TS Hoàng Anh Đức: Khát vọng kết nối tri thức Việt với thế giới

Google News

TS Hoàng Anh Đức chia sẻ, việc anh được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu mở ra một chặng đường mới với cơ hội quý để kết nối, lan tỏa tri thức với cộng đồng khoa học trẻ toàn cầu.

Ngày 31/3/2025, Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) chính thức công bố danh sách 45 thành viên mới cho nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó, Tiến sĩ Hoàng Anh Đức, nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam và Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-Line, đã trở thành người Việt Nam thứ năm được vinh dự gia nhập tổ chức khoa học uy tín này. Chia sẻ về cảm xúc của mình, Tiến sĩ Đức bày tỏ: "Tôi cảm thấy vô cùng may mắn và vinh dự khi được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu. Đây không chỉ là một thành tựu cá nhân, mà còn mở ra một chặng đường học hỏi mới, cơ hội quý giá để kết nối và lan tỏa tri thức với cộng đồng khoa học trẻ toàn cầu" .
TS Hoang Anh Duc: Khat vong ket noi tri thuc Viet voi the gioi
 Tiến sĩ Hoàng Anh Đức, nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam và Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-Line được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA).
Thúc đẩy khoa học mở và chương trình cố vấn đa tầng
Trong nhiệm kỳ 5 năm tại GYA, Tiến sĩ Hoàng Anh Đức đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học và giáo dục. Một trong những định hướng chính của anh là phát triển nhóm làm việc về Khoa học mở (Open Science).
"Thời đại của những nhà khoa học đơn độc làm việc trong phòng thí nghiệm khép kín đã dần qua đi. Khoa học hiện đại đòi hỏi tính mở đa chiều, từ việc chia sẻ dữ liệu, phương pháp nghiên cứu, cho đến kết quả nghiên cứu một cách minh bạch và dễ tiếp cận", TS Đức nhấn mạnh.
Tiến sĩ Đức cho rằng, việc thúc đẩy khoa học mở sẽ tạo ra một môi trường nghiên cứu năng động, nơi tri thức được lan tỏa rộng rãi và nhanh chóng hơn, đồng thời khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo. Anh tin Việt Nam có tiềm năng trở thành một điểm sáng trong phong trào khoa học mở tại khu vực Đông Nam Á, và các nhà khoa học trẻ chính là những người tiên phong cho sự chuyển đổi này. Tiuy nhiên, việc thúc đẩy khoa học mở không chỉ là trách nhiệm của các nhà khoa học, mà còn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các tổ chức tài trợ và cộng đồng.
Tiến sĩ Đức cho hay, anh cũng sẽ chú trọng đến việc xây dựng các chương trình cố vấn đa tầng, hỗ trợ nhiều đối tượng học viên trẻ từ học sinh trung học, sinh viên đại học đến nghiên cứu sinh sau đại học và các nghiên cứu viên trẻ. Anh cho rằng việc này sẽ giúp họ tiếp cận với các xu hướng nghiên cứu hiện đại và phát triển sự nghiệp khoa học của mình.
"Tôi tin rằng, thông qua những cách tiếp cận này, chúng ta có thể nuôi dưỡng thế hệ nhà khoa học Việt Nam có khả năng hợp tác, sáng tạo và giải quyết vấn đề đa chiều, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và nhân loại", anh chia sẻ.
Cùng với đó, tiến sĩ Đức dự định thúc đẩy các nghiên cứu đối sánh về chính sách và thực hành giáo dục giữa các quốc gia, đặc biệt là việc phát triển đội ngũ giáo viên và thiết kế chương trình giảng dạy. Anh cũng quan tâm đến việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu liên ngành cho thế hệ sinh viên và nghiên cứu viên trẻ, bắt đầu với phương pháp học tập dựa trên dự án, khuyến khích sinh viên vượt ra khỏi ranh giới ngành học để tìm giải pháp toàn diện.
"Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, không thể có một ngành khoa học nào đứng lẻ loi một mình. Ngày một rõ ràng, chúng ta càng thấy tầm quan trọng của các nghiên cứu liên ngành và sự công nhận đối với khoa học xã hội trong giải quyết các thách thức toàn cầu", anh nhận định.
Muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp cho những đứa trẻ trưởng thành
Tiến sĩ Hoàng Anh Đức từng là sinh viên của Đại học FPT, nơi anh đã đặt nền móng cho niềm đam mê nghiên cứu và giáo dục của mình . Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học thuật và giảng dạy, trở thành nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam. Đồng thời, trên cương vị Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-Line, anh đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam.
Chia sẻ về lý do khởi xướng và phát triển các dự án giáo dục, TS Hoàng Anh Đức tâm sự: “Vào năm 2018, khi gia đình tôi đón con gái đầu lòng, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về quá khứ và tương lai. Câu hỏi lớn nhất mà tôi tự hỏi là: 'Thế giới tương lai sẽ được chuẩn bị như thế nào cho con cái chúng ta?'”
Đối với anh, câu trả lời không phải là làm thế nào để con gái mình có thể vào học ở một ngôi trường danh giá nhất, mà là phải xây dựng một xã hội tốt đẹp để con và những đứa trẻ cùng trang lứa có thể trưởng thành trong một môi trường lành mạnh và đầy đủ.
Chính suy nghĩ này đã truyền cảm hứng cho anh bắt tay vào làm các dự án giáo dục, với mục tiêu hỗ trợ giáo viên từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, những người đóng vai trò then chốt trong việc định hình các thế hệ tương lai của đất nước.
Với hơn 25 công trình khoa học về lãnh đạo giáo dục, phát triển chương trình giảng dạy và nâng cao năng lực giáo viên, được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, Tiến sĩ Đức không chỉ đóng góp về mặt lý thuyết mà còn có ứng dụng thực tiễn, giúp cải thiện chất lượng giáo dục trong nước và khu vực. Những thành tựu này cũng đã khẳng định vị trí của anh trong cộng đồng khoa học và giáo dục.
Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu được thành lập vào năm 2010, quy tụ những nhà khoa học dưới 40 tuổi có thành tích xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới. Mục tiêu của GYA là tạo ra một tiếng nói chung của các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy chính sách phát triển bền vững toàn cầu. Trong nhiệm kỳ 5 năm, các thành viên sẽ tham gia phát triển chính sách khoa học quốc tế, thúc đẩy phát triển học viên trẻ tại các quốc gia, và hỗ trợ giáo dục khoa học ở cấp quốc tế về nhiều chủ đề khác nhau.
Việc được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Tiến sĩ Đức. TS Đức hy vọng rằng, thông qua vai trò này, anh có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của khoa học và giáo dục, đồng thời tạo ra những tác động tích cực đến xã hội.
Mai Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)