Một công ty ở Bến Tre có 83 ca mắc thủy đậu

Google News

Theo nhận định của Sở Y tế Bến Tre, hiện tình hình dịch bệnh thủy đậu trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng diễn biến phức tạp.

Chiều 25/12, Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh đã phát hiện 83 ca mắc thủy đậu tại một phân xưởng của công ty may mặc trong KCN Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, trong ngày 23/12, các cơ quan y tế ghi nhận 75 ca thủy đậu là công nhân lao động làm việc công ty nêu trên. Trước đó trong tháng 11/2024, đã ghi nhận rải rác 2 ca. Từ ngày 3 - 13/12 có 6 ca.
Hiện công ty đã hướng dẫn các ca mắc thủy đậu đến cơ sở y tế thăm khám, đồng thời hướng dẫn người bệnh phòng chống lây nhiễm. Công ty cũng yêu cầu công nhân chỉ trở lại làm việc khi đã hết bệnh.
Mot cong ty o Ben Tre co 83 ca mac thuy dau
 Ảnh minh hoạ/ Internet
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre cũng cho biết, sau khi trực tiếp đến giám sát ổ dịch thủy đậu tại đây, Trung tâm kiểm soát bệnh (CDC) tỉnh đã đề nghị công ty lập danh sách các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc thủy đậu và thực hiện báo cáo hàng ngày cho Trạm Y tế An Phước (Châu Thành) đến khi tình hình ổn định.
Đối với các trường hợp mắc thủy đậu được nghỉ ốm để điều trị và chỉ đi làm trở lại khi đã nghỉ ốm ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban, kèm theo bóng nước khô vảy hoàn toàn hoặc khi có giấy xác nhận khỏi bệnh của bác sĩ điều trị.
Trước mỗi ca làm việc, bộ phận y tế công ty thông báo và yêu cầu công nhân thực hiện báo cáo ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc thủy đậu như: Sốt, nổi bóng nước, phát ban… Khuyến cáo công nhân phân xưởng có người nhiễm bệnh hạn chế tối đa việc tiếp xúc các công nhân công ty khác và tiêm vắc xin thủy đậu để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Theo nhận định của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, hiện tình hình dịch bệnh thủy đậu trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Từ ổ dịch tại công ty trên, nhiều khả năng sẽ có sự tăng cao về số ca mắc do mầm bệnh đã lây lan.
Nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh thủy đậu, Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã có công văn chỉ đạo CDC Bến Tre duy trì đội phản ứng nhanh, sẵn sàng phòng chống và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở, các KCN khi có dịch bùng phát. Dự trù đầy đủ các hóa chất, sinh phẩm để phục vụ cho các hoạt động chống dịch.
Đối với các Trung tâm Y tế, đặc biệt là tại các địa bàn có cụm, KCN thực hiện phối hợp với Ban quản lý các KCN giám sát, xử lý dịch nếu có xảy ra.
Khi công ty, xí nghiệp xuất hiện trường hợp mắc thủy đậu phải báo cáo hàng ngày cho trạm y tế địa phương để phối hợp xử lý.
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thủy đậu có tên Varicella Zoster Virus gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh, xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh thường bùng phát vào mùa Đông, đầu mùa xuân và có thể gây dịch.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi: Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất; Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường...
Bình Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)