Hiện tại, Tokyo đang có kế hoạch tăng số lượng máy bay săn ngầm P-1 của nước này lên 60 hoặc thậm chí là 70 chiếc để thay thế hoàn toàn cho các loại P-3C, kèm theo đó là kế hoạch nâng cấp hệ thống cảm biến của P-1 trong thời gian 10 năm tới. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng có thể sẽ sản xuất một phiên bản P-1 cải biên đặc biệt để thay thế các phiên bản P-3 trong đó bao gồm 5 chiếc EP-3C, 4 chiếc OP-3C và 4 chiếc UP-3C.
Nhật Bản có lẽ là quốc gia hiểu hơn ai hết về việc cả một nền kinh tế, công nghiệp và quân sự bị “bóp nghẹt” bởi lực lượng tàu ngầm của đối phương. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, có tới tổng cộng 55% số lượng tàu vận tải hàng hoá của Nhật bị tàu ngầm của phe đồng minh đánh chìm trên khắp Thái Bình Dương, khiến nước này gần như khánh kiệt các loại nhiên liệu phục vụ cho công nghiệp và quốc phòng.
|
Chìa khoá trong cuộc chiến chống tàu ngầm của Nhật Bản. Ảnh: Nationalinterest.
|
Những kinh nghiệm xương máu từ cách đây hơn 70 năm rõ ràng sẽ khiến Lực lượng Phòng thủ của Nhật Bản phải suy nghĩ về việc Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng sức mạnh của lực lượng tàu ngầm trong Hải quân nước này. Trong tương lai, thậm chí Trung Quốc sẽ sớm trở thành quốc gia có lực lượng tàu ngầm hoạt động lớn nhất thế giới với khoảng hơn 70 chiếc.
Bên cạnh đó, việc các tàu ngầm Trung Quốc ngày càng được hiện đại hóa khiến Nhật Bản càng thêm phần lo lắng. Cụ thể, thay vì có thể hoạt động khắp thế giới như các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ hay của Nga, đội tàu ngầm phần lớn là các tàu ngầm điện-diesel với động cơ AIP có tầm hoạt động ngắn của Trung Quốc rõ ràng sẽ chỉ “bơi” loanh quanh ở khu vực biển thuộc châu Á - Thái Bình Dương chứ không thể đi xa được vì vốn dĩ Bắc Kinh không có nhiều căn cứ hải quân ở nước ngoài. Điều này ngẫu nhiên đưa Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên vào tầm ngắm – những quốc gia nằm trong tầm hoạt động của tầu ngầm Bắc Kinh.
|
Kawasaki P-1 có khả năng bay siêu thấp ở tốc độ siêu chậm với hai động cơ hoạt động, hai động cơ nghỉ. Nguồn ảnh: Nationalinterest.
|
Tokyo hiểu, các máy bay tuần tra biển là chìa khoá trong việc tác chiến chống tàu ngầm. Trong gần nửa thế kỷ qua, Nhật Bản đã có trong tay các loại máy bay tuần tra biển loại P-3C Orion do Mỹ sản xuất. Đây là loại máy bay sử dụng động cơ cánh quạt, có khả năng tuần tra biển liên tục nhiều giờ liền, bám sát mọi vật thể chuyển động ở trên vùng biển Nhật Bản – bay gồm cả các tàu ngầm mà nó có thể phát hiện được. Tuy nhiên, các máy bay Orion này lại đã quá lớn tuổi, đã đến lục không chỉ Nhật mà cả Mỹ phải thay thế hoàn toàn các loại máy bay này trong biên chế của mình.
Về phía Mỹ, chiếc P-8 Poseidon đã được ra đời để kế thừa lại vị trí mà P-3 Orion bỏ lại sau khi nó về hưu. Về cơ bản, P-8 Poseidon là loại máy bay được cải biên từ chiếc Boeing 737-800 hai động cơ và được tối ưu hoá cho việc thực hiện tuần tra ở độ cao lớn. Còn về phía Nhật, kẻ kế thừa P-3 sẽ là Kawasaki P-1, loại máy bay do Nhật tự thiết kế, lần đầu cất cánh năm 2007. Kawasaki P-1 có bốn động cơ, được thiết kế để tối ưu hoá khả năng hoạt động ở cả độ cao lớn lẫn độ cao thấp.
|
Loại máy bay săn ngầm này thậm chí có thể làm được nhiệm vụ của máy bay cảnh báo sớm. Nguồn ảnh: Airliners.
|
Về kiểu dáng khí động học, P-1 rất to và bè, nó có sải cánh rất lớn, cho phép cung cấp lực nâng rất tốt giúp chiếc máy bay tuần tra biển này có thể bay ở tốc độ thấp hơn nhiều so với P-8 của Mỹ. Tốc độ thấp hơn, độ cao thấp hơn đồng nghĩa với việc khả năng phát hiện ra tàu ngầm địch sẽ lớn hơn do từng centimets vùng biển phía dưới sẽ được P-1 dò kỹ càng hơn.
