Chủ tịch tỉnh Tây Ninh nói về nguyên nhân sạt đất ở núi Bà Đen

Google News

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, mưa lớn nhiều ngày cộng với việc đơn vị thi công không san gạt đất, đá bằng phẳng khiến lượng lớn đất chuồi xuống sườn núi Bà Đen.

Chiều 16/11, trao với Zing về vụ sạt đất ở núi Bà Đen, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết thời điểm xảy ra vụ việc, đơn vị thi công đang tập kết đất, đá phục vụ xây dựng hạng mục vườn thượng uyển trên đỉnh núi Bà Đen.
Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen và ngành kiểm lâm kiểm tra, đánh giá và làm rõ nguyên nhân.
Có sự chủ quan của đơn vị thi công
"Qua ghi nhận hiện trường, chúng tôi đánh giá không có yếu tố sạt tự nhiên của núi Bà Đen. Nguyên nhân ban đầu được xác định là mưa lớn liên tục nhiều ngày, lượng mưa lớn đẩy một phần đất, đá do đơn vị thi công tập kết trên đỉnh núi chuồi xuống, tạo thành dòng bùn ở phía đông của núi", ông Ngọc nói.
Theo lãnh đạo tỉnh, vụ việc xảy ra có một phần nguyên nhân là sự chủ quan của đơn vị thi công, không san gạt bằng phẳng lượng đất, đá trên đỉnh núi.
Đến nay, đơn vị thi công đã khắc phục, ngăn đất trôi xuống khu vực phía dưới. Việc chuồi đất xuống không gây nguy hiểm đến người dân và các công trình đang thi công ở chân núi.
Chu tich tinh Tay Ninh noi ve nguyen nhan sat dat o nui Ba Den
Vụ sạt đất để lại vệt trắng dài trên sườn núi Bà Đen. Ảnh: Hạng Vũ. 
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết vài ngày tới, khi thời tiết tốt hơn, tỉnh cử đoàn kiểm tra đánh giá thiệt hại về lâm sản cũng như cây trồng của các hộ dân nhận khoán ở khu vực này để xem xét hỗ trợ phù hợp.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thông tin thêm đỉnh núi Bà Đen có một số công trình quân sự từ thời chiến tranh, khu vực chủ yếu là đá mồ côi, không có rừng.
Tỉnh Tây Ninh và nhà đầu tư đang triển khai một số hạng mục xây dựng theo quy hoạch của Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2018. Ông Ngọc nhấn mạnh phương châm của tỉnh là phát triển du lịch gắn với sinh thái và bảo tồn cảnh quan môi trường.
Đánh giá tác động môi trường từ vụ sạt đất
Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết trong quá trình thi công, xây dựng, đơn vị này có báo cáo hàng ngày cho tỉnh.
"Chủ đầu tư dự án cam kết đảm bảo điều kiện, thủ tục cần thiết trong đề án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường", Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nói.
Về phương hướng xử lý trước mắt, ông Ngọc cho biết đã giao Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, chủ đầu tư đánh giá lại các biện pháp, tiêu chuẩn an toàn và tuyệt đối không để tái diễn hiện tượng mưa làm chuồi đất.
"Tôi đã chỉ đạo Ban quản lý khu du lịch, chủ đầu tư đánh giá các tác động tới môi trường, từ đó có hướng khắc phục, xử lý phù hợp", Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nói và cho biết tiếp tục theo dõi vụ việc.
Theo báo cáo ngày 15/11 của Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, dòng bùn lẫn đá chảy thành vệt ở sườn phía đông núi Bà Đen chiều 14/11 không phải do sạt lở tự nhiên như nhận định ban đầu. Nguyên nhân là thời gian qua, một lượng lớn đất, đá được tập kết để phục vụ thi công các công trình xây dựng hạng mục cảnh quan trên đỉnh núi. Khi gặp mưa lớn nhiều ngày, lượng đất đá này bị đẩy trôi, tạo thành dòng bùn đất chảy thành vệt từ khu vực đang thi công xuống sườn núi.
Bước đầu, hiện tượng trên được đánh giá không làm thiệt hại về người. Tuy nhiên, dòng đất bùn khi chảy xuống đã vùi lấp một phần diện tích cây trồng của các hộ dân nhận khoán trong khu vực núi Bà Đen.
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Nam (986 m), nằm ở phía đông bắc TP Tây Ninh. Núi này có diện tích 24 km2, có 3 ngôi chùa: Chùa Trung, chùa Bà và chùa Hang. Núi Bà Đen nhiều năm qua thu hút khách du lịch đến tham quan bởi cảnh núi non hùng vĩ, thảm thực vật phong phú. Đặc biệt, ngọn núi này còn gắn với truyền thuyết nàng Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen).
Khí hậu trên núi mát mẻ, nhiệt độ trung bình vào ban đêm 15-17 độ C. Du khách hiện lên núi Bà Đen bằng cách đi đường bộ hoặc cáp treo.
Theo Nhật Lâm, Sơn Hà/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)