Ông Lưu Bình Nhưỡng từ đại biểu uy tín đến gục ngã vì tiền

Google News

Từ một ĐBQH với nhiều phát biểu làm nóng nghị trường, ông Lưu Bình Nhưỡng đã “sa ngã” và hiện đang bị truy tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Viện KSND tỉnh Thái Bình mới đây ban hành cáo trạng truy tố ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu đại biểu Quốc hội, cựu phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, bị cáo buộc sử dụng danh nghĩa đại biểu Quốc hội để hỗ trợ nhóm bảo kê cưỡng đoạt tài sản và nhận hàng trăm nghìn USD từ doanh nghiệp để can thiệp vào các cơ quan chính quyền.
Ong Luu Binh Nhuong tu dai bieu uy tin den guc nga vi tien
Ông Lưu Bình Nhưỡng khi bị bắt. 
Từ một đại biểu có nhiều phát ngôn làm nóng nghị trường
Ông Lưu Bình Nhưỡng (quê quán huyện Hưng Hà, Thái Bình), tiến sĩ luật, từng là đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016-2021), Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội.
Khi còn làm đại biểu Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng thường xuyên có nhiều phát biểu thẳng thắn, gai góc về các vấn đề xã hội, dân sinh và pháp lý, làm “nóng” nghị trường Quốc hội cũng như trên báo chí.
Điển hình, tại phiên thảo luận về KT-XH của Quốc hội ngày 30/6/2019, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: “Vì sao người dân thể hiện thái độ gay gắt với ông bộ trưởng này, ông quan tỉnh, ông quan huyện kia?. Điều đó là do họ không còn niềm tin với các vị được gán mác cán bộ, công chức đó”; “Cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo cao cấp, mà không khiêm tốn, thiếu gương mẫu, sống như thái tử, hoàng tử, như là chúa rừng xanh, thái độ như tuần phủ, tri phủ, chánh tổng… Có người lợi dụng chức vụ quyền hạn, vun vén đủ thứ…thì thử hỏi, sao cử tri và nhân dân có thể yêu mến, kính trọng và ủng hộ?”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng có phát ngôn đáng chú ý trước Quốc hội sáng 30/10/2019: “Vô đạo, vô lương sẽ là nguồn gốc của tả là lòng tham, hữu là đớn hèn, thấy đúng không dám nói, không dám bảo vệ. Thấy sai thì bao che tìm cách diệt khẩu, thậm chí ngăn lối dư luận.”.
Tại phiên thảo luận KT-XH của Quốc hội ngày 15/6/2020, nói về công tác phòng chống tham nhũng, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Việt Nam đã có nhiều bài học về phòng chống tham nhũng, do đó các cán bộ công chức nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng thì phải dừng lại ngay”…
Những phát ngôn, hành động của ông Lưu Bình Nhưỡng khi làm đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện đã ít nhiều xây dựng nên hình ảnh là người dám nói, dám làm, khiến cử tri tin tưởng. Tuy nhiên, khi ông Nhưỡng bị khai trừ Đảng và bị Công an tỉnh Thái Bình bắt ngày 14/11/2023 để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản, nhiều người mới biết vị đại biểu này đã không giữ được sự “công, chính, liêm, minh”,
Đến sa ngã…
Trong cáo trạng VKSND tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất, ông Lưu Bình Nhưỡng bị truy tố về hai tội danh Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Nhưỡng bị cáo buộc dùng danh nghĩa đại biểu Quốc hội để tác động, can thiệp chính quyền, tòa án... nhằm giúp đỡ nhóm bảo kê cưỡng đoạt tài sản và nhận hàng trăm nghìn USD, bất động sản để giúp một số doanh nghiệp.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác mỏ cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy. Khi Sao Đỏ và các doanh nghiệp khai thác cát, Phạm Minh Cường (Cường "quắt"), Vũ Đăng Phương đã gây chuyện, chặn lối ra vào bãi triều nhằm ép doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác. Nếu không đồng ý, Cường sẽ gây cản trở, không cho các tàu vào khai thác.
Cường yêu cầu Công ty Sao Đỏ phải trả 1.500 đồng/m3 cát mà công ty khai thác được, tương đương 1,05 triệu đồng/một tàu khai thác cát. Vì không còn cách nào khác, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận yêu cầu Cường đưa ra. Nhằm che giấu hành vi cưỡng đoạt, Cường đã ký hợp đồng làm bảo vệ cho Sao Đỏ. Từ tháng 9/2020 đến 12/2020, Sao Đỏ đã buộc phải trả cho Cường 3,3 tỷ đồng.
Quá trình khai thác cát, tàu của công ty Sao Đỏ làm đổ cọc, vây tại bãi triều trái phép của giang hồ Dũng "Chiến" nên dẫn đến nhóm của Cường thường xuyên phải ra mặt đánh nhau. Thấy không an toàn nên từ tháng 1/2021, Công ty Sao Đỏ dừng việc khai thác cát và không trả tiền cho Cường. Bị thất thu, trong tháng 5 và 6/2021, Cường, Phương nhiều lần đến nhà riêng của ông Lưu Bình Nhưỡng ở quận Tây Hồ, Hà Nội và nhà thờ của ông Nhưỡng tại huyện Hưng Hà, Thái Bình, nhờ giúp đỡ. Ông Nhưỡng khi đó là đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tại các lần gặp gỡ, Cường nhờ ông Nhưỡng can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình tạo điều kiện giúp đỡ. Cường còn khoe với ông Nhưỡng là dùng bãi triều để thu tiền của Sao Đỏ, mỗi tháng được 400-500 triệu đồng. Ông Nhưỡng đồng ý giúp nhưng không gọi điện can thiệp ngay. Sau đó, để tăng cường thêm sự gắn kết, Cường rủ vợ chồng vị đại biểu Quốc hội đầu tư mua bãi triều được lập trái phép. Trong lần dẫn ra biển chơi, Cường còn chỉ cho ông Nhưỡng biết bãi triều này đang dùng để thu tiền bảo kê của Sao Đỏ.
