Nguyên nhân vụ máy bay Su-30MKI của Ấn Độ rơi trong khi làm nhiệm vụ gần biên giới Trung Quốc đến nay vẫn chưa có báo cáo chính thức. Trong khi đó, India Defence News dẫn lời một số chuyên gia Mỹ nhận định, Su-30MKI của Ấn Độ có thể đã bay vào vùng có hoạt động tác chiến không gian mạng.
Hoạt động tấn công không gian mạng có thể đã làm hỏng các máy tính điều khiển trên tiêm kích Su-30MKI khiến máy bay gặp nạn. Việc máy tính bị hack có thể khiến phi công không kiểm soát được hoạt động của máy bay. Nguồn gây nhiễu có thể phát cách vị trí máy bay đến hàng nghìn km.
Các nhà phân tích cho rằng, vũ khí của Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, chúng có thể chứa nhiều lỗ hỗng bảo mật mà Ấn Độ không phát hiện được, tạo điều kiện cho các hoạt động tấn công không gian mạng từ bên ngoài.
|
Tiêm kích đánh chặn hạng nặng tầm xa Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: India Defence. |
Người ta tin rằng các quốc gia có năng lực tác chiến không gian mạng hàng đầu thế giới là Mỹ, tiếp đến Nga, Israel và Trung Quốc. Đơn cử trường hợp Israel đã cài virut Stuxnet vào hệ thống máy tính điều khiển hoạt động của cơ sở hạt nhân Iran gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 23/5, một chiến đấu cơ Su-30MKI của Ấn Độ mất tích sau khi cất cánh từ sân bay IAF Tezpur, cách biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở vùng Arunachal Pradesh khoảng 172 km. Đội cứu hộ đã tìm thấy xác máy bay sau đó nhưng tình trạng 2 phi công đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Su-30MKI là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Ấn Độ do tập đoàn Sukhoi của Nga chế tạo. Su-30MKI là phiên bản của Su-30MK chế tạo riêng cho Không quân Ấn Độ, thuộc loại tiêm kích đánh chặn hạng nặng tầm xa, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Chiến đấu cơ này kết hợp giữa hệ thống của Nga, Ấn Độ cũng như các hệ thống phụ của Pháp và Israel. Phiên bản này còn sử dụng một số công nghệ của tiêm kích Su-35. Su-30MKI được đánh giá là phiên bản hiện đại nhất trong dòng Su-30MK xuất khẩu cho các nước khác.
Kể từ khi được đưa vào sử dụng trong IAF từ giữa những năm 2000, 6 vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra với Su-30MKI. Các cuộc điều tra cho thấy, lỗi kỹ thuật là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn.
Tai nạn gần nhất với Su-30MKI diễn ra vào ngày 19/5/2015, một máy bay cũng thuộc biên chế căn cứ không quân Tezpur đâm xuống đất, 2 phi công nhảy dù an toàn. Các phi công sau đó cho biết, họ phải bỏ máy bay vì lỗi kỹ thuật. Trong các vụ tai nạn của Su-30MKI, chỉ có một phi công thiệt mạng, còn lại đều nhảy dù an toàn.