Mùa xuân năm 228, Gia Cát Lượng thống lĩnh 10 vạn đại quân xuất phát từ Hán Trung đi về hướng Bắc để chinh phạt Ngụy lần thứ nhất. Gia Cát Lượng quyết định xuất quân ở Kỳ Sơn, trần đầu đánh chiếm Lũng Hữu, trận tiếp theo sẽ đánh chiếm Quan Trung, đánh chắc, thắng chắc. Ông loan tin rằng đại quân của Thục sắp sửa theo đường hẻm Tà Cốc đánh vào My Thành, đồng thời cử Triệu Vân, Đặng Chi đem một bộ phận binh lục đi chiếm Kỳ Cốc và làm ra vẻ như muốn đi theo đường Tà Cốc để tiến lên phía Bắc, nhằm thu hút sự chú ý của quân Tào, trong khi đó Gia Cát Lượng tự mình dẫn quân chủ lực tiến phát theo đường Kỳ Sơn về hướng Tây Bắc.
Với khí thế đang lên, quân Thục nhanh chóng phá được nhiều điểm kháng cự của quân Tào Ngụy và tiến ra Thiên Thủy. Quân Thục đã đánh bại nhiều viên tướng của Ngụy như Tào Chân, Tào Thuần. Họ còn có ý định liên kết với hàng tướng của Ngụy là Mạnh Đạt cùng nhau hội ứng tấn công. Về phía quân Tào, họ không thể ngờ rằng Thục Hán nhỏ bé lại có thể dám đánh Ngụy nên ở phía Lũng Hữu không hề bố trí quân đội phòng ngự. Quân Thục xuất quân từ Kỳ Sơn, thế như chẻ tre, nhanh chóng chiếm được ba quận thuộc đất Lũng Hữu là Thiên Thủy, Nam An, An Định, dụ hàng được danh tướng Ngụy là Khương Duy gây xôn xao cả miền Quan Trung.
Cùng thời điểm, Mã Tốc đã bày kế ly gián để Ngụy Đế Tào Duệ cách chức Đại Đô đốc của Tư Mã Ý khiến quân Ngụy thua hết trận này đến trận khác. Trước tình hình nguy ngập, triều đình Tào Ngụy buộc phải tái sử dụng Tư Mã Ý, phong làm Đô đốc để dẫn quân chống lại Thục. Tư Mã Ý đã có bước đi mạnh mẽ trong việc dẹp Mạnh Đạt. Tào Duệ đã cử Tư Mã Ý đem quân đóng ở Uyển Thành, phong Tư Mã Ý làm Phiêu kỵ tướng quân, chủ quản công việc quân sự ở Kinh Châu và Dự Châu.
Năm 220, khi Mạnh Đạt đầu hàng Ngụy và được Tào Phi tin cậy giao chức quản lý Tân Thành. Tư Mã Ý không tin ông ta và can gián Tào Phi đừng trọng dụng Đạt, nhưng ý kiến không được nghe. Năm 227, Mạnh Đạt bắt đầu các cuộc thương lượng với Ngô và Thục, hứa hẹn sẽ quay sang chống Ngụy khi có cơ hội và Gia Cát Lượng sẽ sử dụng Mạnh Đạt cố gắng kiềm chế binh lực quân Ngụy từ hai biên sườn, phối hợp với kế hoạch đem quân Thục ra Kỳ Sơn đánh chiếm vùng Thượng Dung.
Tư Mã Ý dùng kế, khiến Mạnh Đạt tin rằng minh không còn nguy hiểm gì nữa, và không gấp rút chuẩn bị. Ông tin rằng Tư Mã Ý, đang phải trấn giữ vùng biên giới giữa Ngụy và Thục, phải mất hàng tháng để về gặp Tào Phi xin quân rồi mới tới Tân Thành được. Tuy nhiên, Tư Mã Ý ngay lập tức lên đường tới Tân Thành trong 8 ngày, nhanh chóng đánh bại Mạnh Đạt còn chưa kịp chuẩn bị, và giết ông ta.
Ngụy Minh Đế Tào Duệ lập tức sai tướng Tào Chân đem quân chi viện cho My Thành, nhằm ngăn chặn Triệu Vân, ông ta sai Trương Hợp mang quân ra địch, Trương Hợp dẫn 50.000 kỵ binh và bộ binh tiến nhanh đến Nhai Đình, vòng đường sau đánh tập hậu vào quân Thục, hòng chiếm lại Lũng Hữu. Tào Duệ cũng tự mình đến Trường An để chỉ huy tác chiến. Theo ý kiến của Tư Mã Ý là tập kích vào Nhai Đình, chẹn con đường huyết mạch của quân Thục.
