9X Nguyễn Tuấn Phong là người có trang trại nuôi rắn lớn nhất tỉnh Ðồng Nai hiện nay.
Khởi nghiệp với 30 con rắn làm vốn
Hằng ngày, từ sáng sớm, anh Phong đã thức dậy làm thức ăn cho rắn. Thịt gà được anh rửa sạch rồi cho vào máy cắt, sau đó trộn thuốc và chia đều vào các đĩa trong chuồng, thay nước uống cho rắn. Buổi chiều, anh quay lại trang trại rắn để kiểm tra và dọn thức ăn thừa, thay các bình nước sạch, thay lá trong chuồng rắn.
Ban đêm, anh Phong cầm đèn pin soi kiểm tra chuồng rắn, con rắn nào có dấu hiệu đẻ trứng thì cho nằm trong ổ đẻ, con nào đẻ xong thì lấy trứng để riêng cho ấp nở. Ngoài ra, cứ trung bình 20 ngày anh phải tổng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ một lần để không phát sinh mầm bệnh cho rắn. “Trang trại lớn, công việc quá nhiều, một mình làm không xuể nên tôi thuê thêm lao động cùng phụ làm”, anh Phong cho hay.
|
Anh Nguyễn Tuấn Phong "chơi" rất thân thiện với con 1 rắn ráo trâu "khủng". |
Theo chân anh Phong vào khu chuồng rắn, chỉ cần động tác nhẹ vén nhánh lá cây của anh Phong đã hiện lên dưới đó một bầy rắn cuộn tròn nằm nghỉ sau khi đã được cho ăn no. Nghe động, chúng trở mình di chuyển tìm nơi ẩn núp.
Anh Phong chia sẻ: “Rắn ráo trâu vốn là loài động vật hoang dã nên mình phải biết cách làm chuồng sao cho giống với môi trường tự nhiên và hạn chế tác động đến chúng. Nếu mình tác động nhiều đến môi trường sinh sống của rắn thì chúng sẽ bỏ ăn…”.
Anh Phong bắt ra một con rắn "khủng" dài hơn 1m, nặng khoảng 2kg cho chúng tôi xem để nhìn thấy cận cảnh loài “bò sát” này. “Rắn ráo trâu rất hiền, không độc nên chúng tôi yên tâm khi hằng ngày tiếp xúc với chúng..”, anh Phong giải thích.
Phong là con út trong gia đình có 3 anh em. Gia đình nghèo khó, tuổi thơ Phong đã sớm phải làm lụng vất vả hơn các bạn cùng trang lứa. Một buổi đến trường, buổi còn lại anh làm công việc nhà phụ giúp bố mẹ. Vì nhiều lý do nên Phong phải nghỉ học năm lớp 8 và sau đó bắt đầu chuỗi ngày dài đi khắp nơi làm thuê, làm mướn.
Ðầu tiên, anh xuống TP. Biên Hòa làm công việc gò thùng tôn cho một cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, anh làm được 1 năm rồi nghỉ vì cảm thấy công việc không phù hợp. Sau đó, anh vào làm thời vụ cho một công ty nhưng cũng chỉ làm được một thời gian ngắn vì công ty hết việc. Trở về quê nhà Ðịnh Quán, anh làm nhiều công việc như: phụ bán cây cảnh tại các hội chợ, làm các công trình điện…, tuy nhiên những công việc này không ổn định lâu dài.
Trong những ngày tháng thất nghiệp, anh Phong trăn trở nếu cứ đi làm mướn thì không biết đến bao giờ mới vươn lên thoát nghèo được. Lúc ấy, một số hộ ở các vùng lân cận có nuôi trăn và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, Phong quyết định dùng số tiền 40 triệu đồng từ dành dụm làm thuê, đồng thời vay mượn thêm để mua 100 con trăn về nuôi.
Vì anh chưa có kinh nghiệm nên trong quá trình nuôi trăn bị bệnh hô hấp và chết dần chỉ còn hơn 60 con. Nuôi được hơn 1 năm, Phong bán số trăn trên và thu được khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí về tiền giống, mồi ăn, công chăm sóc, anh huề vốn, không có đồng lời.
Năm 2014, nhiều hộ nuôi rắn ráo trâu trên địa bàn xã La Ngà mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thời điểm giá rắn tăng lên hơn 1 triệu đồng/kg. Thấy vậy, anh cũng mua 30 con về nuôi. Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc vì bản năng loài rắn này chuyên ăn mồi sống, anh lại chuyển qua cho ăn mồi chết nên rắn chưa quen. Không nản chí, anh cố gắng tập cho rắn ăn mồi chết trong khoảng 8 tháng, cuối cùng rắn cũng quen và thích nghi được. Sau này, khi anh đã tích lũy được nhiều kỹ thuật nuôi rắn, kinh nghiệm nuôi rắn thì việc chăm sóc rắn dễ dàng hơn rất nhiều.
