Chiều 21/9, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ án hoa hậu Phương Nga (Trương Hồ Phương Nga, SN 1987, hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) bị truy tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 139 BLHS, với khung hình phạt lên đến chung thân. Bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung (sinh năm 1989, là bạn thân của Nga) cũng bị truy tố cùng tội danh.
Tòa yêu cầu VKS điều tra bổ sung những tình tiết mới tại phiên tòa, trong đó có lời khai của bị cáo Phương Nga về bản “hợp đồng tình ái” 16,5 tỷ trong 7 năm làm người tình.
|
Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga.
|
Nhiều “kịch bản” pháp lý
Sau phiên tòa, nhiều “kịch bản” pháp lý được đặt ra: Nếu “hợp đồng tình ái” mà hoa hậu Phương Nga được chứng minh là thật thì bị cáo Nga bị oan. Ngược lại, ông Cao Toàn Mỹ sẽ bị truy tố về tội vu khống. Còn nếu lời khai của Nga là gian dối thì có bị khép tội vu khống hay không?
Về việc Tòa trả lại hồ sơ để VKS điều tra bổ sung, làm rõ những tình tiết mới, luật sư (LS) Võ Đức Toàn (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định, đó là quyết định đúng đắn. Theo LS, lời khai của bị cáo Nga là hoàn toàn mới, cần được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ để tránh làm oan người vô tội cũng như bỏ lọt tội phạm.
Về lời khai “hồ sơ tình ái” nếu được cơ quan tố tụng xác minh làm rõ sự thật là không đúng thì cả 2 có bị chịu trách nhiệm pháp lý không? LS Toàn cho biết: Về nguyên tắc 2 bị cáo Phương Nga và Dung không bị sao hết và sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu khai gian dối về “hợp đồng tình ái”.
Lý giải điều này, LS Toàn nói: Theo điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự, trách nhiệm buộc tội hoặc gỡ tội là thuộc về cơ quan điều tra. Bị cáo có quyền (quyền im lặng, quyền bào chữa và nhờ người bào chữa; quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; quyền cung cấp thông tin cho cơ quan tố tụng; quyền trình bày ý kiến… để gỡ tội hoặc chứng minh vô tội) nhưng không có nghĩa vụ chứng minh những điều trên. Nói là quyền của bị cáo.
Trong khi đó, quy định về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong Bộ luật tố tụng hình sự chỉ rõ chủ thể của tội này gồm: Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Giả thiết “hợp đồng tình ái” được cơ quan tố tụng chứng minh có thật thì bị cáo Nga còn bị buộc tội lừa đảo không? Theo LS Toàn, nếu “hợp đồng tình ái” được cơ quan chứng minh là có thật thì việc truy tố tội lừa đảo sẽ được phá vỡ. Ngược lại, ông Cao Toàn Mỹ sẽ phải chịu truy tố hình sự trước pháp luật về tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự với mức án từ 3 tháng đến 2 năm, cao nhất là 7 năm với tội vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng…
Còn ngược lại, lời tố cáo của ông Mỹ được cơ quan tố tụng chứng minh là đúng thì bị cáo Phương Nga sẽ đối diện với tội danh truy tố theo khoản 4 Điều 139 BLHS, với khung hình phạt lên đến chung thân.
|
Ông Cao Toàn Mỹ-người tố cáo Phương Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Liên quan đến việc Phương Nga sử dụng “Quyền im lặng” trong suốt quá trình lấy lời khai trước phiên tòa. Sau đó, trong phiên tòa xét xử, Nga đã khai tình tiết hoàn toàn mới, chưa có trong cáo trạng về “hồ sơ tình ái”. Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết: Đây là quyền của bị cáo vận dụng rất tốt, đặc biệt trong thời gian lùi hiệu lực Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
“Hiến pháp năm 2013 quy định, “Quyền im lặng” gắn liền với quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người bào chữa đã được quy định tại khoản 4, điều 31 Hiến pháp năm 2013. Đây là quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân, trở thành một nguyên tắc tố tụng căn bản phải được tôn trọng và triệt để thực hiện”, luật sư Quynh khẳng định.
Theo LS Quynh, việc thực hiện tốt quyền này không những không cản trở mà nó còn giúp CQĐT không phải mang tiếng bị nghi ngờ về chuyện bức cung, nhục hình. Như vậy, quyền im lặng đã mang lại lợi ích kép cho cả hai phía chứ không riêng gì bị can, bị cáo.