Tại Aleppo, máy bay Nga vẫn thực hiện các đợt không kích. Dưới mặt đất, các chiến binh người gốc Iraq, Hezbollah được sự trợ giúp của các cố vấn Iran đang tiến nhanh trên chiến trường Aleppo. Ở phía bên kia, quân nổi dậy Syria được Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Qatar chống lưng đang phải vất vả chống đỡ các đợt tấn công của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Người Kurd - cánh vũ trang “liên minh” với cả Nga và Mỹ - cũng tận dụng tình cảnh bất ổn để mở rộng “lãnh thổ”. Khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn cố thủ ở một số ngôi làng nhỏ trong tỉnh Aleppo.
|
Quân đội Syria thắng như chẻ tre trên các chiến trường Latakia và Aleppo.
|
Nội chiến Syria từ lâu đã được dự đoán là sẽ phát triển thành xung đột ủy quyền, với việc các quyền lực bên ngoài hậu thuẫn các phe phái, lực lượng đối lập nhau bên trong lãnh thổ Syria. Thế nhưng chưa bao giờ mà nguy cơ về
chiến tranh thế giới thu nhỏ lại hiển hiện rõ như hiện nay, khi mà cuộc chiến giành quyền kiểm soát Aleppo bước vào giai đoạn quyết định. Cuối tuần qua, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã lên tiếng cảnh báo thế giới đang trượt vào “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
Tại thời điểm hiện nay, điểm nóng trên chiến trường Aleppo chính là khu vực nông thôn. Đánh bại quân nổi dậy tại đây sẽ tạo điều kiện để quân đội Syria phong tỏa và cuối cùng là đánh bật lực lượng này khỏi “sào huyệt” ở khu vực phía đông thành phố Aleppo – điều được xem là cú đòn quyết định của Damascus trong suốt 5 năm qua trước quân đối lập. Trận chiến Aleppo sẽ mang tính quyết định đối với cục diện giao tranh ở Syria. Thế nhưng kết cục không chỉ bó hẹp trong phạm vi chiến trường.
Chiến dịch phản công ở Aleppo chứng tỏ tầm vóc của Nga với tư cách là cường quốc khu vực áp đảo tại ngay chính giữa “trái tim” của Trung Đông. Máy bay chiến đấu của Nga sẽ không bao giờ rời không phận Aleppo, khi Moscow quyết tâm hỗ trợ chiến dịch trên bộ của quân đội Syria tại đây. Hỗ trợ Damascus, Nga hiển nhiên sẽ nỗ lực làm suy yếu, thậm chí là “nhổ tận gốc” các phe nhóm đối lập với ông Assad, hoặc ít nhất là buộc lực lượng này phải chấp nhận nhượng bộ lớn hơn trên mặt trận đàm phán.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan ngại lớn nhất chính là tình cảnh “chân không quyền lực” dọc khắp dải biên giới sẽ bị người Kurd “lấp đầy”. Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd Syria đã tận dụng các đòn không kích của Mỹ và cả Nga để mở rộng vùng cứ địa của người Kurd ở miền đông Syria và nay là cả ở Aleppo. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã xem YPG là một nhánh của Dảng Công nhân người Kurd (PKK) – phái chính trị bị chính quyền Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Các tay súng của Liên minh Kurd-Arập do YPG nắm quyền kiểm soát hiện đã tiến sát đến thị trấn vùng biên Azaz, nơi có cửa ngõ lớn nhất nối giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đó là lý do vì sao Ankara trong liên tiếp nã pháo vào các khu vực do chiến binh người Kurd mới giành quyền kiểm soát, cùng với tuyên bố sẽ còn tấn công chừng nào mà YPG chưa thoái lui khỏi khu vực giáp biên.
Cùng lúc, Ả-rập Xê-út cũng úp mở khả năng đưa quân vào Syria, làm dấy lên những đồn đoán rằng Riyadh sẵn sàng hậu thuẫn Ankara trong trường hợp triển khai chiến dịch quân sự trên bộ dưới danh nghĩa “chống IS”. Tuy Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ İsmet Yılmaz ngày 15/2 tuyên bố nước này không có ý định đem quân tham chiến ở Syria, nhưng chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đứng trước những sức ép rất lớn. Cụ thể, đó là sự thành hình của một nhà nước người Kurd ngay sát biên giới, cùng với đó là việc các phe nhóm đối lập ở Syria do Ankara hậu thuẫn đang bị “hủy diệt” - chuyên gia Faysal Itani tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận định.
Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự không muốn tham chiến ở Syria, thế nhưng leo thang ngoài dự tính là có thực. Căng thẳng giữa Moscow và Ankara không có dấu hiệu suy giảm sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga hôm 24/11/2015 và bất kỳ một tính toán sai lệch nào đó cũng có thể nhanh chóng đẩy Nga có hành động đáp trả. Theo trang mạng Debkafile (Israel), việc pháo kích nhằm vào YPG tại Syria hôm 13/2 có thể xem là hành động tấn công gián tiếp nhằm vào Nga. Nó là một bước đi “mạo hiểm có toan tính” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vì Ankara còn phải tính đến phản ứng của Moscow.
Và khi Nga tạm lặng im thì ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Ahmet Davutoglu trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lại dấn thêm một bước với lời khẳng định sẽ tiếp tục có các hành động tương tự nhằm vào YPG. Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/2 ra tuyên bố cho biết, Moskva đặc biệt quan ngại về những hành động “gây hấn” của Ankara liên quan đến nước láng giềng Syria. Còn giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày cáo buộc máy bay Nga đã phóng 7 tên lửa nhằm vào một bệnh viện ở Azaz, làm ít nhất 14 người chết.