Tại Trung Hoa vào thời phong kiến, để đảm bảo cho sự tập trung và tính vững chắc của hoàng quyền, đại đa số các Hoàng đế thời bấy giờ đều lựa chọn con trai trưởng làm người thừa kế.
Cũng bởi sự tồn tại của chế độ lập trưởng không lập thứ, nội bộ hoàng tộc có thể bớt đi sự lục đục từ việc tranh ngôi của các Hoàng tử và sự chia bè kết phái đến từ các đại thần.
Thế nhưng quá trình chọn người kế nhiệm của các Hoàng đế nhà Thanh lại không giống như vậy.
Theo đó, họ không nhất định phải chọn con trưởng hay hoàng tử do Hoàng hậu sinh ra làm người kế vị.
Ngược lại, con của những phi tần bình thường cũng có khả năng được trở thành Hoàng đế. Và khi được chọn làm người kế nhiệm, mẹ ruột của họ sẽ được phong làm Hoàng hậu, từ đó họ liền danh chính ngôn thuận trở thành con trưởng.
Sự thay đổi về mặt quy củ này cũng trở thành nguồn cơn của không ít biến động trong nội bộ hoàng tộc nhà Thanh. Và cuộc chiến tranh ngôi đẫm máu mang tên "cửu tử đoạt đích" xảy ra vào thời Khang Hi chính là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Thế nhưng ít ai biết rằng, ngay trong thời kỳ nảy sinh cuộc nội chiến tranh ngôi khốc liệt ấy, có một vị Hoàng tử đã trở thành ngoại lệ may mắn hiếm hoi của Thanh triều.
Nhân vật này chẳng những không bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động chính trị mà còn nhận được sự trọng dụng cũng như sủng ái hiếm có của 3 đời Hoàng đế nhà Thanh.
Và người được xem như vị Hoàng tử may mắn nhất trong lịch sử Thanh triều ấy là Ái Tân Giác La Dận Bí – con trai thứ 24 của Khang Hi Đế.
Thân thế của vị Hoàng tử được cả Khang Hi lẫn Ung Chính đồng lòng che chở
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ái Tân Giác La Dận Bí (1716 – 1774) là vị Hoàng tử thứ 24 và đồng thời cũng là người nhỏ tuổi nhất trong số những người con trai sống đến tuổi trưởng thành của Hoàng đế Khang Hi.
Sinh thời, Khang Hi là một trong những vị vua có thời gian tại vị dài nhất trong lịch sử Trung Hoa. Vào năm vị Hoàng đế này bước sang tuổi 63, Mục tần Trần thị của ông đã bất ngờ mang thai và sinh hạ Hoàng tử Dận Bí.
Cổ nhân đều tin rằng, trong hoàng tộc thời phong kiến, người nhận được sự sủng ái hơn cả thường sẽ là con trai trưởng của nhà vua.
Thế nhưng sự thực là Khang Hi lại dành nhiều tình cảm và sủng ái Hoàng tử nhỏ tuổi là Dận Bí hơn nhiều so với những người con trai khác.
Sinh ra vào năm 1716, khoảng thời gian mà Dận Bí ra đời cũng là lúc cuộc chiến tranh ngôi của các Hoàng tử khác đang bước vào giai đoạn khốc liệt.
Thế nhưng lúc bấy giờ, ông vẫn chỉ là một đứa bé chưa hiểu sự đời, căn bản không tạo thành sự uy hiếp đối với bất kỳ ai. Hơn nữa, Khang Hi cũng không có ý định cân nhắc Dận Bí vào vị trí người kế thừa ngai vị.
Vì vậy mà vị Hoàng tử này dường như không có dây dưa tới bất kỳ mâu thuẫn chính trị nào trong giai đoạn bấy giờ.
Không tham gia vào những tranh chấp ngai vị, không cần khổ ải học hành vì theo đuổi tham vọng, Ái Tân Giác La Dận Bí được xem là có tuổi thơ vô cùng vui vẻ dưới sự sủng ái và che chở của vua cha Khang Hi.
Dận Bí là vị Hoàng tử hiếm hoi nhận được sự sủng ái của cả 3 đời vua nhà Thanh là Khang Hi, Ung Chính và Càn Long.
