Tìm hiểu được biết, tiền thân của Công ty CP Vĩnh Hoàn là Công ty TNHH Vĩnh Hoàn được thành lập vào năm 1997 tại tỉnh Đồng Tháp thuộc đồng bằng sông Cửu Long, chuyên nuôi trồng và chế biến các sản phẩm cá tra đông lạnh.
Năm 2007, Vĩnh Hoàn chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM với mã giao dịch là VHC. Hiện nay, Vĩnh Hoàn đã vươn lên dẫn đầu ngành cá tra về nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu. Công ty CP Vĩnh Hoàn chiếm thị phần lớn về xuất khẩu cá tra tại các thị trường Mỹ (46%), Anh (28,7%) và Canada (26,5%), theo báo cáo thường niên 2022 của công ty.
Chậm trễ nộp báo cáo tài chính quý III/2023
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đã nhận được đề nghị gia hạn thời gian nộp và công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2023 ngày 27/10 của Công ty Vĩnh Hoàn. Sau đó, ngày 1/11, UBCKNN đã có văn bản phản hồi, từ chối đề nghị gia hạn thời gian nộp và công bố BCTC quý III/2023 do Công ty Vĩnh Hoàn không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin vì lý do bất khả kháng theo quy định. UBCKNN đề nghị Công ty Vĩnh Hoàn thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định.
Ở diễn biến liên quan, theo công bố trước đó của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, tính tới ngày 31/10, chỉ có 4 doanh nghiệp chưa nộp BCTC quý III/2023 gồm: Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã: DAG), Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã: IBC) và Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương (mã: SJF). Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM nhắc nhở và đề nghị công ty khẩn trương công bố BCTC quý III/2023 theo đúng quy định của pháp luật.
Giải thích về lý do chậm nộp, Công ty Vĩnh Hoàn thông tin, do công ty và các công ty con phải tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian từ ngày 19/10 - 27/10/2023 cho kỳ kiểm tra hành chính lần thứ 19 đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Chính vì vậy, Công ty Vĩnh Hoàn không kịp lập BCTC quý III/2023 chậm nhập vào ngày 30/10/2023 như quy định của pháp luật hiện hành, công ty đề xuất nộp BCTC quý III/2023 chậm nhất vào ngày 15/11/2023.
Được biết, sau khi hết thời hạn công bố BCTC quý III/2023 ngày 30/10, tới ngày 16/11, Công ty Vĩnh Hoàn mới thực hiện công bố BCTC.
|
Lãi ròng 9 tháng giảm 51%, quy mô tài sản Vĩnh Hoàn ra sao? Ảnh: Internet. |
Kinh doanh kém sắc, lợi nhuận giảm sâu
Theo BCTC hợp nhất quý III/2023, Công ty CP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đã có quý kinh doanh không mấy khả quan khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.698 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn chỉ đạt gần 285 tỷ đồng, giảm gần 55% so với quý III/2022.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 29,5% về còn 115 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 58%, 11% và 4,3% về còn 45 tỷ đồng, 57 tỷ đồng và 77 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt gần 201 tỷ đồng, giảm hơn 56% so với cùng kỳ, lãi ròng đạt gần 191 tỷ đồng (giảm 58%). Lý giải lợi nhuận lao dốc trong quý III, Công ty Vĩnh Hoàn cho biết do sản lượng bán và giá bán đều giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn ghi nhận giảm 29%, còn gần 7.643 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu bán thành phẩm với 5.127 tỷ đồng; lợi nhuận gộp lùi sâu đến 50%, ở mức 1.249 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 13% so với cùng kỳ, về còn 297 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 883 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 849 tỷ đồng, giảm 52%.
So với mục tiêu doanh thu hợp nhất 11.500 tỷ đồng và lãi ròng 1.000 tỷ đồng năm 2023, Vĩnh Hoàn thực hiện được lần lượt 66% và 85% kế hoạch.
Tính đến ngày 30/9/2023, quy mô tài sản của Vĩnh Hoàn đạt xấp xỉ 12.366 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 8.303 tỷ đồng (tăng 8,68%), bao gồm 360 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 2.129 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn; 3.925 tỷ đồng hàng tồn kho. Vốn chủ sở hữu của Vĩnh Hoàn đạt gần 8.464 tỷ đồng, trong đó, đáng chú ý là khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 6.143 tỷ đồng.
Tại cuối quý III/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận 1.645 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gồm tiền gửi ngân hàng gần 1.513 tỷ đồng và 50 tỷ đồng các trái phiếu có kỳ hạn 7 năm. Danh mục đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn là 178 tỷ đồng, ghi nhận theo giá gốc, vẫn là các cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã: NLG), Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã: DXS) và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Vĩnh Hoàn tăng nhẹ so với đầu năm lên 3.902 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là 2.546 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng và 123 tỷ đồng vay nợ dài hạn, lần lượt tăng 15% và giảm 30% so với thời điểm đầu năm.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cho thấy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vĩnh Hoàn tại cuối quý III/2023 đang âm 231 tỷ đồng. Điều này cho thấy nguồn tiền từ kinh doanh không đủ bù đắp lượng tiền chi ra. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng ghi nhận âm 235 tỷ đồng.