Cuối tháng 7/2021, vợ chồng ông Nhưỡng đồng ý mua 30 ha bãi triều mà Cường tự cắm trái phép, lấn chiếm từ trước. Cường nói giá thị trường là 1,2 tỷ đồng nhưng chỉ lấy của vợ chồng ông 900 triệu. Mua xong, vợ chồng ông Nhưỡng giao lại cho Cường quản lý để thu tiền theo tháng, từ 60 đến 80 triệu đồng, Cường đã trích từ tiền cưỡng đoạt được để chi trả. Khi vợ ông Nhưỡng nhắn tin hỏi lợi nhuận, Cường đã tự tính toán số tiền phải đưa là 400 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ ông Nhưỡng chưa cầm tiền luôn vì để gom lại mua thêm mảnh đất gần khu trang trại nhà Cường.
Tháng 9/2021, khi bị nhóm xã hội đen Dũng "Chiến" cản trở việc bảo kê, Cường đã nhờ ông Nhưỡng can thiệp. Ông Nhưỡng đã gọi điện cho Phó giám đốc Công an tỉnh Thái Bình để hỗ trợ. Cuộc gọi được ông Nhưỡng ghi âm lại, gửi cho Cường. Sau đó, Cường mang ghi âm này khoe với đàn em để đánh tiếng đến nhóm Dũng "Chiến". Khi biết Cường có ông Nhưỡng đứng sau, nhóm Dũng "Chiến" đã bỏ đi nơi khác làm ăn.
Cường báo lại cho công ty Sao đỏ quay lại khai thác. Từ tháng 10/2021 đến 4/2022, Cường cùng đồng phạm đã cưỡng đoạt của công ty Sao Đỏ hơn 1,3 tỷ đồng. Tháng 4/2022, Cường bị bắt về tội danh Gây rối trật tự công cộng nên các phần việc do Vũ Đăng Phương đảm nhận và thu thêm của công ty Sao Đỏ 230 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, số tiền Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của Sao Đỏ là 4,9 tỷ đồng. Trong đó, việc cưỡng đoạt 1,6 tỷ đồng từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022 có sự giúp sức của ông Nhưỡng. Toàn bộ số tiền này, Cường chi tiêu cá nhân và trả cho Phương khoảng 180 triệu đồng.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thái Bình, ông Nhưỡng còn can thiệp vào một vụ án tranh chấp đất đai tại Hải Phòng, đồng thời nhận lợi ích vật chất là một bộ cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng.
Cụ thể, Bùi Văn Thao (người làm thuê cho Phạm Minh Cường) và ông Vũ Văn Khiến (trú tại phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng) tranh chấp khu đất tại thôn Đông Nhà Thờ (xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Sau khi bị TAND huyện Thủy Nguyên xử sơ thẩm, tuyên thua, Thao sau đó nhờ Cường nói với ông Nhưỡng can thiệp TAND Hải Phòng để xử phúc thẩm theo hướng có lợi cho mình để giữ lại mảnh đất. Thao nói nếu giữ lại được mảnh đất thì sẽ cắt ra một lô đất 100m2 (trị giá khoảng 160 triệu đồng) trong diện tích mảnh đất đang tranh chấp với ông Khiến bán đi lấy tiền để cảm ơn ông Nhưỡng.
Biết ông Nhưỡng đang xây dựng nhà thờ tại Thái Bình, Cường đã biếu ông một bộ cánh cổng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng. Bộ cánh cổng này được lắp đặt tại nhà thờ của ông Nhưỡng. Ngày 14/12/2020, ông Nhưỡng ký văn bản với tư cách đại biểu Quốc hội gửi các cơ quan tư pháp Hải Phòng, đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án để xác minh các tố cáo liên quan. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Hải Phòng khẳng định không có căn cứ xử lý tố cáo của anh Thao.
Ngày 24/6/2021, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm, giữ nguyên phán quyết sơ thẩm, buộc anh Thao trả lại đất cho ông Khiến. Khi đó, ông Nhưỡng tiếp tục hướng dẫn anh Thao gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Biết không có kết quả nên anh Thao dừng lại.
Đáng chú ý, trong một vụ việc khác, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng bị cáo buộc đã hướng dẫn doanh nghiệp làm đơn "kêu cứu" khẩn cấp để gỡ khó cho việc phê duyệt dự án Quế Võ 3 (tỉnh Bắc Ninh). Sau khi nhận đơn của doanh nghiệp, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội viết phiếu chuyển đơn gửi Thủ tướng xem xét, giải quyết. Ông Nhưỡng sau đó nhận 300.000 USD, tương đương 6,9 tỷ đồng. Gia đình ông đã nộp lại toàn bộ số tiền này.
Trong năm 2019, ông Nhưỡng cũng bị cáo buộc nhận lợi ích từ Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hạ Long trong một dự án tại Quảng Ninh. Doanh nghiệp này hứa tặng ông Nhưỡng một lô đất 491m² tại Đông Anh, Hà Nội, trị giá 1,8 tỷ đồng, cùng quyền lợi thêm 1.000m² đất tại dự án 36 ha nếu việc can thiệp thành công. Sau khi nhận đất, ông Nhưỡng đã ký nhiều văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sử dụng danh nghĩa đại biểu Quốc hội để gây áp lực. Tuy nhiên, dự án sau đó không được phê duyệt.
Từ tháng 7 đến tháng 10/2023, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác dự án và hưởng lợi 210 triệu đồng.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)