Khi quân Thục tiến đánh Trung Nguyên, vấn đề lương thảo có ý nghĩa then chốt, hầu hết lương thực được vận chuyển từ Tây Xuyên qua Hán Trung để vào Trung Nguyên. Một trong những trọng điểm trên con đường huyết mạch này là Nhai Đình. Nhai Đình nằm ở khoảng giữa sông Vị và núi Mạch Tích (nay là đông bắc huyện Thiên Thủy, Cam Túc), là con đường huyết mạch để đi từ Thiểm Tây và Lũng Hữu.
Lúc này Gia Cát Lượng có ý đánh chiếm hai quận Quảng Ngụy và Lũng Tây nhằm chiếm trọng cả vùng Lũng Hữu, bỗng nghe tin đại quân của Trương Hợp đang đánh vòng từ hướng Tây. Nhằm bảo đảm an toàn hai bên sườn, để phát triển cuộc tấn công, Gia Cát Lượng lập tức hạ lệnh cho tiên phong Mã Tốc đem tiền quân đánh gấp lấy Nhai Đình. Trước đó để đối địch với danh tướng Trương Hợp, mọi người đều cho rằng nên dùng mãnh tướng Ngụy Diên hoặc Ngô Ban đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng Gia Cát Lượng lại chọn Mã Tốc làm tiên phong. Ông được lệnh cùng Vương Bình cầm quân khẩn cấp ra trấn thủ Nhai Đình.
Trước khi đi, Gia Cát Lượng năm lần bảy lượt dặn dò Mã Tốc phải đóng quân giữa đường và giữ lấy nguồn nước như thế mới cố thủ được. Tuy vậy Mã Tốc là con người chỉ biết bày binh bố trận trên sa bàn, Lưu Bị khi còn sống cũng lưu ý đến chuyện này nhưng Gia Cát lại không lưu tâm, nhất là khi Mã Tốc đưa ra kiến nghị đúng đắn trong cuộc Nam tiến vì vậy Gia Cát Lượng lại tin tưởng Mã Tốc hơn. Vì vậy trong cuộc chinh phạt lần này, Gia Cát Lượng giao trọng trách tướng tiên phong cho Mã Tốc.
Không ngờ Mã Tốc tự cho mình là thông minh, vi phạm phướng án bố trí của Gia Cát Lượng. Đến Nhai Đình, Mã Tốc làm ngược lại với phương án chỉ huy của Gia Cát Lượng. Mã Tốc không đóng quân ở nơi đường cái, gần sông là chỗ có nước cho quân dùng, mang 2 vạn quân trấn giữ trên núi với phương án "Trên núi đánh xuống, thế như chẻ tre". Vương Bình nhiều lần phản đối, nhưng Mã Tốc không nghe. Cuối cùng, Vương Bình đành xin Mã Tốc cho 5000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi. Trương Cáp theo sự chỉ đạo của Tư Mã Ý đã mang quân vây trại của Mã Tốc trên núi, rồi cắt đứt đường nước. Quân Thục thiếu nước, hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan Mã Tốc. Cánh quân Mã Tốc bỏ chạy tán loạn. Nhai Đình thất thủ. Đại quân Thục không thể tiến nữa, buộc phải lui về Hán Trung.
Thất bại ở Nhai Đình khiến cho quân Thục mất quyền chủ động và Gia Cát Lượng buộc phải lui binh, rút quân về Thục. Cụ thể là khi Nhai Đình bị thất thủ, làm cho Gia Cát Lượng bị mất bàn đạp tấn công, lỡ mất cơ hội đánh chiếm Lũng Hữu. Còn ở Kỳ Cốc, do phòng bị sơ hở, quân Thục đã bị quân Tào đánh lui may nhờ tình hình Triệu Vân ngăn chặn phía sau nên tổn thất không lớn. Xét tình hình thực tế, Gia Cát Lượng cho rằng quân Thục không thể tiếp tục giao chiến được nữa, ông quyết định thu quân trở về Hán Trung. Sau đó Gia Cát Lượng đã ra lệnh chém Mã Tốc và tâu với hậu chủ tự mình xin giáng chức...