Nguyên nhân các cây baobab trong độ tuổi từ 1.100 đến 2.500 đột nhiên bị chết được cho là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho biết 9 trong số 13 cá thể cây lớn tuổi nhất đã chết, hoặc ít nhất những phần già nhất trên “cơ thể” chúng đã không còn sức sống trong vòng 12 năm trở lại đây. Sự việc được ghi lại trong bài báo khoa học đăng trên Nature Plants, miêu tả một sự kiện với “cường độ chưa từng có”.
|
Một cây baobab ở Nam Phi. (Ảnh: Alamy) |
Đồng tác giả nghiên cứu, Adrian Patrut tại đại học Babes-Bolyai, Romania cho biết việc quá nhiều cây với độ tuổi ngàn năm bị chết chỉ trong một thập kỷ là một sự kiện gây sốc. Bốn trong số chín cây nằm trong số những cây baobab lớn nhất châu Phi.
Dù nguyên nhân gây chết của những cây này chưa được làm rõ, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng chúng có liên quan đến điều kiện khí hậu đang ảnh hưởng xấu ở khu vực Nam Phi.
Để dễ bề so sánh, những cây baobap bình thường là loại cây có hoa lớn nhất và có thời gian sống lâu nhất, với những cây điển hình có thể sống đến 3.000 năm tuổi. Loài cây này tạo nên cảnh vật độc đáo đặc trưng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên Châu Phi, thường được tìm thấy ở các khu vực savan.
Loài cây này được coi là một nguồn trữ nước khổng lồ, cho ra quả có thể làm thức ăn cho người và động vật. Lá cây có thể nấu lên ăn giống như rau chân vịt hoặc sử dụng để làm một số loại thuốc truyền thống, trong khi đó vỏ cây được dùng để bện thành dây, rổ, vải và mũ chống nước.
Hơn nữa cây baobab thường có tuổi thọ rất cao và sống được trong môi trường khắc nghiệt. “Chúng có thể bị đốt, bị lột vỏ, nhưng chúng vẫn sẽ tự hình thành lớp vỏ mới và tiếp tục phát triển” – nghiên cứu cho biết. “Khi chúng chết thực sự, đơn giản là chúng bị mục từ bên trong hoặc có những sự tác động quá đột ngột”.
Trong số 10 cây được các nhà khoa học liệt kê nghiên cứu, 4 cây chết hoàn toàn, trong khi đó những cây khác bị chết một phần. Cây lớn nhất trong số đó ước tính đã sống được 2.500 tuổi, cao 30,2 m và có chu vi 35,1 m.