Theo GS.TS Trần Hồng Côn cho biết, cua đồng đánh bắt bằng thuốc sâu sẽ lử khử, không nhanh nhẹn như cua bắt thông thường.
Theo GS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên), cua đồng đánh bắt bằng thuốc sâu sẽ lử khử, không nhanh nhẹn như cua bắt thông thường.
|
Nên chọn những con cua còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như vậy sẽ an toàn hơn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Ăn cua bị đánh thuốc sẽ đối diện với nhiều rủi ro sức khỏe.
Rối loạn về da, mắt và đường hô hấp
Ăn cua được đánh bắt bằng thuốc sâu dư lượng thấp chưa đủ để gây ngộ độc cấp, nhưng lâu dài thì gây tác hại khó lường, bởi thuốc trừ sâu rất độc, gây rối loạn về da, mắt, ảnh hưởng đến lục phủ ngũ tạng…
GS.TS Trần Hồng Côn nói: “Đánh bắt thủy hải sản bằng thuốc trừ sâu là hành vi hủy hoại môi trường tàn khốc, đầu độc người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay thuốc trừ sâu phân hủy trong 7 – 15 ngày, nếu người bắt cua dùng thuốc đúng danh mục được phép thì thuốc sẽ phân hủy nhanh. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với sản phẩm có chứa thuốc trừ sâu dạng phân hủy nhanh cũng có thể gặp rối loạn về da, mắt và đường hô hấp…”.
Để nhận diện cua đồng bị đánh thuốc sâu, GS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo: “Cua đồng đánh bắt bằng thuốc sâu sẽ bị nhiễm thuốc sâu, chúng sẽ lử khử, không nhanh nhẹn như cua bắt thông thường, đó là dấu hiệu cua đã bị nhiễm độc”.
Theo chị Lê Thị Hường (tiểu thương buôn cua từ Bắc Ninh về Hà Nội), cua ngon béo vào thời điểm thu sang đông. Bây giờ đang mùa đông, lượng cua về chợ Hà Nội rất ít. Nhiều người bán cua cũng cho rằng, kiểu bắt cua bằng thuốc sâu như ở Quảng Bình mà dư luận lên tiếng trong mấy ngày qua chỉ có thể thực hiện được ở những vùng đầm phá lớn, miền Bắc rất khó thực hiện. Hơn nữa vùng Đồng bằng sông Hồng dịp này cánh đồng đều cạn nước, không có thức ăn cho cua và bắt cua rất khó bởi chúng đã đào hang trú đông, càng không thể bắt cua đại trà.
Nhiều người nghi ngờ cua được bắt bằng thuốc trừ sâu thường được cung cấp cho những hàng quán làm bún cua, lẩu cua. Nhưng theo chị Hường, cua làm lẩu, nấu riêu đều phải chọn cua sống béo, chỉ giã phần thịt cua ở phần thân thì cua mới không có mùi hôi.
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ quán riêu cua trên phố Láng Hạ cho biết riêu cua ngon ngọt không chỉ vì cua mà còn rất nhiều thứ khác kèm theo như: Nước xương, tôm khô, sườn non, chả cua, hay vài quả trứng vịt lộn. Thông thường, một bát riêu cua có ít thịt cua (vì cua đắt) nên người bán hàng thường cho thêm đậu phụ trộn vào. Vì vậy, cho dù người bán hàng thiếu lương tâm có sử dụng cua đánh thuốc sâu hay mua nhầm phải cua đánh thuốc sâu thì lượng thuốc cũng không nhiều.
“Chưa kể những người chỉ trông vào nghề bán bún riêu cua như chúng tôi thì chả bao giờ chọn cua kém chất lượng. Chỉ cần cua ươn đã hỏng nồi riêu rồi. Nếu cua đánh thuốc sâu thì kiểu gì nồi canh cũng có mùi”, chị Hoa chia sẻ.
Đừng “tẩy chay” cua đồng
Theo các nhà khoa học, cua đồng rất giàu canxi, giàu đạm, chất béo và sắt... Trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin...
Theo Đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục, giải được độc do thức ăn.
Theo y học cổ truyền, cua đồng được dùng chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi, chữa vết thương đụng dập, lở loét, tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ, giải nhiệt mùa hè, trị lở ngứa, viêm thận cấp, trướng bụng, chứng phù tim, sưng tấy… Cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.
Cua đồng – món ngon rất dân dã đồng quê có thể chế biến thành nhiều món ngon như cua rang khế, cua đồng rang me, cua đồng chiên giòn… Thịt cua đồng có thể dùng đế nấu món bún riêu hoặc nấu canh rau.
Những ngày rét thế này, ngồi quây quần thưởng thức vị ngọt thanh mát của lẩu cua đồng, kết hợp nhúng với nhiều loại rau xanh thành món ăn khá thú vị. Món lẩu cháo cua đồng thơm ngon dễ ăn, bổ dưỡng mà lại giúp hạ đường huyết.
Món lẩu cháo phải dùng gạo rang, nấu thật loãng với nước dùng để còn nhúng các loại rau đồng quê (như rau má, rau ngót, rau mồng tơi, mướp hương, gừng xắt sợi, nước chấm mắm ngon…), ăn không cần dùng kèm theo cơm, bún hay mì.
Tuy nhiên, khi nấu món gì với cua, bạn cũng phải chọn cua sống, khoẻ mạnh mới chế biến được thành món ngon. Nếu dùng cua chết thì nấu lên có mùi hôi, không ngon lành hấp dẫn nữa.
Theo Trà Giang
Gia đình
BÀI ĐỌC NHIỀU:
[links()]