Bình minh lên, đó là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày. Đầm Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) đón những tia nắng ấm áp, báo hiệu một ngày mới hối hả, bộn bề cuộc sống mưu sinh của những ngư dân quanh vùng.
Từ thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) theo hướng Quốc lộ 1A về phía Bắc, ra chợ Gồm khoảng 7 km rồi rẽ phải, theo tỉnh lộ 633 chạy xuống phía biển, chúng ta sẽ tìm thấy Đầm Đề Gi (hay còn gọi là Đầm Đạm Thủy - đầm nước ngọt).
Tặng phẩm thiên nhiên
Đầm Đề Gi có tổng diện tích trên 2.000 ha, được bao bọc bơi 5 xã, gồm: Cát Khánh, Cát Minh (Phù Cát) và Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Thành (Phù Mỹ). Núi Lạc Phụng (Phù Mỹ) làm cánh cửa phía Bắc, núi Bà (núi Bô Chinh) làm cánh cửa phía Nam, phía Tây là lưu vực sông La Tinh với các con sông nhỏ nước ngọt, phía Đông là động Bạch Sa chạy dài từ Tân Phụng đến Vĩnh Lợi.
Đầm đón nước từ sông La Tinh và các khe núi ở Lạc Phụng, núi Bà chảy vào rồi đổ ra biển theo cửa Đề Gi.
Nhân dân quanh vùng lấy nước đầm - nước lợ (dân dã gọi là nước xà hai) - để làm muối, nhưng lạ là từ xưa đầm này lại có tên là Đầm Đạm Thuỷ - đầm nước ngọt. Thế mới có câu rằng:
“Thật thà là thói hồng nhan/ Ăn xuôi nói ngược thế gian lạ gì/ Mặn chằng nước vũng Đề Gi/ Gọi “Đầm nước ngọt” lẽ gì hỡi em?”.
Do vị trí địa lý đặc thù của Đầm Đề Gi, mặt nước phẳng lặng, êm sâu nên du thuyền rất dễ dàng. Là vũng sâu tiếp nhận nước ngọt từ hệ thống sông, suối lớn, nhỏ phía Tây - Nam đổ vào để trung hòa rồi thẳng ra cửa biển Đề Gi nên ở đây rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
|
Ra khơi. |
Ở đây cũng có nhiều loài thủy hải sản đa dạng như: Tôm (sú, đất, bạc), cá (măng, mú, bống, khế, sơn biển, hồng, dìa, đối, cơm, mai), sò (huyết, láng), nghêu, ngao, sút, ghẹ xanh, cua xanh… Đặc biệt, hương vị mặn mòi của gỏi cá mai khiến du khách không thể chối từ.
Những con cá mai tươi ngon, giãy đành đạch được chế biến, làm sạch kỹ càng. Sau đó, rắc đậu phộng giã nhuyễn và rải đều dừa, gia vị lên. Thưởng thức cùng nước tương và ăn kèm rau sống, bánh tráng mỏng... như có một sức quyến rũ lạ kỳ, níu chân du khách.
Lênh đênh sóng vỗ
Chiều trôi lãng đãng. Trên chiếc sõng nhỏ chênh chao giữa mênh mông nước, tôi run bần bật nhưng vẫn khư khư giữ chặt cuốn sổ tay và chiếc máy ảnh. Ở đây, người ta “kiêng” không cho con gái lên ghe, lên thuyền, năn nỉ mãi, một bác ngư dân mới mủi lòng cho tôi và bạn đồng nghiệp “đi đò nhờ”.
Xa xa, một vài chiếc thuyền câu bé nhỏ lênh đênh sóng vỗ vẫn miệt mài giăng lưới, trầm lắng như nhịp sống mưu sinh của những ngư dân nghèo nơi đây.
Ông Nguyễn Sáng (58 tuổi, thôn Ngãi An, xã Cát Khánh, Phù Cát), cho biết: “Gần 30 năm gắn bó với chiếc thuyền, mảnh lưới, mong kiếm được mẻ cá, mẻ tôm để trang trải qua ngày. Mùa động, cá nhiều. Mùa biển lặng, kiếm ít hơn. Nhưng nếu chăm chỉ đi sớm, về khuya, “siêng nhặt chặt bị” thì cuộc sống cũng có phần dư dả, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Anh Nguyễn Ngọc Hòa (40 tuổi, ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), chia sẻ: “Tôi bắt đầu đi biển từ 15- 16 tuổi. Người dân biển quê tôi đã quen với việc đàn ông vươn khơi đánh bắt, đàn bà chạy chợ, vá lưới. Cái nghề truyền thống nuôi sống cả gia đình, ăn sâu vào máu thịt tự bao đời nay”.
