Nhưng có một số loại rượu rất độc, cho dù uống ít hay nhiều, thường lẫn vào rượu đang được sử dụng hằng ngày mà hầu như không thể phân biệt được trừ khi làm... xét nghiệm, đó là rượu metylic hay methanol.
Methanol và khả năng gây độc
Methanol là một chất lỏng không màu có công thức CH3OH, dễ bay hơi ở nhiệt độ phòng. Methanol có trong thành phần của xăng dầu, các dung môi hữu cơ, chất chống đông, dầu thơm, chất tẩy rửa trong gia đình và nhiều sản phẩm công nghiệp khác.
Methanol gây độc qua các thành phần chuyển hóa của nó sau khi đi vào cơ thể. Sau khi uống, methanol được hấp thu nhanh, nồng độ đỉnh đạt được trong máu sau 30 - 60 phút tùy theo tình trạng của cơ thể đói hay no. Ngộ độc methanol chủ yếu là qua đường tiêu hóa, gặp ở những người uống những loại rượu bị pha cồn công nghiệp (có chứa nhiều methanol). Cá biệt cũng có những trường hợp ngộ độc methanol do hít vào đường hô hấp hoặc ngấm qua da, niêm mạc do tiếp xúc với methanol quá lâu. Cũng có trường hợp uống nhầm hoặc cố ý uống những loại dung môi hữu cơ dùng trong công nghiệp nhằm mục đích tự sát.
Methanol gây tử vong với liều khoảng 1 - 2ml/kg cân nặng hoặc 80mg/dl tuy có trường hợp tử vong sau uống 15ml dung dịch methanol 40% (6mg) cũng đã được báo cáo.
Biểu hiện của ngộ độc methanol
Ngộ độc methanol thường có một giai đoạn tiềm ẩn khoảng 40 phút đến 72 giờ trước khi khởi phát. Giai đoạn này là giai đoạn bệnh nhân có thể không có biểu hiện gì đặc biệt. Nếu lượng methanol uống vào quá nhiều hoặc uống kèm nhiều rượu thường (ethanol), các triệu chứng tiêu hóa có thể biểu hiện ngay như nôn mửa, đau bụng dữ dội, mệt mỏi rã rời. Tuy nhiên, các triệu chứng của thị giác thường có sớm như cảm giác nhìn qua đám sương mù, nhìn mọi vật thấy trắng mờ như trong cơn “bão tuyết”. Khám thấy nhãn cầu co giật theo chiều thẳng đứng và xoay, sung huyết đĩa thị, phù gai thị và ở giai đoạn sau thấy đĩa thị nhợt, giảm đáp ứng của đồng tử đối với ánh sáng. Bệnh nhân có thể giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn. Bệnh nhân cũng thường có rối loạn nhịp thở ở giai đoạn đầu có nguyên nhân là do methanol chưa chuyển hóa và tình trạng toan máu nặng.
|
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet |
Các triệu chứng về thần kinh luôn có trong ngộ độc methanol, từ những biểu hiện sớm như đau đầu, chóng mặt, cảm giác bồng bềnh lơ lửng không “thật” đến các triệu chứng nặng hơn như co giật, gáy cứng, dấu màng não, tổn thương hạch nền, hôn mê sâu. Các biểu hiện tim mạch như rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp luôn dự báo một tình trạng nặng và là nguy cơ tử vong.
Các xét nghiệm giúp xác định một tình trạng ngộ độc methanol bao gồm tình trạng toan máu, khoảng trống thẩm thấu, khoảng trống anion... nhưng giá trị nhất là nồng độ methanol trong máu.
Xử trí ngộ độc methanol như thế nào?
Xử trí ngộ độc methanol bao gồm các bước xử trí chung như đảm bảo hô hấp, tuần hoàn bằng các biện pháp như dẫn lưu tư thế, hút đờm dãi, làm thông thoáng đường thở, liệu pháp ôxy, đặt ống nội khí quản, thở máy nếu cần. Duy trì mạch, huyết áp bằng truyền dịch và thuốc vận mạch (dopamin, adrenalin, noradrenalin). Loại trừ methanol ra khỏi đường tiêu hóa bằng cách rửa dạ dày, gây nôn và cho hấp phụ bằng than hoạt thường kém hiệu quả do methanol thường vào máu rất nhanh sau khi uống. Có thể lọc máu (thận nhân tạo) để loại bỏ methanol nếu ngộ độc nặng. Điều trị đặc hiệu bằng cách cho 4 - MP (methylpyrazole) tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. 4 - MP sẽ ngăn cản methanol (không độc) chuyển hóa thành formaldehyde (có độc tính). Cũng có thể cho ethanol (rượu thường) qua ống thông dạ dày. Ethanol vào máu sẽ cạnh tranh và làm giảm quá trình chuyển hóa methanol thành formaldehyde. Bên cạnh đó, các biện pháp như truyền dịch, chống toan máu, chống co giật cũng cần được tiến hành đồng thời trong quá trình điều trị bệnh nhân.
Dự phòng được không?
Ngộ độc methanol hoàn toàn có thể dự phòng được nếu chúng ta tuân thủ một số nguyên tắc như uống rượu bia ở mức độ vừa phải ở mức cho phép, không nên uống những loại rượu có xuất xứ không rõ ràng, không đáng tin cậy. Không uống nhiều khi dạ dày rỗng và khi đang dùng kèm các thuốc khác. Khi tiếp xúc với các loại dung dịch, cồn công nghiệp phải hết sức chú ý đến các biện pháp an toàn lao động. Nếu có triệu chứng ngộ độc, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi điều trị. Cuối cùng, việc kiểm soát sao cho những loại rượu độc có chứa methanol, rượu “vừa đi vừa nấu” bằng cách pha cồn công nghiệp với nước lã... không có chỗ đứng trên thị trường là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước vì người tiêu dùng dù có “thông minh” đến đâu thì cũng không thể dùng lưỡi để xác định xem loại rượu mình sắp uống có chứa methanol hay không.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU