Những món đồ này hỗ trợ việc nhà cho thầy cô, để thầy cô có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn sau những giờ dạy học vất vả.
Vừa chọn mua xong chiếc máy rửa bát hơn 12 triệu đồng tại một siêu thị điện máy gần nhà, chị Thùy Dương ở Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) kể rằng, chiếc máy này là nhóm phụ huynh 6 người góp tiền mua tặng cô giáo phụ đạo tiếng Anh của các con nhân ngày 20/11 sắp tới.
Chị Dương chia sẻ, những năm trước, cứ gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam, chị lại mất cả tháng trời suy nghĩ nên chọn quà gì để tặng thầy cô cho thật ý nghĩa và thiết thực. Năm thì nước hoa, năm thì mỹ phẩm, vải may quần áo... Tuy nhiên, năm nào cũng thế thì cũng nhàm chán và hình thức nhất là khi thấy phụ huynh nào cũng chọn những món quà tương tự như mình.
Vì thế, năm nay chị đổi cách tặng quà. Ở trường, chị đề xuất với một số bố mẹ thân thiết trong lớp góp tiền mua tặng thầy cô món quà có thể sử dụng được ngay, để thầy cô cùng liên hoan, chẳng hạn như giỏ hoa quả ngoại, hộp bánh kẹo to thật ngon hay chiếc bánh gato... cả cô trò, phụ huynh chung vui, nhẹ nhàng mà không hình thức.
|
Thay vì tặng quà truyền thống, một số phụ huynh chọn mua máy rửa bát tặng cô dịp 20/11. |
Đặc biệt, với cô giáo dạy phụ đạo môn tiếng Anh cho con riêng cả 3 năm nay, năm nay chị rủ 5 phụ huynh góp tiền mua tặng cô một chiếc máy rửa bát.
“Cô giáo dạy phụ đạo môn tiếng Anh là người rất tình cảm, kèm cặp các con tận tình suốt từ năm cuối cấp 1 bây giờ đã gần hết cấp 2. Cô đã nghỉ hưu nhưng lại rất có tiếng dạy giỏi, phương pháp hay, tình cảm với học trò. Lớp của cô chỉ 5 -6 bạn để đảm bảo chất lượng. Ngoài dạy học, cô trò còn rất gắn bó. Những hôm mưa gió, bố mẹ lỡ việc thì con ở lại ăn cơm với cô, có quà bánh gì ngon cô cũng phần mấy học trò. Cuối tuần cô giáo cùng con gái và đám trẻ còn dã ngoại, bày đủ thứ ra vừa làm vừa học”, chị nói.
Chị Dương cho biết, rất nhiều nhà đã gửi 2 con học ở cô từ cả chục năm nay. Hai đứa nhà chị đều theo học tại nhà cô. Đứa lớn giờ đã đi du học, còn thằng bé giờ cũng đã nhờ cô kèm thêm được hơn 2 năm.
Vì thế, để cảm ơn cô đã tận tình chỉ dạy cho các con, giúp các con học tốt môn tiếng Anh, chị đã rủ 5 vị phụ huynh trong nhóm (nhóm học có 6 em) góp tiền mua tặng một chiếc máy rửa bát. Chị nghĩ, cô đã về hưu mấy năm nay, bây giờ cũng có tuổi lại sắp vào mùa đông nếu có chiếc máy rửa bát cô sẽ bớt vất vả và có thêm thời gian để nghiên cứu bài vở, giúp các con ôn luyện hiệu quả hơn.
“Thực ra, nhiều người cứ nghĩ mua những món đồ điện tử, đồ gia dụng thì giá trị lớn, vượt quá khả năng kinh tế của mình. Nhưng nếu phụ huynh góp tiền mua chung thì cũng không quá khó, trong khi mình lại chọn được món quà ý nghĩa mà thiết thực”, chị Dương chia sẻ.
Tương tự, thay vì mua các món quà truyền thống, 20/11 năm nay, anh Nguyễn Quốc Huy ở Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) quyết định rủ phụ huynh ở lớp con mình (anh Huy có hai cháu) góp tiền mua tặng thầy cô mỗi người một con robot quét nhà tự động.
“Tôi nghĩ rồi, thầy cô giáo cũng như mình, đi làm cả ngày vất vả, tối về lại làm đủ các công việc nhà nữa nên chắc chắn đôi lúc sẽ cảm thấy mệt mỏi, stress. Khi ấy, chỉ cần ước có người giúp mình lau nhà hay rửa bát thôi là vui lắm rồi”.
Suy nghĩ vậy, anh quyết định rủ thêm một số vị phụ huynh cùng lớp con mà anh biết để góp tiền mua robot quét nhà tự động tặng thầy. Bởi theo anh biết, thầy và cô chủ nhiệm các con đều ở nhà chung cư. Khi đó, chỉ cần ấn nút mở nguồn là robot chạy khắp nhà hút bụi mà không cần động chân động tay gì cả.
Giá của con robot quét nhà anh mua giá 3,5 triệu đồng, trong nhóm có 10 phụ huynh. Nên với 10 phụ huynh số tiền góp không hề lớn, ngoài món quà độc đáo còn có bữa liên hoan ngọt cả phụ huynh - cô - trò sôi nổi thân tình.
Theo anh Huy, quà tặng đôi khi chỉ là hình thức, quan trọng nhất là tình cảm và sự trân trọng dành cho các thầy cô giáo, cũng như những nỗ lực của cha mẹ học sinh trong việc phối hợp với nhà trường dạy dỗ các con nên người. Bên cạnh đó, một món quả thiết thực và ý nghĩa đi liền với tấm lòng gắn bó và tri ân luôn là điều được chính các phụ huynh mong muốn.