Mới đây, Sở Thông tin và Truyền Thông tỉnh Quảng Ninh (Sở TT&TT) ban hành văn bản số 1840/STTTT-TTBCXB do Giám đốc Sở Lê Ngọc Hân ký gửi các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc hướng dẫn trong công tác làm việc với Báo chí và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi văn bản được ban hành đã vấp phải sự phản ứng của dư luận và các cơ quan ngôn luận.
Cụ thể, trong nội dung văn bản có đoạn: "Trong trường hợp cần thiết phải xem xét tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí có phù hợp với nội dung thông tin đề nghị đơn vị cung cấp, phối hợp hay không. Để tìm hiểu về tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, đơn vị truy cập vào Cổng Thông tin điện tử thành phần của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh. Mục: Hướng dẫn nghiệp/Thông tin - Báo chí - Xuất bản để tra cứu.
Ví dụ: Báo Giáo dục khi đề nghị cung cấp thông tin về các dự án, công trình xây dựng; các tạp chí về môi trường đề nghị cung cấp thông tin về công tác cán bộ, nhân sự... thì đơn vị có thể từ chối cung cấp thông tin do không phù hợp với tôn chỉ mục đích" - trích văn bản 1840.
|
Văn bản số 1840 của Sở Thông tin và Truyền Thông tỉnh Quảng Ninh. |
Nhiều ý kiến cho rằng, văn bản của Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành là "đè" lên Luật Báo chí, đi ngược lại với những nội dung được quy định rõ ràng tại khoản 2 và 3 điều 25, Luật Báo chí 2016.
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Tôi vừa được tiếp cận thông tin từ văn bản số 1840 của Sở Thông tin và Truyền Thông tỉnh Quảng Ninh, sau khi đọc được những thông tin ở trong văn bản này, tôi thấy rằng trước hết là tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm đến hoạt động báo chí cũng như trả lời báo chí trong phạm vi tỉnh, tuy nhiên, một số điều trong văn bản này chưa thực sự phù hợp với các quy định của pháp luật sự phản ánh được sự tôn trọng cũng như nhận thức đầy đủ về hoạt động của Nhà báo cũng như các cơ quan báo chí."
|
Nội dung trong văn bản. |
Luật sư Trương Anh Tú nói thêm, đơn cử như việc nêu ra là các cơ quan tổ chức cá nhân địa bàn tỉnh có quyền xem xét đến tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí là không phù hợp với các quy định của pháp luật, phản ánh sự trịch thượng, thiếu tôn trọng đối với hoạt động của các cơ quan báo chí.
"Trên hết, văn bản đã thể hiện tính đối phó rất cao đối với các nhà báo cũng như các cơ quan báo chí, không nhìn thấy thiện chí hợp tác các cơ quan tỉnh này đối với các Nhà báo trong hoạt động cung cấp thông tin cho Nhà báo.
Văn bản này không cho thấy sự hợp tác cung cấp thông tin của địa phương cho báo chí, mà ngược lại ngầm có sự biểu hiện của việc cản trở hoạt động tác nghiệp của Nhà báo các cơ quan báo chí, điều này là hết sức không nên. Việc làm bất thường này không chỉ biểu hiện sự đối phó, mà còn khiến cho các Nhà báo cũng như quần chúng nhân dân cảm nhận rằng địa phương đang có điều gì khuất tất" - luật sư Tú đặt câu hỏi.
|
Nhiều ý kiến cho rằng văn bản 1840 của Sở TT&TT Quảng Ninh "đè" lên trên Luật. |
Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Điều 7 và Điều 8 của Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định về “Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”; và “Quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn”.
Căn cứ tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP thì người đứng đầu hoặc người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp là người phát ngôn phải cùng cấp thông tin cho nhà báo theo Luật Báo chí.
“Nghị định 09/2017/NĐ-CP không phân biệt là nhà báo làm ở cơ quan báo chí nào, nên việc phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí không có căn cứ để phân biệt mức độ cung cấp thông tin cho đối tượng phóng viên, Nhà báo thuộc cơ quan báo chí nào mới được cung cấp thông tin” – luật sư Nguyễn Thanh Hoàng nêu quan điểm.
Như vậy, đối chiếu theo các quy định pháp luật, các văn bản luật hiện hành thì việc Sở TT&TT Quảng Ninh ban hành văn bản 1840 phải chăng đang "đè" lên Luật?
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;
e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.
3. Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;
b) Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
c) Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;
d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật;
e) Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
>>> Xem thêm video: Người dân tổ chức… họp báo phản đối bị thu hồi đất ở Quảng Ninh