Tạp chí National Interest trích báo cáo của tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn cho Lầu Năm Góc) nhận định, ưu thế của Không quân Mỹ đang giảm sút một cách nhanh chóng. Sự phát triển và hiện đại hóa chóng mặt của Trung Quốc làm cho Mỹ ngày càng khó khăn hơn trong việc duy trì ưu thế trên không.
Với tình hình phát triển lực lượng như hiện nay của Mỹ, cán cân sức mạnh quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương đang ở thế bất lợi cho Mỹ. Tệ hại hơn, sự hồi sinh của Không quân Nga khiến uy quyền của Mỹ ở châu Âu cũng giảm sút nghiêm trọng.
Tướng Frank Gorenc, Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu nói: “Những lợi thế mà chúng ta có từ trên không, tôi thành thật phải nói rằng nó ngày một thu hẹp. Đây không chỉ là vấn đề ở Thái Bình Dương, hay châu Âu mà bất kỳ nơi nào trên trái đất”.
Năng lực chiếm ưu thế trên không của Mỹ hiện nay dựa vào phiên bản F-15C Eagle và tiêm kích tàng hình F-22 Raptor. Mặc dù F-15C đã có thời gian sử dụng khá dài, nhưng với những gói nâng cấp mới, tiêm kích này vẫn có thể chống lại một cách hiệu quả các chiến đấu cơ mới của Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng nhất liên quan đến F-22, chỉ có khoảng 90 trong tổng số 187 chiếc sẵn sàng cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không toàn cầu. Con số này quá nhỏ để giành chiến thắng tuyệt đối trong chiếm ưu thế trên không ở cả châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2009, Mỹ quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất F-22 dựa trên niềm tin rằng, nó không còn phù hợp để chống lại những kẻ Hồi giáo cực đoan, hay các cuộc nổi dậy ở Iraq và Afghanistan.
Sai lầm khi tin vào F-35
|
Tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 không đủ giúp Mỹ duy trì ưu thế trên không. Ảnh: USAF |
Nhiều quan chức Lầu Năm Góc tin rằng, chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 sẽ giúp Mỹ duy trì ưu thế trên không so với Trung Quốc. Tuy nhiên, nghiên cứu của tập đoàn RAND lại cho kết quả ngược lại.
F-35 được thiết kế như một máy bay chiến đấu tầm ngắn chủ yếu để tấn công mặt đất, trong khi khả năng không đối không tương đối thấp. Mục tiêu thiết kế của F-35 nhằm đánh bại các hệ thống phòng không hiện đại của Nga, nhưng điều này thực sự vẫn là một dấu hỏi.
20 năm trước, năng lực chiếm ưu thế trên không của Mỹ là điều không phải bàn cãi, ngoại trừ một số hệ thống phòng không tiên tiến của Nga có thể đe dọa hoạt động của máy bay Mỹ. F-35 được thiết kế để đánh bại các hệ thống phòng không hiện đại của Nga.
Các nhà phát triển F-35 lập luận rằng, hệ thống điện tử trên máy bay đã được tinh chỉnh để bù đắp hạn chế về năng lực không đối không. Phi công lái F-35 sẽ nhận được thông tin về mục tiêu thông qua hệ thống cảm biến kết hợp như một loại “mắt thần”.
Giải pháp này cho phép phi công tiêu diệt máy bay đối phương từ rất xa và rút đi mà không cần phải không chiến quần vòng, nơi mà F-35 yếu nhất. Tuy nhiên, khả năng tiêu diệt mục tiêu từ xa bằng tên lửa vẫn là một ẩn số. Công nghệ quân sự là một chạy đua “marathon” không có hồi kết nên không có gì đảm bảo F-35 sẽ bắn hạ được mục tiêu ngay phát đạn đầu tiên.
Ngay cả kịch bản hoàn hảo nhất, F-35 tiêu diệt được mục tiêu và bỏ chạy, tốc độ của nó là không đủ nhanh nếu gặp chiến đấu cơ nhanh như Su-35. Một cuộc không chiến quần vòng với đối phương là điều không thể tránh khỏi, khi đó F-35 có thể dễ dàng bị hạ bởi những chiến đấu cơ siêu cơ động như Su-35 mà Nga đã bán cho Trung Quốc.
Mỹ phải làm gì?
|
Hồi sinh dây chuyền sản xuất F-22 Raptor là giải pháp giúp Mỹ duy trì ưu thế trên không so với Trung Quốc. Ảnh: USAF |
Nhà phân tích Peter Layton, thuộc Viện châu Á Griffith, Đại học Griffith, Australia cho rằng, để duy trì ưu thế trên không cho đến năm 2040. Mỹ cần nâng cấp phi đội chiếm ưu thế trên không F-15C. Một lựa chọn khác cũng rất khả thi là phiên bản F-15SE-một thiết kế bán tàng hình.
Cả hai lựa chọn trên đều mang lại hiệu quả, nhưng một số người nghi ngờ về tính lâu dài của nó khi máy bay này đã ra đời hơn 40 năm. Trong khi các máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc hay Nga được đưa vào sử dụng chưa lâu.
Giải pháp thứ 2 là khởi động lại dây chuyền sản xuất F-22. Tuy nhiên, việc khởi động sản xuất lại F-22 không phải là điều dễ dàng. Kinh phí là thách thức lớn nhất đối với việc hồi sinh Raptor. Tướng Gilmary M. Hostage, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến, Không quân Mỹ nhận xét: “Tôi phải cần tới 8 chiếc F-35 cho một mục tiêu, trong khi chỉ cần 2 chiếc F-22 là đủ để giải quyết vấn đề”.
Hiện tại, Mỹ vẫn duy trì được một khoảng cách nhất định về ưu thế trên không so với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào F-35 là không đủ để duy trì khoảng cách. Nhà phân tích Layton cho rằng, khởi động lại dây chuyền F-22 là cần thiết để đảm bảo ưu thế trên không của Mỹ đến năm 2040.