Đối với phần lớn các nước NATO, việc một nước thành viên liên minh đưa quân vào lãnh thổ quốc gia đang hiện diện nhiều lực lượng tham chiến khác nhau và Nga có mặt ở đó, là triển vọng rất đáng báo động, theo Financial Times.
|
Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay nhau, chờ Mỹ "bật đèn xanh" để đổ quân vào Syria.
|
Financial Times viết: Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út không muốn tiến hành
chiến dịch quân sự ở Syria mà thiếu sự chấp thuận từ Washington. Nhưng hai nước này bực tức, hằn học vì Mỹ không phản đối chiến dịch của Nga hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ mưu tính tạo một vùng đệm sâu vài cây số dọc biên giới với Syria. Điều này sẽ cho phép Ankara kiểm soát sự di chuyển của người Kurd Syria. Ngoài ra, vùng đệm còn tạo địa bàn tiếp sức cho phe đối lập Syria “ôn hòa” chống quân đội Syria. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mở đường cho các chiến binh đối lập đột nhập vào Syria qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ.
Ả-rập Xê-út không thể không quan ngại về sự mất mát ảnh hưởng nhanh chóng đối với tình hình Syria cũng như trong các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới. Riyadh đặc biệt quan ngại đối thủ chính trong khu vực là Iran. Để kiềm chế Iran, hồi tháng 12 năm ngoái, Ả-rập Xê-út đã gây dựng một "liên minh quân sự" các nước Hồi giáo gồm 34 quốc gia. Vương quốc này còn phát động một cuộc tập trận chưa từng có, với sự tham gia của khoảng 20 quốc gia.
Một số quan chức cho rằng Ả-rập Xê-út đang xem xét khả năng mở hoạt động tại đông nam Syria, gần biên giới Jordan, có thể với sự tham gia của cả Jordan. Tuy nhiên, trong vấn đề Syria nhà chức trách Ả-rập Xê-út hiện bám lấy lập trường của Washington và tuyên bố chiến dịch quân sự chỉ có thể thực hiện dưới sự yểm trợ của liên minh quốc tế.
Tờ Financial Times nhận định: Trong những tháng tới, Mỹ muốn tích cực tham gia hơn vào các chiến dịch ở Syria chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngoài ra, Mỹ dự tính trang bị vũ khí cho phe đối lập “ôn hòa". Phe này cho biết rằng họ đã bắt đầu nhận được vũ khí, trong đó có súng cối và đạn pháo phản lực tiên tiến.