Phương tiện đánh bắt cũng khá đa dạng: Thúng, mủng, thuyền, ghe, xuồng gắn máy... Trước đây, nhiều hộ dân vì chạy theo lợi nhuận trước mắt đã khai thác “bạo hành” với thiên nhiên, sử dụng hình thức xung điện xiết máy (XĐXM) gây ra nguy cơ tận diệt và vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng của Ban quản lý đầm và sự hỗ trợ đắc lực của Đồn Biên phòng 316 nên tình trạng XĐXM đã được giảm thiểu. Thay vào đó là xu hướng đánh bắt hài hòa với thiên nhiên. Nhiều Đề án phát triển bền vững, bảo vệ môi trường được triển khai, thực hiện hiệu quả.
Điển hình nhất là trường hợp của ông Nguyễn Bảy (62 tuổi, ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh), trước đây hành nghề XĐXM, nhưng đã từ bỏ và hiện đang làm nghề vá lưới. Bên cạnh nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, nghề vá lưới, làm muối... cũng khá phát triển ở đây.
Bình minh nơi cửa biển
Một ngày thong dong trên Đầm Đề Gi vẫn chưa đủ thỏa mãn với trí tò mò và tính hiếu kỳ của tôi. Nghe bảo, mùa hè, bà con ngư dân bắt đầu với công việc thường nhật của mình sớm hơn mọi khi. Tầm 3- 4 giờ sáng là mọi người đã lụi cụi dậy, chuẩn bị ngư lưới vụ và thuyền, xuồng ra đầm, miệt mài, cần mẫn với những mẻ lưới đầu tiên trong ngày.
5 giờ sáng, tôi phóng về phía cửa biển, nơi có Cảng cá Đề Gi, mặn mòi hương biển.
Bình minh lên! Mặt trời vừa ló dạng, phản chiếu những tia nắng ấm áp xuống mặt đầm gợn sóng lăn tăn, báo hiệu một ngày mới với bao tất bật, hối hả. Cửa biển Đề Gi tấp nập, nhộn nhịp những chiếc thuyền cập bến, ăm ắp cá. Người mua, kẻ bán, tiếng nói cười rộn rã, tiếng gọi nhau í ới tràn ngập sự sống sinh sôi.
|
Lộc biển về Cảng cá Đề Gi. |
Anh Nguyễn Văn Đô (35 tuổi, ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, Phù Cát), phấn khởi: “Ngót nghét đến nay cũng đã 15 năm gắn bó với nghề đi biển. Mỗi chuyến đi từ 3-4 ngày, cả thảy thuyền tôi có 20 người. Mỗi chuyến thu về khoảng trên dưới 10 tấn. Hôm nay, “trúng mánh” nên chắc cũng được non 12 tấn”.
Gặm chiếc bánh mì đang bỏ dở, anh nói tiếp: “Nghề đi biển cũng cực lắm! Nguy hiểm luôn rình rập. Mong sao thuận buồm xuôi gió, cá đầy thuyền. Mỗi lần nhìn thấy bình minh trên cửa biển là biết mình được về với đất liền, với gia đình, với vợ con...”.
Chia tay Đề Gi, nơi mặn mòi hương biển, trên đường về, tôi vẫn khắc khoải và ám ảnh bởi câu nói của anh Đô. Phải chăng, đó cũng chính là mong muốn nhỏ nhoi, bình dị của bao bà mẹ, người vợ, người con... ngóng con, ngóng chồng, ngóng cha... mỗi lần vươn khơi, bám biển...
Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (Phù Cát): “Đầm Đề Gi đóng vai trò và vị trí chiến lược rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nắm bắt được tầm quan trọng đó, các cấp chính quyền đã có những chính sách, định hướng đúng đắn để góp phần phát triển bền vững tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng”.