Là một trong những lực lượng được xác định xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, Cảnh sát biển Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục được đầu tư để phát triển toàn diện, đặc biệt là về phương tiện, vũ khí trang bị kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng hoạt động xa bờ, đáp ứng yêu cầu quản lý vùng biển nhanh chóng, chính xác, hiệu quả trong tình hình mới.
|
Hạ thủy tàu cảnh sát biển Việt Nam 8005. |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, những năm vừa qua, cùng với một số lực lượng khác trong Quân đội, Cảnh sát biển đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, BQP quan tâm, đầu tư mua sắm, đưa vào biên chế nhiều phương tiện tàu thuyền, máy bay, xe, máy, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, hiện đại, có giá trị lớn. Hiện, toàn lực lượng cảnh sát biển đã có trên 70 tàu xuồng các loại, 03 máy bay tuần thám, hơn 100 xe ô tô cùng VKTBKT và các trang thiết bị phục vụ chuyên ngành trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy khác. Đặc biệt, gần đây được trang bị thêm một số tàu hiện đại, có lượng giãn nước lớn, đủ sức hoạt động ở các vùng biển xa như tàu DN-2000, tàu TK-3500CV,…
|
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, BTL Cảnh sát biển tham quan hệ thống điều khiển hiện đại của tàu CSB 8002. (ảnh: Liên Nhâm) |
Tuy nhiên, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng CSB: Là nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, TKCN trên tất cả các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc; Xuất phát từ diễn biến ngày càng phức tạp trên biển, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, đa dạng hơn cho Lực lượng CSB.
Mặc dù đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, song số lượng tàu thuyền, xe - máy, VKTBKT của Lực lượng CSB hiện nay vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tình hình trên biển lại luôn diễn biến phức tạp cả về vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống với những nguyên nhân khác nhau. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ trên biển và đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam năm 2014 cho thấy, Lực lượng CSB VN rất cần thiết phải có nhiều tàu lớn có sức cơ động cao với trang bị vũ khí, hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin tiên tiến, hiện đại, có tích hợp điện tử và tự động hóa cao.
Cùng với đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Lực lượng CSB VN đến năm 2020 và những năm tiếp theo với mục tiêu: “Xây dựng Lực lượng CSB hiện đại chuyên nghiệp, tổ chức biên chế hợp lý, tinh gọn, trang bị đồng bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển và hợp tác quốc tế; làm cơ sở để xây dựng hoàn chỉnh Lực lượng CSB VN trong những năm tiếp theo”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã xác định chủ trương xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển tiến thẳng lên hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vùng biển trong tình hình mới.
Mặt khác, hiện nay chúng ta đang thực hiện chủ trương xây dựng các Lực lượng Hải quân, Phòng không - không quân, Thông tin, Tác chiến điện tử tiến thẳng lên hiện đại. Đây là các lực lượng mà khi có tình huống cao thì Lực lượng CSB hoặc phải phối thuộc, hoặc phải phối hợp hiệp đồng. Do vậy, nếu CSB không hiện đại thì khả năng hiệp đồng sẽ không đảm bảo được tính đồng bộ và hiệu quả; Sự chuyển hóa từ nhiệm vụ thực thi pháp luật trong thời bình sang nhiệm vụ tác chiến trong thời chiến sẽ không đảm bảo được tính kịp thời, nhanh chóng và chính xác.
Từ những yêu cầu thực tiễn trên cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng hiện đại hóa Lực lượng CSB, trong đó hiện đại hóa trang bị là nội dung cơ bản. Chỉ có hiện đại hóa trang bị, phương tiện mới có đủ khả năng vươn khơi xa và dài ngày để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phương hướng hiện đại hóa trang bị cho Lực lượng CSB VN
Để xây dựng Lực lượng CSB tiến thẳng lên hiện đại trong tình hình hiện nay, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh cũng như Thủ trưởng Cục Kỹ thuật nhận thức rõ: hiện đại phải quán triệt tinh thần 3 khâu đột phá, đó là: đột phá hiện đại về mặt tổ chức, tinh gọn và cân đối; đột phá hiện đại về mặt con người: làm chủ được trang bị hiện đại; hiện đại để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc và kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống chứ không để phô trương hay chạy đua vũ trang. Khi hiện đại hóa trang bị phải coi trọng việc đồng bộ theo chủng loại giữa các lực lượng được hiện đại; nhất là các trang bị liên quan đến thông tin, trinh sát, chỉ thị mục tiêu, sử dụng trong chiến thuật tác chiến… có như vậy mới phát huy được hiệu quả của trang bị hiện đại và sức mạnh của VKTBKT trong hiệp đồng tác chiến quân binh chủng; bảo đảm khoa học và tiết kiệm.
