Trong Đông y gần như ít dùng rượu tỏi chữa bệnh nói chung và chữa tim mạch, huyết áp, dạ dày nói riêng. Tỏi được dùng chủ yếu là để giải cảm.
- Hỏi: Tôi đang ăn tỏi để chữa bệnh dạ dày (theo một số tài liệu), nhưng gần đây có thông tin nói: Tỏi làm tổn thương niêm mạc dạ dày? Vậy xin hỏi, quan niệm nào đúng? ([email protected]).
BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ôn, hơi có độc vào hai kinh can và vị. Tỏi có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa băng đới, trùng tích, huyết lỵ, tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đại tiểu tiện khó khăn... Trong Đông y gần như ít dùng rượu tỏi chữa bệnh nói chung và chữa tim mạch, huyết áp, dạ dày nói riêng. Tỏi được dùng chủ yếu là để giải cảm. Tỏi thông âm dương khí, nếu ăn quá nhiều khí sẽ thoát ra ngoài, nhất là dương khí. Nếu dương khí bị thoát ra ngoài nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhất là gây viêm đường ruột thể co thắt.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa C4, Viện Tim mạch Quốc gia khẳng định, tỏi nói chung và rượu tỏi nói riêng không có tác dụng trị bệnh nói chung và bệnh huyết áp, tim mạch nói riêng. Dùng nhiều tỏi sẽ khiến hơi thở hôi, rối loạn dạ dày - ruột, ức chế tuyến giáp... Đặc biệt, nếu uống nhiều rượu tỏi lại gây hại cho tim như loạn nhịp tim, giãn các buồng tim, giảm sức co bóp của tim và suy tim. Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc, nếu dùng rượu tỏi phối hợp cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
PV (ghi)