Bảo tàng Nhà nước về Tiền sử ở Halle (Đức) đã công bố những phân tích cụ thể hơn về khu mộ cổ với ngôi mộ trung tâm được cho là của một vị lãnh chúa hay hoàng tử thời tiền sử được phát hiện trong quá trình xây một trại gà ở Sachsen-Anhalt, gần Brücken-Hackpfüffel.
Khu mộ cổ được khai quật trong mùa hè vừa qua và theo công bố sơ lược hồi cuối tháng 9, ngôi mộ trung tâm đã được mô tả là một chiếc vạc bí ẩn với 6 người nghi ngờ là phụ nữ nằm xếp thành vòng tròn xung quanh. Đồ tùy táng là rất nhiều trang sức bằng vàng, bạc, thủy tinh và gốm sứ nhập khẩu. Đáng giá nhất là những chiếc chén thủy tinh ngàn năm vẫn lóng lánh như pha lê của làng nghề thủy tinh huyền thoại Gallo-La Mã dọc theo sông Rhine, mà chỉ riêng công nhập về đã vô cùng đắt đỏ.
Các món đồ bằng vàng được khai quật từ mộ cổ - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Do có một số dấu vết hài cốt được tìm thấy xung quanh, cuộc tìm kiếm tiếp tục mở rộng và tiếp tục gây sốc. Tổng cộng có khoảng 80 ngôi mộ cổ khác được chôn xung quanh ngôi mộ trung tâm, sắp xếp thành hàng lối rõ ràng. Tất cả các ngôi mộ đều cực kỳ xa hoa: nam giới được chôn cùng vũ khí chế tác tinh tế và đắt giá, các vị phu nhân thì yên nghỉ khi trên mình đeo đầy trang sức bằng vàng, bạc, thủy tinh và đá quý.
Theo các nhà khoa học, khu mộ có niên đại khoảng 1.500 năm tuổi là một phần của Vương quốc Thuringian, tồn tại khoảng 80 năm trước khi người Frank chinh phục họ vào năm 531 sau Công Nguyên. Từng có những ngôi mộ thuộc về vương quốc này được tìm thấy, trong đó rất nhiều ngôi mộ xa hoa.
Hiện trường khai quật - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Trong lần công bố trước, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh vị hoàng tử hay lãnh chúa, chủ nhân của ngôi mộ trung tâm và của cả những người được chôn cất xung quanh, vẫn chưa được tìm thấy. Lần này, một nghi vấn khác được đặt ra: hài cốt của ông có thể được hỏa táng và được bỏ trong chiếc vạc có các "phu nhân" vây quanh.
Cũng có những nhà khoa học phản đối giả thuyết về hoàng tử và những người vợ. Trong trao đổi riêng với Live Science, tiến sĩ Arnold Muhl, chuyên gia về Di cư và Đầu thời Trung cổ tại Bảo tàng Tiền sử Nhà nước (Đức) cho biết chưa có bằng chứng cụ thể nào khẳng định đích xác giới tính của 6 người quanh vạc hay làm rõ họ có bị ép tuẫn táng hay không. Chỉ có thể nói đó là một giả thuyết, nhất là khi hài cốt của người được cho là hoàng tử hay lãnh chúa chưa thực sự được xác định. Giả thuyết hỏa táng không đứng vững lắm vì người của vương quốc này không chuộng kiểu an táng đó.
"Nhưng ngay cả khi không tồn tại một "hậu cung tuẫn táng", đó vẫn là một khám phá tuyệt với" – nhà khảo cổ Arnol Muh nhấn mạnh.
Các nhà khảo cổ vẫn đang tìm kiếm sự thật thông qua các phân tích, xét nghiệm. Họ dự định xét nghiệm DNA và đồng vị strontium trong răng các hài cốt, thứ có thể xác định nơi họ sinh ra và lớn lên.