Hiện đại hóa trang bị phải được tiến hành song song với xây dựng ngành Kỹ thuật chính quy; phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, làm chủ VKTBKT và công nghệ. Ngoài việc giữ gìn, bảo quản, cải tiến có chọn lọc phương tiện, VKTBKT hiện có, cần thiết phải đầu tư đóng mới, mua sắm tàu thuyền, VKTBKT hiện đại, đó là:
- Tăng cường đóng mới tàu thuyền có lượng giãn nước lớn, có hàm lượng công nghệ và sức cơ động cao, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển trong điều kiện thời tiết phức tạp và trước nguy cơ thường xuyên bị đâm húc của các tàu lớn nước ngoài khi đấu tranh bảo vệ chủ quyền); tính chất hoạt động đa năng (vừa tuần tra kiểm soát vừa có thể tham gia TKCN, bảo vệ môi trường biển…); có sàn đỗ máy bay,...
- Vũ khí, trang thiết bị: từ hệ thống động lực, thiết bị điều khiển, trang thiết bị khí tài điện tử, vũ khí đến các thiết bị thông tin, ghi hình, truyền dữ liệu… đưa vào lắp đặt trên tàu phải hiện đại, đồng thời đáp ứng các yêu cầu gọn nhẹ, khả năng cơ động cao, trình độ tự động và độ chính xác cao, chuyển hóa linh hoạt trong tác chiến, có uy lực lớn, có nhiều hàm lượng KH-CN, bảo đảm hoạt động trong mọi điều kiện.
- Bảo đảm các hoạt động chỉ huy, chỉ đạo, tác chiến, trinh sát được thống nhất, đồng bộ, nhanh chóng, liên tục, bí mật, an toàn, ổn định, vững chắc trong mọi tình huống. Bảo đảm hoạt động đồng bộ bờ - tàu, tàu - tàu, tàu - máy bay, làm cơ sở để chỉ đạo từ Sở chỉ huy đến các lực lượng; bảo đảm công tác phối hợp hiệp đồng giữa các đơn vị hiệp đồng, các phương tiện xe - máy và đảm bảo việc thu thập dữ liệu làm bằng chứng trong đấu tranh chống vi phạm tội phạm trên biển cũng như đấu tranh pháp lý, chính trị, ngoại giao để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
- Đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ CSB (trinh sát, phòng chống tội phạm, vi phạm), các thiết bị phân tích, đánh giá chất lượng hàng hóa để bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ hiệu quả và phục vụ công tác điều tra, chống buôn lậu.
Theo Đề án Xây dựng Lực lượng CSB VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, từ nay đến năm 2020, Lực lượng CSB sẽ được đầu tư đóng mới thêm hàng chục tàu thuyền các loại, trong đó có tàu DN-4000, DN-2000, TT-1500, TT-400, tàu dầu 1000 tấn, tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ (tàu SAR)…Về mua sắm trang bị, sắp tới tiếp tục mua thêm máy bay CASA-212, máy bay trực thăng cùng nhiều trang thiết bị chuyên ngành khác của các khối Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật, Nghiệp vụ, Quan hệ quốc tế…
|
Máy bay tuần thám CASA - 212 trong biên chế lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. |
Với số lượng phương tiện, tàu thuyền, máy bay, VKTBKT hiện đại được đầu tư, mua sắm, trang bị theo đúng yêu cầu chỉ tiêu, tiến độ của Đề án sẽ đảm bảo cho Lực lượng CSB hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả quản lý vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước.
