Ông Hoàng Trung Hải và hàng loạt “quan chức” bị xem xét kỷ luật
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ra thông báo về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam.
Qua đó kết luận, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng Công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội.
Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm gồm nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Đặng Thúc Kháng, ông Lê Phú Hưng, nguyên Tổng giám đốc và ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm trong triển khai thực hiện Dự án TISCO II gồm ông Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT; Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, ông Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT; Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc; Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên.
|
Ông Hoàng Trung Hải. |
Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự đảng, phó thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II).
Ông Văn Trọng Lý và Nguyễn Hữu Vũ nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu Lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
Ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007 – 2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương; nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng: Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam, của Ban cán sự đảng Bộ Công thương và các ông nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Nhiều sai phạm tại dự án TISCO II
Những sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO II) đã được Thanh tra Chính phủ công bố trong kết luận thanh tra vào tháng 2/2019 vừa qua.
Kết luận thanh tra nêu rõ, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO có tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng (hơn 242 triệu USD). Dự án được Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép TISCO lập báo cáo nghiên cứu khả thi nâng công suất sản xuất phôi thép từ 250.000 tấn lên 750.000 tấn/năm và cuối năm 2004 và sau đó 1 năm, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư với mục tiêu là đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim nhằm tạo ra năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước.
Dự án gồm 2 gói thầu chính, trong đó gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là trên 224 tỷ đồng; gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim đấu thầu rộng rãi. Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá hơn 160 triệu USD.
Năm 2007, TISCO và MCC ký hợp đồng tổng thầu EPC và giá trên được xác định là "trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện và đã bao gồm các loại thuế, chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng".
Sau ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng trên 35 triệu USD và trong quá trình thực hiện hợp đồng, TISCO và MCC ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký.
|
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên. |
Đến năm 2013, Chủ tịch HĐQT TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.100 tỷ đồng (tăng trên 4.200 tỷ đồng), thời gian thực hiện hết năm 2014 đi vào hoạt động.
Thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, TISCO đã thanh toán tính đến 31/12/2016 là gần 4.500 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ... Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỷ (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỷ đồng/tháng).
Tuy nhiên, dự án vẫn đang dở dang và đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, trong khi đó, các thiết bị đầu tư tiền tỷ về lắp đặt nay chịu cảnh gỉ sét.
Đến thời điểm thanh tra, TISCO đã thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.
Cụ thể, TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD.
Đáng chú ý, theo Thanh tra Chính phủ, tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng thêm hơn 4.200 tỷ đồng nhưng lại thiếu cơ sở căn cứ pháp lý.
Theo Kết luận Thanh tra, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 8845/VPCP-KTN ngày 26/12/2008 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung “đồng ý về nguyên tắc việc xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng do nguyên nhân bất khả kháng trong Hợp đồng gói thầu EPC số 01 của Dự án” không đúng Hợp đồng EPC số 01.
TISCO, VNS, Bộ Công Thương đề nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án và các bộ đều có ý kiến thống nhất tăng chi phí Phần C, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5457/VPCP-KTN ngày 10/8/2009 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh tăng chi phí Phần C 15,57 triệu USD từ nguồn dự phòng của toàn bộ Dự án, không làm tăng TMĐT nhưng không đúng Hợp đồng EPC.
Trong khi các bộ, ngành có ý kiến việc điều chỉnh TMĐT là thiếu căn cứ nhưng Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 3136/VPCP-KTN ngày 22/4/2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh TMĐT Dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả. Nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định…” dẫn đến TISCO cho rằng TMĐT điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; HĐQT TISCO căn cứ Văn bản số 3136/VPCP-KTN ngày 24/4/2013 ký Quyết định số 489/QĐ-GTTN ngày 15/5/2013 điều chỉnh TMĐT Dự án từ 3.843.tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng là không có cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP của Chính phủ; trên cơ sở đề nghị của TISCO, của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đã trình Phó Thủ tướng Chính phủ ký Văn bản số 2339/TTg-KTTH ngày 20/11/2014 gửi các bộ, ngành, trong đó có nội dung “tiếp tục thực hiện Dự án với TMĐT điều chỉnh là 8.104 tỷ đồng” và ban hành Văn bản số 196/TB-VPCP ngày 11/6/2015 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung “đồng ý TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư và thiết bị bị hư hỏng bởi rỉ sét, lão hóa do để lưu kho bãi lâu ngày, trông coi, bảo vệ)…” (TISCO đã thanh toán 4,737 tỷ đồng chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị), những nội dung trên tại 2 văn bản này không đúng với hợp đồng EPC, quy định pháp luật về đầu tư.
Cơ quan thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TISCO, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan của Chính phủ… kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến dự án sang Bộ Công an để điều tra. Ngoài ra, chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Mời độc giả xem video Bắt 5 cựu lãnh đạo dự án Gang thép Thái Nguyên:
Ngày 20/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án này.
Cơ quan điều tra đồng thời tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 5 bị can: Mai Văn Tinh - cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam; Đậu Văn Hùng - cựu tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam; Trần Trọng Mừng - cựu tổng giám đốc TISCO; Trần Văn Khâm - cựu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc TISCO; Ngô Sỹ Hán - cựu phó tổng giám đốc, trưởng Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO.
Cơ quan điều tra đã khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can, thu giữ một số hồ sơ tài liệu quan trọng có liên quan đến vụ án.