Kết luận đó dựa trên nghiên cứu Lực lượng Hải quân Tương lai do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng David Norquist chủ trì, gần đây đã được chuyển giao cho ông Esper.
Bộ trưởng Esper nói trong bài phát biểu tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Washington, DC: “Trung Quốc dự định hoàn thành việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình vào năm 2035 và xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049. Bắc Kinh muốn ngang bằng với Hải quân Mỹ, nếu không muốn nói là vượt qua khả năng của chúng ta trong một số lĩnh vực nhất định và để bù đắp sự áp đảo của chúng ta trong một số lĩnh vực khác”.
|
Nhóm tàu sân bay tấn công Ronald Reagan của hải quân Mỹ. |
Ông nói, nghiên cứu về lực lượng hải quân của Lầu Năm Góc vừa hoàn thành đã đánh giá một loạt các lựa chọn xây dựng hạm đội trong tương lai nhằm duy trì sự áp đảo của Mỹ trong thời đại cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Hải quân, Thủy quân Lục chiến, Bộ tổng Tham mưu, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như các cố vấn độc lập đã giúp thực hiện một "đánh giá toàn diện về chiến lược quốc phòng quốc gia. Ông Esper đặt tên cho tầm nhìn của mình đối với hạm đội tương lai là “Lực lượng Chiến đấu 2045.”
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra một số lựa chọn lực lượng bằng cách sử dụng mô hình hóa và mô phỏng các cuộc chiến để phân tích điểm mạnh và điểm yếu của từng tổ hợp tàu trong bối cảnh nhiệm vụ khác nhau trong tương lai.
“Lực lượng Chiến đấu 2045 đồi hỏi một lực lượng hải quân cân bằng hơn với hơn 500 tàu có người lái và không người lái,” ông Esper nói, theo tường thuật của National Defense. “Hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp cận 355 tàu chiến truyền thống trước năm 2035 - thời điểm mà Trung Quốc đặt mục tiêu hiện đại hóa hoàn toàn quân đội. Và quan trọng nhất, chúng tôi hiện có một con đường đáng tin cậy để có được hơn 355 tàu có người lái trong thời đại hạn chế về tài chính”. (Hiện nay hải quân Mỹ có chưa tới 300 tàu, trong khi Trung Quốc đã vượt qua con số này, tuy hạm đội của Trung Quốc có tỷ lệ tàu nhỏ lớn hơn và vẫn thua Mỹ ở tổng trọng tải-PV).
Đội tàu ngầm là ưu tiên hàng đầu, ông Esper nói. Điều đó bao gồm việc mua tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia, tàu ngầm tấn công lớp Virginia để hiện đại hóa lực lượng răn đe hạt nhân trên biển. Ông nói thêm, Hải quân Mỹ cần 70 đến 80 tàu ngầm tấn công và gọi chúng là nền tảng tấn công có khả năng sống sót nhất trong một cuộc xung đột quyền lực lớn trong tương lai.
Ông nói: “Hải quân Mỹ phải bắt đầu đóng ba tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm càng sớm càng tốt”.
Các tàu sân bay hiện là viên ngọc quý của Hải quân Mỹ, mặc dù một số nhà quan sát cho rằng chúng ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước các tên lửa tầm xa, dẫn đường chính xác.
Esper nói: “Các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ vẫn là biện pháp răn đe rõ ràng nhất của chúng ta với khả năng thi triển vũ lực và thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát biển trên toàn cầu. "Để tiếp tục nâng cao khả năng sống sót và khả năng sát thương của chúng, chúng tôi đang phát triển các phi đoàn không quân của tương lai có khả năng tác chiến ở phạm vi mở rộng." Các phi đoàn nên bao gồm nhiều nền tảng không người lái bao gồm máy bay chiến đấu, tàu chở dầu, cảnh báo sớm và máy bay tấn công điện tử, ông nói thêm.
Lực lượng hải quân trong tương lai cũng cần có 140 đến 240 tàu mặt nước và tàu ngầm không người lái và tùy chọn có người lái, có tiềm năng thực hiện nhiều nhiệm vụ và cho phép các hoạt động hàng hải phân tán theo cách hiệu quả về mặt chi phí, ông lưu ý.