Tới năm Dận Bí 7 tuổi, Tứ Hoàng tử Dận Chân thành công kế thừa ngai vị và trở thành Ung Chính đế.
Lúc bấy giờ, những Hoàng tử bại trận hoặc có khả năng uy hiếp tới hoàng quyền của tân đế đều phải chịu kết cục vô cùng thê thảm, duy chỉ có một vài người em trai là thoát được vòng xoáy thanh trừng tàn khốc này. Và Dận Bí cũng may mắn nằm trong số đó.
Đối với người em nhỏ tuổi như Dận Bí, Ung Chính luôn xem ông như con ruột mà đối đãi. Bởi lẽ trên danh nghĩa, vị Hoàng tử này dù là em trai của nhà vua nhưng thực chất lại kém Ung Chính tới gần… 40 tuổi.
Năm 17 tuổi, Dận Bí được phong làm Hòa Thạc Hàm Khác Thân vương. Nhờ có sự chiếu cố của anh ruột, vị Thân vương may mắn này đã có những năm tháng tuổi trẻ thảnh thơi không chút u sầu, lo lắng.
Cuộc đời vinh sủng của vị Thân vương may mắn được 3 đời vua nhà Thanh trọng dụng
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Thế nhưng thời gian tại vị của Ung Chính cũng chỉ có vẻn vẹn 13 năm ngắn ngủi. Sau khi ông qua đời, Tứ a ca Hoằng Lịch đã trở thành người nối ngôi, tức Càn Long đế sau này.
Điều đáng nói lại nằm ở chỗ, dù là cháu ruột của Dận Bí, thế nhưng Càn Long thậm chí còn lớn hơn vị Thân vương này tới 5 tuổi.
Sau khi kế vị, Càn Long đế vẫn rất mực chăm lo cho Dận Bí, đặc biệt là trên phương diện học hành.
Ông đã sắp xếp 2 Đại học sĩ nổi tiếng thời bấy giờ làm thầy dạy cho hoàng thúc của mình, đồng thời cũng thường xuyên đốc thúc việc tu dưỡng của Dận Bí.
Có lẽ bản thân vị Thân vương ấy hay các tiên đế như Khang Hi, Ung Chính cũng chẳng thể ngờ rằng, sự nghiệp học hành của Dận Bí lại do một tay cháu trai mình quản lý.
Không chỉ nghiêm khắc trong quá trình giáo dục Thân vương, Càn Long còn tỏ ra vô cùng coi trọng Dận Bí khi giao cho ông đảm nhiệm chức Đô thống Mông Cổ Tương Bạch Kỳ. Chức vị này sở hữu quyền lực rất lớn, trong tay có binh quyền, đãi ngộ cũng rất mực hậu hĩnh.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Thế nhưng sự thực là Càn Long cũng không hề trọng dụng hoàng thúc của mình một cách vô điều kiện. Mỗi khi Dận Bí phạm sai lầm, nhà vua cũng sẽ nghiêm khắc nhắc nhở.
Tương truyền rằng có lần Dận Bí dùng ngự thiện chung bàn với Càn Long, thế nhưng khi nhà vua chưa ăn xong, Thân vương đã buông đũa trước.
Trong gia đình thường dân, đây được xem là một hành động rất đỗi bình thường. Tuy nhiên đối với quy củ của hoàng tộc, đó lại là một việc làm đại bất kính với nhà vua.
Bấy giờ, Càn Long ngay lập tức nhắc nhở, trách mắng Dận Bí, nhưng cũng không nhẫn tâm trừng phạt vị hoàng thúc trẻ tuổi này.
Cứ như vậy, cuộc đời của Dận Bí tiếp tục trải qua những tháng ngày sóng yên biển lặng. Ông không tham dự vào bất kỳ cuộc tranh đấu quyền lực nào, cũng chưa bao giờ khao khát thứ không thuộc về mình.
Cuối cùng, Dận Bí qua đời ở tuổi 58 sau khi đã trải qua 3 đời Hoàng đế với sự vinh sủng mà ít ai có được.
Và cho tới ngày nay, cuộc đời tưởng như bình lặng nhưng lại may mắn tới ngoạn mục của vị Hoàng tử hưởng phúc nhất Thanh triều ấy cho tới ngày nay vẫn được hậu thế truyền tai nhau trong những lúc trà dư tửu hậu.