Việt Nam rung lắc sau động đất Myanmar, chuyên gia cảnh báo an toàn

Google News

Trưa ngày 28/3, vào lúc 12 giờ 27 phút 57 giây (giờ Hà Nội), một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter đã xảy ra tại miền Trung Myanmar gây rung lắc tại nhiều khu vực ở Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM.

>>> Mời độc giả xem video: Dư chấn động đất Myanmar khiến nhiều tòa nhà ở TP HCM rung lắc
00:0000:0000:00
00:00

Nguồn: Tri thức và Cuộc sống

Việt Nam rung lắc từ trận động đất 7,3 độ Richter ở Myanmar
Một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter đã xảy ra tại miền Trung Myanmar, với độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km đã xảy ra vào trưa ngày 28/3, vào lúc 12 giờ 27 phút 57 giây (giờ Hà Nội). Trận động đất đã làm nhiều khu vực tại Việt Nam cảm nhận được rung lắc.
Viet Nam rung lac sau dong dat Myanmar, chuyen gia canh bao an toan
 Đèn trần chao nghiêng tại một tòa nhà tại quận 1, TPHCM trưa 28/3 từ ảnh hưởng trận động đất ở Myanmar. Nguồn: Nh.nh.489.

Tại Hà Nội, nhiều người dân sống và làm việc trong các tòa nhà cao tầng ở các quận như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm cho biết họ cảm nhận rõ sự rung lắc trong khoảng 3-5 phút. Tại TP.HCM, cư dân tại các chung cư như Akari (quận Bình Tân), Goldview (quận 4) và Saigon South Residences (Nhà Bè) cũng ghi nhận tình trạng rung lắc tương tự.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, cho biết trận động đất tại Myanmar có cường độ rất mạnh, nên dù ở vị trí xa tâm chấn như Hà Nội và TP.HCM, người dân vẫn có thể cảm nhận được rung lắc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cấp độ rủi ro thiên tai đối với Việt Nam hiện tại vẫn là cấp 0, tức là không đáng kể.
Hiện tại, Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của trận động đất này và sẽ kịp thời thông báo đến người dân.
Chuyên gia chỉ cách ứng phó khi có động đất
Ông Xuân Anh khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; chủ động gia cố nhà cửa và tự trang bị kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh và thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất để người dân nắm bắt kịp thời.
Viet Nam rung lac sau dong dat Myanmar, chuyen gia canh bao an toan-Hinh-2
 Tại Hà Nội trưa 28/3, nhiều người cũng cảm nhận được sự rung lắc. Ảnh: Mai Nguyễn.
Động đất có thể xảy ra bất ngờ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu biết cách ứng phó, người dân có thể giảm thiểu rủi ro đáng kể. Ông Xuân Anh khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; chủ động gia cố nhà cửa và tự trang bị kiến thức về phòng, chống động đất
Theo Viện Vật lý Địa cầu, khi xảy ra động đất, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và thực hiện các biện pháp an toàn phù hợp với tình huống thực tế.
Ở trong nhà: Núp an toàn, tránh vật rơi
Nếu động đất xảy ra khi bạn đang ở trong nhà, điều đầu tiên cần làm là tìm nơi trú ẩn an toàn. Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo nên núp dưới bàn, gầm giường chắc chắn hoặc đứng sát vào các góc tường để tránh bị thương do vật dụng rơi trúng. Tuyệt đối tránh xa cửa kính, gương lớn, tủ sách, tủ chén và những đồ vật dễ đổ ngã. Để bảo vệ đầu và cổ, bạn có thể dùng tay, gối hoặc vật mềm che chắn.
Một lưu ý quan trọng là không sử dụng thang máy trong hoặc ngay sau động đất, vì hệ thống điện có thể bị gián đoạn, khiến bạn mắc kẹt. Nếu cảm thấy tòa nhà có dấu hiệu sập đổ, cần nhanh chóng tìm lối thoát hiểm và rời đi khi có thể.
Ở ngoài trời: Tránh xa công trình nguy hiểm
Nếu bạn đang ở ngoài trời khi động đất xảy ra, hãy tìm đến khu vực trống trải ngay lập tức. Tránh xa cây cối, cột điện, tòa nhà cao tầng và bất kỳ công trình nào có thể sụp đổ. Nếu đang ở khu vực đồi núi hoặc sườn dốc, hãy đề phòng nguy cơ lở đất hoặc đá rơi.
Trong trường hợp bạn đang ở gần biển, hãy chú ý đến nguy cơ sóng thần sau động đất. Khi có cảnh báo, cần lập tức di chuyển đến khu vực cao hơn và cách xa bờ biển.
Đang lái xe: Dừng xe đúng cách
Nếu động đất xảy ra khi bạn đang lái xe, hãy giữ bình tĩnh và giảm tốc độ từ từ. Tìm nơi an toàn để dừng xe, tránh xa cầu, đường hầm, dây điện và không đỗ dưới các tòa nhà hoặc cây cối. Sau khi dừng xe, hãy ở yên trong xe cho đến khi rung lắc kết thúc và chắc chắn rằng không có nguy cơ sạt lở hay vật thể rơi xuống.
Sau động đất: Kiểm tra an toàn và chuẩn bị cho dư chấn
Khi trận động đất kết thúc, Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo người dân kiểm tra thương tích của bản thân và những người xung quanh, đồng thời sơ cứu nếu cần thiết. Kiểm tra nhà cửa xem có dấu hiệu hư hỏng, rò rỉ gas hoặc chập điện không. Nếu phát hiện nguy cơ cháy nổ, hãy lập tức tắt nguồn điện và gas, sau đó rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Cần đặc biệt lưu ý rằng các dư chấn có thể tiếp tục xảy ra sau trận động đất chính. Vì vậy, hãy luôn chuẩn bị tinh thần và tránh quay lại những khu vực có nguy cơ sập đổ. Đồng thời, theo dõi thông tin từ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để cập nhật tình hình và nhận hướng dẫn cụ thể.
Viện Vật lý Địa cầu nhấn mạnh rằng, việc chuẩn bị trước khi động đất xảy ra có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình. Một số biện pháp cần thực hiện bao gồm gia cố nhà cửa, chuẩn bị sẵn túi cứu hộ (gồm nước uống, thực phẩm khô, đèn pin, pin dự phòng, bộ sơ cứu y tế, giấy tờ quan trọng) và xây dựng kế hoạch thoát hiểm rõ ràng.
Việc trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó không chỉ giúp giảm thiểu thương vong mà còn góp phần tăng cường sự chủ động trong cộng đồng khi thiên tai xảy ra.
Mai Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)