém; không có vật liệu xây dựng tại chỗ, dẫn đến suất đầu tư công trình, nhất là hạ tầng giao thông cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, Cà Mau còn là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mê Kông. Đây là những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
|
Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Cà Mau trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp.
|
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau cho rằng, việc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là vô cùng quan trọng, tạo điều kiện để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nắm được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch.
Từ đó, thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau “cất cánh”, trở thành một cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và xứng tầm là vùng địa đầu cực Nam của Tổ quốc.
“Tôi mong rằng, thông qua hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại tỉnh Cà Mau. Tỉnh Cà Mau cam kết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh”, ông Hải nói.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Quy hoạch hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, trung tâm chế biến thủy sản; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng…
Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.