Lực lượng phòng vệ vùng lãnh thổ Đài Loan hôm nay công bố thêm thông tin về vụ mất tích tiêm kích F-16V hiện đại nhất trong biên chế, hiện xác máy bay đã được tìm thấy xong phi công điều khiển vẫn đang mất tích.
Tính đến sáng nay, lực lượng phòng vệ Đài Loan đã huy động 3 tàu và 66 nhân viên cứu hộ, cùng ít nhất 10 chuyến bay để quần thảo vùng biển quanh khu vực tiêm kích bị rơi.
Phi công điều khiển là đại úy Trần Dịch, gia nhập lực lượng phòng vệ tháng 3/2020 và mới chỉ có 322 giờ bay tích lũy, trong đó hơn 60 giờ trên tiêm kích F-16.
Sở chỉ huy mất liên lạc với chiếc máy bay chiến đấu F-16V số đuôi 6650 lúc 15h26, chỉ ba phút trước khi nó va chạm với mặt biển. Không có tín hiệu cấp cứu hay dấu hiệu phi công phóng dù, máy bay dường như đã ngoặt gấp về một bên trước khi lao xuống biển với tốc độ cao.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn chưa được công bố, nhưng giới chuyên gia nhận định một trong những lý do có thể khiến chiếc F-16V đột ngột lao xuống biển ở tốc độ cao là phi công mất định hướng về không gian.
|
Hình minh họa. Ảnh: Gify. |
"Hội chứng mất định hướng không gian hay cảm giác phương hướng sai là tình trạng xảy ra khi phi công không thể cảm nhận chính xác vị trí, độ cao, hướng di chuyển và trạng thái chuyển động của máy bay", tài liệu đăng trên trang web của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết.
Mất định hướng không gian là vấn đề sinh lý gây ra nhiều tai nạn máy bay thảm khốc trong ngành hàng không thế giới, có thể xảy đến với cả những phi công dày dặn kinh nghiệm với hàng nghìn giờ bay tích lũy. Tình trạng này được cho là nguyên nhân khiến tiêm kích F-35A Nhật Bản và F-16 Đài Loan lao xuống biển vào tháng 6/2019 và tháng 11/2020, khiến cả hai phi công thiệt mạng.
Sự cố chiều 11/1/2022 là tai nạn đầu tiên liên quan đến F-16V, dòng tiêm kích hiện đại nhất trong biên chế lực lượng phòng vệ Đài Loan. Phi đoàn F-16V đầu tiên của lực lượng phòng vệ vùng lãnh thổ Đài Loan đóng quân tại căn cứ Gia Nghĩa, phía đông hòn đảo, ra mắt hồi giữa tháng 11/2021.
Đài Loan đã ký hợp đồng trị giá 3,96 tỷ USD với tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ để nâng cấp 141 tiêm kích F-16A/B sang chuẩn F-16V, trong đó 64 chiếc đã hoàn thành. Vùng lãnh thổ này cũng đặt mua thêm 66 tiêm kích F-16V của Mỹ trong thương vụ trị giá 8 tỷ USD.