Kịch bản dẫn tới chiến tranh hạt nhân
Hầu hết các nhà phân tích chính trị đều đặt ra giả thiết rằng những diễn biến xấu về tình hình chính trị quân sự ở các vùng chiến sự trên thế giới có thể là yếu tố dẫn tới Thế chiến 3 hay sự đối đầu hạt nhân không thể tránh khỏi giữa Nga và Mỹ.
Các vùng chiến sự được các chuyên gia nêu ra như: Ấn Độ và Pakistan, Afghanistan, Iran và Israel, Syria… Nhưng nghiêm túc mà nói, đây là cách tiếp cận cực kỳ thiển cận. Ngay cả tình hình tồi tệ nhất trong cuộc chiến Syria cũng không thể gây ra một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn ở Moscow hay Washington.
Hầu hết các chuyên gia đã không thể đưa ra những lý do cụ thể có thể khiến Nga và Mỹ rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Chúng ta có thể giả thiết rằng Iran và Israel tấn công hạt nhân lẫn nhau. Nhưng ngay cả kịch bản này cũng khó có thể lan ra ngoài sân khấu Trung Đông để tất cả các thành viên trong “câu lạc bộ hạt nhân toàn cầu” phải hành động.
|
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, vũ khí mà Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF. Ảnh: Business Insider. |
Bất chấp thực tế quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi gần đây, nhưng hai bên không có những mâu thuẫn về lãnh thổ, tài chính hay ý thức hệ tới mức có thể khiến 2 bên rơi vào cuộc chiến hạt nhân quy mô lớn. Do đó, các kịch bản chiến tranh chỉ có thể thảo luận từ quan điểm chuyên môn. Nói cách khác, trước tiên chúng ta cần mô tả các bước của một cuộc tấn công hạt nhân và những điểm đặc trưng của nó.
Tổng tư lệnh bật đèn xanh
Ai là người quyết định?
Trước tiên, hãy nói về quy trình đưa ra quyết định. Ai sẽ ra quyết định vận hành vũ khí hạt nhân và nó sẽ như thế nào? Nhiều người nghĩ rằng Tổng thống sẽ tiếp cận “nút ấn đỏ” và nếu ông nhấn nút, các tên lửa đạn đạo liên lục địa và các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm sẽ ngay lập tức được triển khai.
Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Tổng thống sẽ cho phép bắt đầu “mở khóa” và vận hành quy trình tấn công hạt nhân trong một thông điệp được mã hóa. Các đơn vị quân sự khác nhau sẽ đảm nhiệm việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa và các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, cũng như các tên lửa hành trình có gắn đầu đạn hạt nhân. Nhưng trước khi điều này xảy ra, các đầu đạn sẽ được “mở khóa” bởi các mật mã cho phép đặc biệt.
Cơ bản mà nói, mỗi tư lệnh lực lượng vũ khí sẽ nhận được một mệnh lệnh được mã hóa từ Tổng thống, nhận chiếc phong bì có dấu niêm phong để đảm bảo an toàn và mở nó ra. Họ sẽ so sánh thông tin mà mình nhận được từ Tổng thống với nội dung của phong bì và giải mã thông điệp để lấy mật mã mở khóa. Mật mã sẽ được nhập vào hệ thống kiểm soát đầu đạn, và mở khóa/cho phép vận hành.
Vali hạt nhân
Tổng thống có phần việc của mình với chiếc “vali hạt nhân” mà ông sẽ dùng để bắt đầu một chuỗi các hanh động liên tiếp. “Cheget” là mật danh cho chiếc vali hạt nhân này, và thực tế nó là một hệ thống tự động điều khiển và kiểm soát Các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga được gọi là “Kazbek”.
Hai chiếc vali khác do Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư lệnh (các lực lượng vũ trang) nắm giữ. Một số nguồn tin nói rằng, sẽ cần phải có xác nhận từ 2 chiếc vali hạt nhân để mở khóa và lấy mật mã cho phép tiến hành. Một số nguồn tin khác lại cho rằng, phải có sự xác nhận của cả 3 chiếc vali. Điều này có nghĩa là không ai ở Nga có quyền lực độc nhất để triển khai vũ khí hạt nhân.
Mỹ cũng có một hệ thống tương tự như vậy.
|
Một bệ phóng tên lửa đạn đạo Yars của Nga. Ảnh: Sputnik |
Các lựa chọn tấn công hạt nhân của Nga
Vậy các lựa chọn tấn công của Nga là gì?
Tấn công cảnh báo
Trong trường hợp phóng cảnh báo, Hệ thống không gian thống nhất (EKS) và Hệ thống cảnh báo sớm phát hiện vụ phóng ICBM từ lãnh thổ Mỹ và các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tính toán địa điểm mục tiêu bên trong lãnh thổ nước Nga và thời gian bay.
Tổng thống Nga sau khi nhận được cảnh báo về cuộc tấn công tên lửa, sẽ đưa ra quyết định về việc phóng cảnh báo. Các tên lửa trên mặt đất, trên không hay từ tàu ngầm sẽ được mở khóa bằng mật mã và trong 7-9 phút sẽ có một vụ phóng hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến lược từ Nga và các vùng biển liền kề. Thời gian gấp rút là cần thiết để thực hiện những hành động này.
Tấn công trả đũa
Trong trường hợp tấn công trả đũa, kịch bản cũng tương tự, những với ngoại lệ là các đầu đạn đã tấn công vào lãnh thổ Nga và hệ thống ghi nhận có xảy ra nổ hạt nhân.
Kịch bản tồi tệ nhất trong một cuộc tấn công hạt nhân là lãnh đạo nhà nước và quân đội đã bị sát hại để nước Nga không còn khả năng phát lệnh triển khai một cuộc tấn công hạt nhân.
Trong trường hợp này Perimeter sẽ thực hiện vai trò của mình. Perimeter là hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tự động hóa hoàn toàn và được biết đến với biệt danh “Bàn tay Tử thần”. Nhiệm vụ của nó là bảo đảm một cuộc tấn công trả đũa dù cho đất nước đã bị hủy diệt hay cơ cấu chỉ huy và kiểm soát của chính quyền bị trục trặc, hoặc không còn ai sống sót để đưa ra lệnh trả đũa.
Hệ thống Perimeter sẽ đưa ra quyết định tấn công trả đũa sau khi phân tích các dữ liệu thu thập được về hoạt động địa chất, các dữ liệu phóng xạ và khí áp cho thấy đã xảy ra một vụ nổ hạt nhân.
Tấn công phủ đầu
Lựa chọn cuối cùng là một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Theo học thuyết quân sự, “Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả trong trường hợp nước Nga hoặc đồng minh của Nga trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hay các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác cũng như trong trường hợp có sự gây hấn nhằm vào Nga liên quan đến các loại vũ khí thông thường có thể đặt sự tồn tại của nước Nga nằm trong mối đe dọa”.
Bất cứ lựa chọn tấn công hạt nhân nào cũng đều đồng nghĩa với thảm họa cho các bên liên quan cũng như các nước khác trên thế giới. “Mùa đông hạt nhân” sẽ được thiết lập ngay sau cuộc “trao đổi hạt nhân”. Nếu thực sự xảy ra, sẽ rất ít người có thể sống sót qua “Ngày phán xét hạt nhân”.