Jack - Nhóm điệp báo huyền thoại của Liên Xô trong Thế chiến 2

Google News

Đêm 27/7/1944, dưới màn đêm bao trùm, một nhóm trinh sát đặc biệt do Đại úy Pavel Krylatikh chỉ huy (biệt danh tác chiến “Jack”) đã đột nhập vào hang ổ của quân Đức gần Koeningsberg.

Đối với người Đức, Đông Phổ là lá chắn bảo vệ các tuyến đường đến trung tâm nước Đức từ phía đông-bắc. Các tướng lĩnh Đức đã tìm cách biến tỉnh của họ thành một pháo đài bất khả xâm phạm, là vị trí chốt chặn càng nhiều đơn vị Liên Xô càng tốt, nhằm ngăn họ đổ bộ và sử dụng các khu vực khác ngoài mặt trận. Tất cả các trụ sở chính của quân đội phát xít, đại bản doanh "Hang Sói" của Hitler, Bộ Tư lệnh tối cao của Lực lượng mặt đất và trụ sở ngoại giao đều nằm ở lãnh thổ này.

Jack - Nhom diep bao huyen thoai cua Lien Xo trong The chien 2

Một nhóm trinh sát đặc biệt.

Nhiệm vụ quan trọng

Bộ phận tình báo mặt trận số 3 Belarus "Jack" gồm 10 điệp báo viên và du kích quân giàu kinh nghiệm nhất đã có mặt tại nơi được coi là một địa ngục thực sự. Trước đó không lâu đã xảy ra vụ ám sát Hitler tại Wolfchanz nên khu vực xung quanh dày đặc các đơn vị bảo vệ SS tinh nhuệ. Ngay khi các trinh sát Xôviết bắt đầu phát sóng, quân Đức đã phong tỏa từng mét vuông. Tất cả các lực lượng sẵn có của quân Đức gồm: hiến binh, binh lính SS và lính từ cư dân địa phương đều tham gia đàn áp nhóm "Jack".

Nhiệm vụ được giao cho nhóm "Jack" là trở thành con mắt của mặt trận số 3 Belarus trên lãnh thổ Đông Phổ - nơi cửa ngõ Hồng quân tiến quân vào khu vực này của nước Đức. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, về thực chất thì các thành viên là những cảm tử quân. Các chiến sĩ của nhóm "Jack" không được biết rằng, trước họ có một số nhóm trinh sát đã được cử đến đó và toàn bộ nhóm đã hy sinh mà không hoàn thành nhiệm vụ. Để giữ vững tinh thần của nhóm khi đến hậu phương của Đức Quốc xã, Thiếu tướng Aleshin đứng đầu Cục Tình báo đã nói với họ rằng, trong 2-3 tuần nữa, quân đội sẽ bắt đầu chiến dịch đánh chiếm Đông Phổ và nhóm sẽ kết hợp với các đơn vị của quân đội chính quy. Thật không may, điều đó xảy ra không phải là 2-3 tuần sau cuộc tiến quân, mà là 6 tháng sau, và chỉ còn 3 trong số 10 chiến sĩ của nhóm còn sống sót.

Như đã nói, vào thời điểm mùa hè năm 1944, có một số nhóm trinh sát đã tiến sâu vào hậu phương Đức, tất cả họ đã hy sinh, chỉ có một số ít kết nối được với số sống sót của các đơn vị khác và chờ sự xuất hiện của quân đội. Nhưng không giống như các nhóm phá hoại khác, các thành viên của "Jack" có thể cầm cự trong khoảng thời gian tối đa, đồng thời đã truyền về Trung tâm những tin tức vô giá đối với quân đội: việc triển khai quân và vị trí các đơn vị của quân Đức, sân bay và sự vận chuyển các thiết bị quân sự.

Tất cả những điều trên giúp Tổng cục Tình báo không chỉ cung cấp cho Ban tham mưu những thông tin có tính chiến lược để chuẩn bị cho chiến dịch quân sự ở Đông Phổ, mà có cả tọa độ chính xác cho phi công thực hiện các cuộc tấn công có mục tiêu vào hậu phương. Họ còn truyền tin về các mục tiêu quân sự của quân đội Đức và các nút quan trọng về chiến lược của chúng. Nhóm "Jack" thực sự đã trở thành con mắt của Cơ quan Tình báo Xôviết trong hang ổ của kẻ thù.

Jack - Nhom diep bao huyen thoai cua Lien Xo trong The chien 2-Hinh-2

Pavel Krylatyx (trái) - chỉ huy nhóm "Jack".

Vượt qua nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ

Lãnh thổ này của Đức là một khu vực công viên rừng rộng lớn, không có những vùng hẻo lánh để người ta có thể ẩn náu và các bụi cây để dừng chân nghỉ ngơi. Hơn nữa, toàn bộ đất đai, đồng ruộng, vùng trũng đều đã được khai hoang, nghĩa là khu vực này bị các kênh, suối, mương thoát nước cắt ngang, là một trở ngại lớn đối với các chiến sĩ trinh sát. Điều này buộc họ phải đi bộ nhiều cây số mỗi ngày, sau mỗi buổi phát sóng truyền tin (có tới 3-4 buổi trong ngày) nhóm lại phải lập tức thay đổi địa điểm, cuốc bộ đường dài ít nhất là 15-20 km mỗi ngày.