Một số nội dung cần thiết để thực hiện hiện đại hóa Lực lượng CSB
Trên cơ sở phát triển, hiện đại hóa về phương tiện trang bị cho CSB theo Đề án Xây dựng LL CSB VN đến năm 2020 và những năm tiếp theo, để có được những bước đi vững chắc nhằm hiện đại hóa lực lượng cả về con người và trang bị, cần song song triển khai thực hiện một số nội dung, yêu cầu sau:
Một là, làm tốt công tác quy hoạch trang bị, đóng mới, mua sắm tàu thuyền, máy bay, VKTBKT hiện đại. Lựa chọn đối tác đóng tàu đủ năng lực cung cấp các trang thiết bị hiện đại, phù hợp, đáp ứng yêu cầu đóng tàu về cả chất lượng, tiến độ. Song song với việc lựa chọn các trang bị kỹ thuật hiện đại là chuyển giao công nghệ để nâng cao khả năng làm chủ (sửa chữa, khôi phục, cải tiến, cải hoán,...) VKTBKT.
Hai là, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực, con người hiện đại: có đủ bản lĩnh; đủ năng lực chỉ huy, chỉ đạo và trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để quản lý, khai thác, làm chủ các loại VKTBKT hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Quan tâm đến công tác tuyển chọn đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật: có đủ số lượng, đủ cơ cấu ngành nghề. Quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật: Cả trình độ chỉ huy, quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường đột phá vào công tác huấn luyện, chuyển giao công nghệ từ khi triển khai đóng mới tàu hay tiếp nhận trang bị mới; trong đó trọng tâm là đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp khai thác, sử dụng VKTBKT; tăng cường các hội thi, hội thao thực sự có chất lượng, hiệu quả, nhằm thúc đẩy phong trào huấn luyện tại đơn vị, phấn đấu làm chủ VKTBKT trong cả tình huống khó khăn phức tạp nhất.
Ba là, đầu tư xây dựng cơ sở bảo đảm kỹ thuật hiện đại và tạo nguồn vật tư dự trữ đầy đủ. Đầu tư xây dựng các trạm sửa chữa tổng hợp hiện đại tại các BTL Vùng CSB và các Hải đội đóng quân độc lập (có đủ trang thiết bị công nghệ, quy trình công nghệ, chuyên gia kỹ thuật, vật tư phụ tùng dự phòng thay thế) nhằm nâng cao năng lực tự bảo đảm cho các đơn vị, đáp ứng yêu cầu bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa cấp hàng hải. Xây dựng kho kỹ thuật tại cơ quan, đơn vị có khả năng cất chứa đa dạng chủng loại vật tư, số lượng lớn, bảo đảm kịp thời. Tạo nguồn vật tư kỹ thuật; ZIP dự trữ tàu, bờ bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và các tình huống cao, đột xuất, đòi hỏi lượng vật tư thay thế lớn. Trong đó có cả lượng vật tư dự trữ quốc gia, vật tư dự trữ cấp chiến lược (của BTL CSB bố trí tại các đơn vị) và vật tư dự trữ thường xuyên.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, các đề tài nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sâu rộng trong toàn lực lượng, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, ứng dụng có hiệu quả trong công tác bảo đảm kỹ thuật và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động CTKT.
Năm là, thực hiện mạnh mẽ, có chiều sâu về “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”.
Sáu là, phát huy nội lực, đồng thời tăng cường các mối quan hệ tạo cơ chế phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng có liên quan, các nhà máy, xí nghiệp sửa chữa, các hãng cung cấp thiết bị để kịp thời bảo đảm vật tư kỹ thuật, sửa chữa VKTBKT trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất, bảo đảm phương tiện tàu thuyền luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Bảy là, tăng cường công tác dự báo tình huống nhằm nâng cao khả năng xử lý, xử trí các tình huống, đồng thời đảm bảo công tác chuẩn bị mọi mặt đầy đủ (về tạo nguồn vật tư dự trữ, phương thức bảo đảm,... ) để không bị động bất ngờ, không gián đoạn công tác bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào.
Tóm lại, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thì việc hiện đại hóa phương tiện, trang bị cho Cảnh sát biển là đòi hỏi khách quan và tất yếu. Hiện đại hóa phương tiện, trang bị không chỉ đầu tư phát triển trang bị hiện đại mà cùng với đó là đầu tư phát triển nguồn lực con người, cơ sở vật chất bảo đảm và cơ chế hoạt động phù hợp mới đáp ứng được yêu cầu khai thác, làm chủ VKTBKT, góp phần hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.