Cứ pha nước lã vào, rượu càng rẻ
Tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều xe tải “cẩu” các phuy rượu lớn xuất phát đi... giao hàng. Điểm đến là các tỉnh từ Nam Trung Bộ trở ra. Một người nhiều năm chở rượu cồn đi bán tiết lộ: “Trước chúng tôi chở những cái săm to chứa rượu, nặng, và cực kỳ khó khênh lên khênh xuống. Xe chở rượu thường đi vào ban đêm, qua rất nhiều trạm kiểm tra, nhưng “làm luật” là xong hết. Bây giờ thì chuyển sang chở rượu đựng trong thùng phuy”.
Để tìm hiểu xem rượu “độc” đi đâu, chúng tôi đã nhiều ngày vào vai con buôn đi mua rượu cho quán nhậu để thâm nhập vào “thủ phủ” chuyên cung cấp rượu giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những gì mà PV Báo Lao Động chứng kiến thật đáng sợ. Tại nhà Hạnh A ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, họ pha chế rượu xuất bán đi các tỉnh: Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương, và lên nhiều tỉnh miền núi như lời bà chủ kể. Trước đây bà cũng xuất xuống Cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) nhưng gần đây số lượng có ít hơn.
|
Một người đàn ông đứng bơm nước lã vào phuy để làm rượu độc, giữa thanh thiên bạch nhật, ven đường đông đúc. Ảnh: L.Q |
Bà Hạnh A tiết lộ với chúng tôi - những người mở đại lý bán buôn rượu dưới Hà Nội lên Đại Lâm xem hàng: “Muốn pha “rượu bao nhiêu độ cũng được, nhưng thường thấp nhất là 40 độ, cao nhất là 55 độ, chứ “rượu” 35 độ thì nhạt lắm, nhiều người không thích uống. Nồng độ của rượu cứ lên hai bậc thì giá tiền tăng thêm 1.000 đồng. Chẳng hạn rượu 40 độ có giá 8.000, rượu 45 độ là 9.000 đồng”. “Nếu anh chị lấy nhiều và lấy liên tục thì có thể giảm đôi, ba giá nữa!” - bà Hạnh A đon đả chào hàng.
Bà bắt một cái vòi ống nhựa, màu trắng, đã cắm sẵn với đường ống dẫn nước to bằng bắp tay gắn ở chân tường. Kéo vòi nước ra thùng phuy giữa nhà, cắm vòi nước vào thùng cho nước từ đường ống trực tiếp chảy vào phuy. Phuy khoảng 200 lít. Áng chừng vừa đủ nồng độ, bà múc một gáo lên thử, bà đưa cho tôi “nếm” rồi bảo chừng 45 độ rồi. Mở một phuy khác, bà bảo: “Rượu này 50 độ, loại nhiều người uống nhất đấy”.
Thả hóa chất vào rượu
Tại nhà người đàn ông tên Q (cũng ở Đại Lâm). Q có “thâm niên” chục năm buôn bán rượu, Q bảo mình có thể pha được loại rượu tôi cần, và tôi cần bao nhiêu lít anh cũng pha được, muốn bao nhiêu độ anh cũng pha tốt. Pha xong anh sẽ chở thùng lên bờ đê sẵn cho tôi chở bằng xe tải xuống Hà Nội. Anh tiết lộ, để pha rượu thì anh dùng cồn, nhưng mối quen trong Thanh Hóa thì đã hết, anh phải lấy cồn từ trong Nam ra.
Tại khu vực Cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội. Đoạn đường dài khoảng 100m, có tới 5 đại lý rượu “trôi nổi” không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các đại lý ở gần nhau, cùng một phương thức hoạt động. Nhờ “mối” trên Tam Đa giới thiệu xuống, nhà Q tư vấn cho chúng tôi tỉ mỉ cách pha chế rượu và cách bán hàng. Họ dùng các loại hương liệu (hóa chất) mang vị cốm, vị nếp cái, nếp cẩm, vị thuốc bắc, toàn hóa chất không biết nguồn gốc xuất xứ.
Chúng tôi mua ít rượu về làm mẫu, thấy cá cắn câu, lần sau đến mua, họ cởi mở hơn. Anh chồng lấy lọ hóa chất màu xanh cốm ở góc giữa các phuy rượu ra, bắt đầu rót vào chai. Kỳ lạ cái màu xanh vào rượu nó không thấy xanh nữa, chỉ còn lại mùi thơm của cốm. Anh chồng còn bảo “muốn rượu không nhạt quá thì cho thêm ít đường vào”. Tương tự với hương nếp, anh xách một can mà anh giới thiệu là cốt nếp cái. Anh pha rót vào chai một ít. Anh bảo được rồi, thử đi, tôi đưa lên mũi thì đúng là mùi rượu nếp cái nhưng nồng khó chịu!
Cũng tại làng Tó, nhà người đàn ông tên Đ, anh ta tự giới thiệu đã nhiều năm buôn bán rượu, anh lấy rượu ở Đại Lâm và trong Gốt (Hà Tây cũ) về rồi trực tiếp đổ mối cho các quán và đại lý trong Hà Nội. Đ bảo mỗi sáng tự anh chở vài thùng phuy đi giao. Rượu anh bán giá 10.000 đồng/lít. Đ lấy ra hai lọ hương liệu bằng ngón tay, không nhãn mác, chỉ có màu xanh cốm. Anh nói mua ở chợ, 20.000 đồng/lọ to, 10.000 đồng/lọ bé. “Chả hiểu sao, dân nhậu người ta thích hương vị này nhất” - anh nói.
Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi đã quay video, dựng lại được hành trình rượu độc từ “thủ phủ” bán buôn đi đến các quán ăn, nhà hàng. Ôtô chở từ Đại Lâm đến các đại lý. Rồi từ đại lý, họ chở xe máy đến các quán ăn; hoặc san lẻ ra, chở xe đạp đi bán tận các con ngõ, các khu chung cư, có khi họ rao như người bán bánh mỳ rong.