8 chiến đấu cơ Ấn Độ đấu 24 máy bay Pakistan
Đài truyền hình Ấn Độ NDTV đã kể chi tiết về trận chiến trên không giữa các máy bay chiến đấu của Ấn Độ và Pakistan, với sự tham gia của Su-30 MKI Ấn Độ và F-16 C/D Pakistan, xảy ra vào ngày 27/2 trên Đường kiểm soát, khi Không quân Pakistan cố gắng tấn công Kashmir.
Sau trận không chiến gần biên giới, tình hình đang phát triển theo kịch bản tồi tệ, chuyên gia quân sự Nga Alexander Zhilin bày tỏ ý kiến của mình trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Theo kênh NDTV, tính tổng cộng, 32 chiếc máy bay của cả hai nước đã tham chiến. Pakistan đã sử dụng 24 máy bay, gồm có tám chiếc F-16 của Mỹ, bốn chiếc Mirage III của Pháp, bốn chiếc JF-17 Thunder của Trung Quốc và một số máy bay hộ tống. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ dùng bốn chiếc Su-30MKI, hai chiếc Mirage 2000 và hai chiếc MiG-21.
|
Nguy cơ chiến tranh lớn giữa Ấn Độ-Pakistan là không cao |
Các máy bay của Pakistan đã thả vài quả bom dẫn đường bằng laser và gần như phá hủy một số mục tiêu quân sự dọc theo Đường ranh giới kiểm soát ở khu vực tranh chấp Kashmir.
Căng thẳng giữa hai quốc gia đã leo thang vào giữa tháng 2, sau vụ tấn công khủng bố vào một đoàn xe an ninh, giết chết 45 sĩ quan bán quân sự Ấn Độ. Các tay súng khủng bố thuộc nhóm “Jaish-e-Muhammad “tự nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Vào đêm 26 tháng 2, các máy bay của Không quân Ấn Độ đã không kích một căn cứ của nhóm phiến quân Jaish-e-Muhammad ở vùng Kashmir thuộc Pakistan. Tuy nhiên, Islamabad bác bỏ bản tuyên bố của New Delhi giải thích rằng, mục tiêu của cuộc không kích là doanh trại của những kẻ khủng bố.
Sáng hôm sau, Pakistan báo cáo rằng, họ đã bắn hạ hai máy bay Ấn Độ và bắt giữ hai phi công. New Delhi nói rằng, quân đội Ấn Độ chỉ mất một tiêm kích MiG-21, chiếc còn lại là một máy bay trực thăng, nhưng họ cũng đã bắn hạ một máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan.
Sau đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói rằng, ông không muốn xảy ra cuộc chiến tranh với nước láng giềng cũng có vũ khí hạt nhân như mình, đồng thời cho biết là Pakistan sẽ giao trả Ấn Độ phi công bị giam giữ hôm 28/02, "như một cử chỉ hòa bình".
Pakistan cô độc, sẽ phải xuống thang trước Ấn Độ
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề ứng dụng xã hội về an ninh quốc gia, cựu đại tá Alexandr Zhilin cho rằng, xung đột Ấn Độ-Pakistan đang phát triển theo kịch bản tồi tệ nhất. Sự leo thang vẫn tiếp tục, mỗi bên cố gắng phản ứng gay gắt nhất có thể và một "thế lực thứ ba" đang thổi phồng cuộc xung đột này.
Chú ý đến tình huống Ấn Độ đang tiến hành cuộc bầu cử, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không thể đáp trả thách thức này; do đó, một "thế lực thứ ba" đã tính đến các đặc điểm chính trị của mỗi quốc gia và sắp xếp tất cả những điều kiện để làm gia tăng xung đột.
Bây giờ điều chính yếu là làm dịu cuộc xung đột này, cả Ấn Độ và Pakistan đều không muốn để bùng nổ một cuộc chiến toàn diện. Tuy nhiên, thế lực thứ ba đang "đổ thêm dầu vào lửa" và muốn tình hình phát triển như vậy" - ông Alexander Zhilin nói.
Còn chuyên gia Nitin Gokhale cho rằng, tình hình hiện tại khá căng thẳng, có những lo ngại rằng mọi chuyện sẽ còn xấu đi nữa hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng ông cho rằng, trong vòng 24h qua đã xảy ra một số sự kiện cho thấy khả năng lắng dịu.
Ấn Độ tuyên bố họ vẫn nhìn thấy cơ hội thỏa hiệp hoặc xuống thang, còn Pakistan cũng tuyên bố rằng, chiến tranh không đem lại lợi ích cho bất kỳ ai; hai bên cần ngồi vào bàn thương thuyết, tìm giải pháp khả thi cho vấn đề này. Do đó, hai bên có khả năng giảm căng thẳng trong vòng 48-72 giờ tiếp theo.
New Delhi đã nhiều lần cáo buộc Islamabad chứa chấp những kẻ khủng bố, trong khi Pakistan bác bỏ cáo buộc này và không thực hiện bất kỳ hành động rõ ràng nào, không thể hiện ý định làm bất cứ điều gì.
Thế giới bắt đầu nhận ra rằng Pakistan là nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố ở miền nam và Ấn Độ buộc phải có biện pháp phòng ngừa, vụ tấn công này không nhằm chống lại binh lính Pakistan hay thường dân Pakistan.
Phản ứng của các cường quốc thế giới đã cho thấy rõ điều này: Không ai lên án hành động của Ấn Độ và không ai lên tiếng ủng hộ Pakistan. Islamabat cảm nhận được áp lực buộc họ phải hành động chống lại các nhóm khủng bố.
Do đó, vì lợi ích của mình, Pakistan phải hành động và cần hợp tác chặt chẽ với New Dehli. Thời gian gần đây, Islamabat đã xác nhận sẵn sàng hợp tác với New Delhi về vụ tấn công Kashmir.
Trong tương quan này, tình hình xung đột giữa hai bên khó có khả năng xấu đi, trong vài tuần và tháng tới, hai bên có khả năng sẽ bắt tay nhau chống khủng bố.