Sputnik cho rằng, rõ ràng là tiêm kích MiG-29 hoàn toàn vẫn còn đủ khả năng tham chiến và xét về nhiều mặt, thậm chí MiG-29 còn nổi trội hơn cả F-16 phiên bản Block 70/72 của Mỹ. Điều này chứng tỏ rằng, việc chi gần 3 tỷ USD để mua chiến đấu cơ F-16 của Slovakia đơn thuần chỉ là một "con bài" ngoại giao với Mỹ không hơn.
Để làm rõ hơn các ưu điểm của MiG-29 và chứng minh rằng hợp đồng mua bán này chỉ là một chiêu "ngoại giao chiến đấu cơ", Sputnik đã phỏng vấn Vladimir Popov - cựu phi công chiến đấu đã từng có thâm niên nhiều chục năm công tác trong lực lượng Không quân về vấn đề này.
|
Tiêm kích F-16. Ảnh: Sputnik.
|
MiG-29 - Kẻ sống sót
Vladimir Popov cho rằng, cả MiG-29 của Nga và tiêm kích F-16 của Mỹ đều có thể xếp chung một "hạng cân" với những đặc tính bay, tính năng kỹ thuật và khả năng tác chiến gần như tương đương.
Tuy nhiên, Popov lại cho rằng, với hai động cơ của mình, MiG-29 sẽ cho phép phi công có khả năng sống sót cao hơn khi bị dính đạn trong lúc giao tranh. Trong khi đó, vì chỉ có một động cơ, tiêm kích F-16 sẽ vô dụng hoàn toàn nếu một động cơ duy nhất của nó bị hỏng.
Ông cũng thừa nhận rằng, hai động cơ cũng khiến chiếc MiG-29 có khả năng gặp trục trặc động cơ cao... gấp đôi so với chiếc F-16 với một động cơ, kèm theo đó là nhấn mạnh, MiG-29 hoàn toàn có khả năng bay tốt với một động cơ.
So sánh hiệu suất
Chuyên gia cho rằng, tốc độ leo cao của MiG-29 vào khoảng 330 mét/giây, trong khi đó của F-16 chỉ là từ khoảng 220 tới 290 mét/giây. Thêm vào đó, MiG-29 có khả năng cất cánh với tốc độ khoảng 340 km/h, trong khi chiếc F-16 cần tới 420 km/h - đồng nghĩa với việc đường băng dùng cho chiếc tiêm kích của Mỹ phải dài hơn khoảng 20% so với đường băng dành cho chiếc MiG-29.
Cuối cùng là tốc độ, MiG-29 có khả năng tăng tốc tối đa lên tới Mach 2,3; trong khi đó F-16 thường không thể vượt quá được Mach 2.
Xăng và đạn
Đây là những ưu điểm hiếm hoi của F-16 khi so nó với MiG-29. Cụ thể, với một động cơ, F-16 sẽ trụ được lâu hơn trên không dù tổng cộng quãng đường nó di chuyển lại không thể bằng được chiếc MiG-29.
Kèm theo đó là khả năng mang vác đến đáng nể của F-16 khi nó có thể mang theo tới 7,7 tấn vũ khí và 511 viên đạn cho khẩu pháo 20mm của mình. MiG-29 dường như lép vế hơn với chỉ 150 viên đạn cho khẩu pháo 30mm và mang theo được tối đa 4 tấn vũ khí.
2,9 tỷ USD
Cựu phi công Popov cho rằng, cái giá 2,9 tỷ USD cho 14 chiếc phi cơ F-16 của Mỹ là một cái giá khá "cắt cổ" nếu đây chỉ là giá tiền cho nguyên 14 chiếc phi cơ này. Rất có thể, hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD này cũng kèm theo cả chi phí đào tạo phi công và đào tạo kỹ thuật viên mặt đất cho Slovakia.
Popov cũng cho rằng, các phi công MiG-29 sẽ khó có thể học được cách điều khiển chiếc chiến đấu cơ F-16 do hai chiếc máy bay này sử dụng các kiểu hiển thị thông số hoàn toàn khác nhau.
Kinh tế hay chính trị?
Theo Vladimir Popov, chính phủ Slovakia đã đặt cả vấn đề kinh tế lẫn chính trị lên bàn cân trong phi vụ mua bán những chiếc F-16 này từ Mỹ. Thậm chí yếu tố chính trị còn có thể là yếu tố quan trọng nhất, quan trọng hơn nhiều các đặc tính kỹ thuật và khả năng chiến đấu của chiếc F-16.
Lý giải cho điều này, Popov cho rằng: "Nếu chiếc MiG-29 lỗi thời, Slovakia có thể dễ dàng hiện đại hóa chúng, còn hơn là chi một khoản tiền khổng lồ để đào tạo lại phi công và kỹ thuật viên cũng như cải tạo lại hệ thống hậu cần mặt đất để mua một một loạt phi cơ đời mới đồng hạng với chiếc MiG-29".
Cuối cùng
Chốt hạ lại, hợp đồng mua bán F-16 của Slovakia và Mỹ hoàn toàn không thể ảnh hưởng gì tới cục diện ở châu Âu hiện tại. NATO cũng sẽ không khỏe hơn và Không quân Slovakia cũng không tạo được đột phát gì đáng kể nếu không muốn nói là không có bất cứ đột phá nào. Tất cả đều là từ động cơ chính trị, hay có thể hiểu đó là "ngoại giao chiến đấu cơ" - Vladimir Popov khẳng định.
Mời độc giả xem Video: Cận cảnh một lần bay diễn tập của F-16 Fighting Falcon.