“Đi gặp mùa xuân” - hành trình tâm linh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Google News

"Đi gặp mùa xuân" là lời mời gọi mỗi người bước đi vững chãi về phía mùa xuân của chính mình – mùa xuân của tỉnh thức, từ bi và hòa bình, bền vững.

"Đi gặp mùa xuân" là một tác phẩm đặc biệt do Tăng thân Làng Mai biên soạn, ghi lại hành trạng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách không chỉ là tiểu sử chi tiết về cuộc đời của Thiền sư mà còn là nguồn cảm hứng sống động cho những ai đang tìm kiếm con đường tu tập, phụng sự và sống chánh niệm.
“Di gap mua xuan” -  hanh trinh tam linh cua Thien su Thich Nhat Hanh
 "Đi gặp mùa xuân" - không chỉ là một cuốn sách tiểu sử mà còn là nguồn cảm hứng cho những ai đang tìm kiếm sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Ảnh: Thái Hà.
Cuộc đời truyền cảm hứng
Sinh năm 1926 tại Huế trong một gia đình Phật giáo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh (pháp danh Trừng Quang, pháp tự Phùng Xuân) bắt đầu con đường tu học từ rất sớm. Từ những năm tháng đầu đời, Ngài đã thể hiện tâm nguyện sâu sắc trong việc tu học và phụng sự. Cuốn sách "Đi gặp mùa xuân" ghi lại chi tiết hành trình của Ngài từ thời thơ ấu, những năm đầu tu học ở Huế, đến việc tìm kiếm một hướng đi mới cho Phật giáo Việt Nam. Ngài đã lãnh đạo phong trào hòa bình Phật giáo và hoạt động xã hội, kêu gọi hòa bình và bị lưu vong, tham gia Hòa đàm Paris, và thành lập Làng Mai – một trung tâm tu học nổi tiếng trên thế giới.
Cuộc đời và hành trạng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới mà còn nhận được sự trân trọng sâu sắc từ các bậc lãnh đạo tinh thần và xã hội.
Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV đã từng nhận định: “Hầu hết mọi sự cống hiến của Ngài trong việc chia sẻ với những người khác, cho thấy sự sống trong chánh niệm và với lòng từ bi không những góp phần vào sự an trú trong nội tại, mà còn phản ánh cách thức các cá nhân có thể dùng chánh niệm xây dựng hòa bình cho thế giới. Thiền sư đã sống một cuộc đời đầy trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa.” Từ góc độ hoạt động xã hội và môi trường,
Cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc: “Di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tuệ giác, lòng từ bi và sự tôn trọng đối với hành tinh của chúng ta và sự tôn trọng lẫn nhau. Những lời của Người sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động xã hội và môi trường trong cuộc đấu tranh bền bỉ để bảo vệ Trái đất và nhân loại”.
Còn Martin Luther King, Jr. – nhà đấu tranh nổi tiếng cho nhân quyền đã ca ngợi: “Ngài là một người thánh thiện, khiêm tốn và nhiệt thành. Ngài là học giả với năng lực thông tuệ bao la. Những tuệ giác của Ngài về hòa bình, nếu được thực hiện, sẽ là kiệt tác cho một thế giới đại đồng, đầy tình huynh đệ và tình nhân loại”.
Ý nghĩa của tựa đề “Đi gặp mùa xuân”
Tựa đề "Đi gặp mùa xuân" bắt nguồn từ bài kệ truyền đăng mà Thiền sư nhận được từ Sư Ông Thanh Quý Chân Thật vào năm 1966, trước khi Ngài rời Việt Nam để vận động hòa bình. Bài kệ có đoạn:
"Đi gặp mùa xuân, bước kiện hành
Đi trong vô niệm với vô tranh
Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể
Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành"
"Mùa xuân" ở đây không chỉ là hình ảnh của thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho sự sống mới, sự tỉnh thức và lòng từ bi. Đó là kim chỉ nam cho hành trình tu học và hoằng pháp của Thiền sư, thể hiện qua việc sống chánh niệm và phụng sự không biên giới.
Với 408 trang, cuốn sách được chia thành 15 chương, bao gồm: Thời thơ ấu; Những năm đầu tu học ở Huế; Tìm một hướng đi mới; Đôi vai gánh vác; Thực tập để sống còn; Princeton và Colombia; Lãnh đạo phong trào hòa bình Phật giáo và hoạt động xã hội; Kêu gọi hòa bình và bị lưu vong; Hòa đàm Paris; Những khám phá Phật học; Cứu giúp đồng bào trong và ngoài nước; Làng Hồng – Làng Mai; Đạo Bụt không biên giới; Làng Mai – một giai đoạn mới; Đám mây không bao giờ chết; Chú thích.
Ngoài ra, sách còn có phụ lục về các khóa giảng của Thầy từ năm 1988 đến 2014 và danh sách các tác phẩm của Thầy bằng tiếng Việt.
"Đi gặp mùa xuân" không chỉ là một cuốn sách tiểu sử mà còn là nguồn cảm hứng cho những ai đang tìm kiếm sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nhận xét: "Hầu hết mọi sự cống hiến của Ngài trong việc chia sẻ với những người khác, cho thấy sự sống trong chánh niệm và với lòng từ bi không những góp phần vào sự an trú trong nội tại, mà còn phản ánh cách thức các cá nhân có thể dùng chánh niệm xây dựng hòa bình cho thế giới. Thiền sư đã sống một cuộc đời đầy trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa."
Cuốn sách là minh chứng cho một cuộc đời dấn thân, sống trọn vẹn với lý tưởng phụng sự và chánh niệm, là tấm gương sáng cho thế hệ hiện tại và tương lai đang tìm kiếm con đường sống an lạc và ý nghĩa.
Tác phẩm là lời mời gọi mỗi người bước đi vững chãi về phía mùa xuân của chính mình – mùa xuân của tỉnh thức, từ bi và hòa bình, bền vững.
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)