Phạt nghiêm hành vi đi vệ sinh bừa bãi
Từ 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính việc vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực.
Theo đó, mức phạt tiền sẽ tăng 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Các hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (theo quy định cũ phạt 200 nghìn đồng).
Hành vi vứt, thải, bỏ mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Việc vứt bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, vấn đề thắc mắc đối với nhiều người dân đó là vấn đề ai xử phạt và xử phạt như thế nào trong khi hành vi diễn ra nhanh chóng và có thể xảy ra ở bất kỳ đâu.
Trả lời thắc mắc của bạn đọc, luật sư Trần Huy Tuấn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã nêu ra căn cứ pháp lý về người có thẩm quyền xử phạt trong vấn đề này.
Cụ thể, luật sư Tuấn nêu rõ: “Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP vừa có hiệu lực thì thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm môi trường thuộc về UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức thuộc ban quản lý rừng, ban quản lý các vườn quốc gia...
Những lực lượng này sẽ trực tiếp bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh... để làm căn cứ xử phạt”.
|
Hình minh họa. |
Tuy nhiên, luật sư cho rằng quy định này thiếu thiết thực và không bám sát với thực tế bởi theo tính chất của hành vi vệ sinh cá nhân bừa bãi, các lực lượng có thẩm quyền này không thể kiểm soát hết được mà điều chính là ở ý thức người dân.
Với đặc thù công việc của nhiều người, nhất là các đối tượng làm các công việc ngoài trời, không cố định, việc đi vệ sinh bừa bãi là không thể tránh khỏi trong khi hệ thống các nhà vệ sinh công cộng không có hoặc nếu có thì quá ít, không thể đáp ứng được tình trạng này.
Anh Lương Minh H. (tài xế taxi hãng Mai Linh) cho biết: “Do đặc thù công việc, ngồi trong xe và di chuyển liên tục nên không thể tránh khỏi việc đi vệ sinh. Tuy nhiên, đâu phải chỗ nào cũng có nhà vệ sinh công cộng nên để “giải quyết” nhanh thì việc đi bừa bãi là điều tất yếu”.
|
Hệ thống nhà vệ sinh công cộng không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. |
Bác Phạm Văn H. (làm nghề chạy xe ôm) cũng đưa ra ý kiến: “Quy định về việc xử phạt việc vệ sinh bừa bãi nơi công cộng là đúng, tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền cũng nên xem xét lại nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Mặc dù xử phạt nghiêm cũng tốt nhưng phải tìm nguyên nhân để khắc phục trước để tránh sự mất công bằng vì có nhiều người vi phạm nhưng làm sao có thể kiểm soát hết, kể cả có đặt camera cũng không có nhiều tác dụng”.
Lo ngại quy định "đá" luật?
Liên quan đến quy định phạt tiền đối với người đi vệ sinh bừa bãi nơi công cộng, người những người này nếu gây dư luận xấu sẽ bị nêu tên công khai kèm thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh… Vấn đề đặt ra liệu việc làm này có vi phạm đời tư của cá nhân người vi phạm?.
Luật sư Trần Huy Tuấn cho biết: “Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rõ rằng danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân cần được tôn trọng và sẽ được pháp luật bảo vệ. Như vậy, việc vi phạm vệ sinh nơi công cộng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tên họ hoặc kèm thông tin, hình ảnh của họ lên trang điện tử của Bộ là hành vi không đúng với quy định pháp luật, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định hiện hành”.