Trở thành chủ trang trại rắn tiền tỷ
Từ 30 con rắn giống làm vốn ban đầu, anh Phong nuôi khoảng 1 năm thì rắn trưởng thành và bắt đầu đẻ trứng. Vài năm đầu, số lượng trứng rắn đẻ ra anh không bán mà cho ấp nở thành rắn con để nuôi tăng đàn. Khi số lượng tăng lên khoảng 1.000 con, anh bắt đầu tìm đầu ra cho sản phẩm. “Tôi đã bay ra ngoài Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ðược người tốt giới thiệu tôi gặp một khách hàng uy tín mua rắn với số lượng lớn. Sau này, có thêm thương lái ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và một số nơi khác cũng tìm đến mua rắn. Hiện thị trường tiêu thụ rắn rất lớn, ổn định nên tôi rất an tâm về đầu ra”, anh Phong hồ hởi chia sẻ.
|
Hiện anh Nguyễn Tuấn Phong đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm dãy chuồng rắn nhằm mở rộng trang trại. |
Thời gian gần đây, giá rắn ráo trâu thương phẩm luôn giữ mức ổn định từ 350.000 - 500.000 đồng/kg, hàng chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc. Giá rắn giống từ 100.000 đồng trở lên/con (tùy theo yêu cầu của khách hàng đặt mua con giống lớn hay nhỏ), chủ yếu bán trong tỉnh và các vùng lân cận.
Một năm, gia đình anh Phong xuất bán rắn làm nhiều đợt và chủ yếu tập trung bán vào dịp Tết. Cụ thể, năm rồi, anh xuất bán 7 tấn rắn thương phẩm thu được 3,1 tỷ đồng và 3.500 con giống thu 700 triệu đồng. Hiện anh đang nuôi khoảng 10.000 con rắn lớn, nhỏ các loại.
Tiền kiếm được từ bán rắn anh Phong dùng đầu tư mở rộng trang trại để phát triển đàn rắn. Anh Phong cho biết, hiện anh đang đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng thêm 2 dãy chuồng nuôi rắn. Cho đến thời điểm này, trang trại rộng hàng ngàn m2 của anh đã có hơn 300 chuồng rắn lớn, nhỏ được xây dựng kiên cố và chia thành 3 khu: một khu dành nuôi rắn con, một khu nuôi rắn bố, mẹ và khu còn lại nuôi rắn thương phẩm (rắn thịt) để bán.
Theo anh Phong, loài rắn ráo trâu này có sức đề kháng khỏe, ít bệnh, tuy nhiên chúng không thích nghi được với khí hậu lạnh. Do đó, khâu làm chuồng trại rất quan trọng, người nuôi phải biết cách làm chuồng rắn sao cho mùa khô không bị nóng, mùa mưa không bị lạnh nhằm tạo môi trường sống tốt cho rắn phát triển.
“Trong mỗi chuồng rắn tôi đều làm khung sắt rồi lấy nhựa, lá cây phủ lên làm chỗ trú ẩn cho rắn. Ngoài ra, tôi còn gắn hệ thống phun nước để phun mát cho rắn mỗi khi trời nắng nóng... Với cách làm này sẽ tạo cho chuồng thoáng mát, vừa giúp rắn ở thoải mái, ăn nhiều, mau lớn”, anh Phong chia sẻ kinh nghiệm làm chuồng nuôi rắn.
Quản lý đối với các loài động vật hoang dã
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Định Quán cho biết, đối với các loài động vật hoang dã như: cá sấu nước ngọt, trăn, rắn ráo trâu… thì người dân được phép nuôi nhưng với điều kiện phải đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định. Cụ thể, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai phối hợp với Hạt kiểm lâm sở tại đến kiểm tra chuồng trại, nguồn gốc loài, mật độ nuôi, môi trường… xem có đảm bảo đúng tiêu chuẩn không rồi mới cấp giấy chứng nhận cho nuôi. Sau đó, Hạt kiểm lâm sở tại cấp sổ theo dõi đàn phát triển, cử lực lượng thường xuyên kiểm tra định kỳ xem chuồng trại có an toàn, chăn nuôi có đảm bảo về môi trường không, nguồn gốc loài, sự tăng trưởng của đàn khi sinh nở. Thậm chí khi chủ trại muốn nhập hoặc xuất bán rắn cũng phải báo để lực lượng đến kiểm tra và xác nhận. Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định pháp luật. “Trước đây, trên địa bàn có khoảng 5 trại nuôi rắn ráo trâu, thời gian gần đây việc nuôi loài này tương đối ổn định về giá cả, có lời nên số hộ nuôi tăng lên hơn 10 hộ”, ông Chiểu nói.