Động cơ được kawasaki lựa chọn cho chiếc P-1 này là bốn động cơ F7-10 tua-bin cánh quạt. Loại động cơ này hiện đại hơn trên chiếc P-3 ở chỗ nó phát ra ít tiếng động hơn khi hoạt động. Kèm theo đó là tầm hoạt động cực lớn, lên tới gần 8.000km , mang được trọng tải tối đa lớn hơn P-3 tới 30%, tốc độ tối đa lên tới gần 900 km/h. Đặc biệt, khi bay tuần tra ở tốc độ thấp, Kawasaki P-1 chỉ hoạt động 2 trên tổng số 4 động cơ của nó giúp giảm tiếng ồn xuống mức tối thiểu.
|
Không những phát hiện được mục tiêu, Kawasaki có thể theo sát hoặc tiêu diệt luôn mục tiêu nếu nó mang theo vũ khí. Nguồn ảnh: Military.
|
P-1 được trang bị hệ thống cảm biến cực kỳ hiện đại với ít nhất 4 radar quét mảng chủ động loại HPS-106 bao quát được 360 độ xung quanh máy bay. Loại radar này có thể quét được các tàu mặt nước, thậm chí phân biệt được loại tàu mà nó vừa quét được. Thậm chí, HPS-106 còn có thể phát hiện ra tàu ngầm dựa vào việc quét và phát hiện ra kính tiềm vọng mà tàu ngầm thò từ dưới mặt nước lên.
Chưa dừng lại ở đó, HPS-106 còn có thể quét được cả các mục tiêu bay – cho phép P-1 hoạt động như một máy bay cảnh báo sớm. Ngoài ra, hệ thống ăng-ten cảm biến điện tử gắn ở phía trước khoang lái của P-1 còn cho phép nó truy được nguồn phát sóng thông tin vô tuyến của đối phương giúp từ đó tìm ra chính xác mục tiêu dựa vào việc dò ngược theo sóng vô tuyến.
|
Kawasaki P-1 có tới 11 giá treo cứng. Nguồn ảnh: Theatlantics.
|
Ngoài ra, máy bay săn ngầm P-1 còn được trang bị kèm hệ thống cảnh báo tên lửa HLQ-9. Đây là hệ thống cảnh báo và phát hiện tên lửa phòng không của đối phương, cho phép phi hành đoàn của P-1 thực hiện phương án đối phó kịp thời bằng cách sử thả mồi như bao gồm cả pháo mồi để đánh lạc hướng hoặc tác chiến điện tử để vô hiệu hoá tên lửa của đối phương.
Vào giữa năm 2018 vừa rồi, 15 chiếc P-1 đã gia nhập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Toàn bộ 15 chiếc P-1 này đều nằm trong đội hình chiến đấu của Phi đoàn 3 Tuần tra đóng quân ở Atsugi. Theo thông tin mới nhất, phía Nhật đã đặt hàng thêm 12 chiếc nước trong tương lai.
Các chuyên gia quân sự nhận định, ở thời điểm hiện tại, P-1 của Nhật Bản có phần nổi trội hơn so với P-8 “Thần biển cả” của Mỹ, nhất là ở khả năng bay ở độ cao thấp và ở tốc độ tối đa cực nhanh mà nó có thể đạt được khi triển khai. Ngoài ra, so với P-8, P-1 còn có nhiều giá treo cứng dưới cánh và dưới thân máy bay hơn (16 so với 11).
Cùng với các tàu ngầm lớp Soryu, các máy bay cảnh báo sớm loại P-1 của Nhật Bản rõ ràng sẽ là chìa khoá chính để nước này có thể đối phó được với lực lượng tàu ngầm đang tiến dần lên mức độ “đông nhất thế giới” của Bắc Kinh. Một trong những lợi thế lớn nhất của Tokyo, không những là công nghệ hiện đại mà họ áp dụng lên các máy bay săn ngầm, mà còn là công nghệ lạc hậu mà các tàu ngầm Trung Quốc đang sở hữu – sẽ khiến chúng rất dễ dàng bị phát hiện bởi những máy bay săn ngầm hiện đại của Tokyo.
Mời độc giả xem Video: Cận cảnh bên trong máy bay săn ngầm P-8 Poisedon.