Ngoài ra, mạng lưới đường bộ và đường cao tốc được phân nhánh rộng khắp, tạo điều kiện cho quân đội Đức, khi tìm thấy tín hiệu từ máy phát vô tuyến của nhóm, có thể ngay lập tức cử bất kỳ đơn vị nào đến khu vực đó để tiêu diệt nhóm. Hơn nữa, trong số 2 triệu cư dân Đông Phổ, có rất nhiều người trung thành và ủng hộ Hitler. Thêm vào đó, dưới ảnh hưởng của tuyên truyền, người dân vô cùng sợ hãi "những tên cướp" và khi có chút nghi ngờ về sự xuất hiện của những người lạ, họ sẽ báo cáo ngay. Những tin báo này được tiếp nhận ngay lập tức vì mọi khu định cư và thậm chí cả trang trại đều có kết nối điện thoại, và hình phạt cho việc che giấu thông tin là tử hình. Đức Quốc xã không bỏ sót bất cứ điều gì, thậm chí là ngụy tạo chứng cớ: chúng sẵn sàng tàn sát toàn bộ gia đình nông dân, kể cả bắn chết binh lính và hiến binh của chính bọn chúng; đốt nhà, chụp ảnh mọi thứ và đăng lên báo, coi đó là sự khủng khiếp từ "sự tàn bạo của người Nga hoang dã"… Những thành viên của "Jack" đôi khi đã tìm thấy những tài liệu tuyên truyền như vậy với dân thường.

Bởi quân Đức tập trung đặc biệt vào Đông Phổ nên lãnh thổ này được quân sự hóa mạnh mẽ. Một số lượng lớn các đơn vị quân đội, đồn trú, công sự, pháo đài, cầu, sân bay, hầm tránh bom, nhà kho được bố trí ở đây. Và sự xuất hiện của nhóm trinh sát dã chiến Xôviết khiến bọn phát xít tức tối và ngay khi có cơ hội nhỏ nhất, chúng cũng thực hiện các hoạt động quân sự để chống lại "Jack", có đợt số lượng lên tới 2.000 người. Việc thường xuyên càn quét một số khu vực nhất định trong rừng, hoạt động tuần tra và phục kích của quân Đức đúng là một cuộc đấu tranh sinh tồn về thể chất đối với các trinh sát viên nhóm "Jack".

Để thoát khỏi những kẻ truy đuổi, các chiến sĩ đã sử dụng chiến thuật đặc biệt gọi là "marathon". Trước khi trời tối, nhóm của "Jack" cố gắng đi xuyên rừng và khi hoàng hôn, họ bố trí phục kích. Và ngay khi đến gần phòng tuyến địch, hỏa lực từ chín khẩu súng máy ở cự ly thẳng đã tạo ra một khoảng trống ở đó để các trinh sát biến vào bóng tối.

Công việc trong ngày của họ như sau: thu thập thông tin, truyền về Trung tâm, sau đó đột kích, tránh sự truy đuổi suốt nhiều giờ đồng hồ. Và lại tiếp tục thu thập thông tin, thay phiên nhau liên lạc vô tuyến, đột kích… Họ bị săn lùng giống như những con thú hoang dã: hàng ngày, hàng đêm, dai dẳng suốt nhiều giờ bằng mọi cách có thể.

Jack - Nhom diep bao huyen thoai cua Lien Xo trong The chien 2-Hinh-3

Zinaida Bardysheva - nhân viên phát sóng.

Để ngụy trang, trong suốt 6 tháng các điệp báo viên chưa bao giờ đốt lửa, đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn thiếu thức ăn nóng và quần áo luôn ẩm ướt và đến đầu tháng 9 đã không thể sử dụng được. Đôi khi họ không có gì lót dạ suốt ba ngày. Họ đang dần chết đói, thậm chí chỉ lấy được nước uống từ những vũng nước, cũng không thể giặt giũ. Rồi mùa thu đến, những cơn mưa bắt đầu và trời trở lạnh. Họ ngủ trên mặt đất. Quần áo từ mùa hè thì đã cũ và mục nát. Với những cô gái trong nhóm thì càng khó khăn hơn. Tình hình ngày càng trở nên nguy cấp. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, mọi người vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, và tín hiệu của "Jack" trên sóng vẫn liên tục vang lên.

Đêm 29-30/8, nhóm nhận được một bưu kiện bằng đường hàng không: đạn dược, 1,5 nghìn viên đạn, mìn chống tăng, lựu đạn cầm tay, áo khoác ngoài, mũ có bịt tai, khẩu phần ăn - vài lon thịt hầm, một ít đường, bánh quy nghiền. Trước thời điểm này, nhóm đã phải chịu tổn thất đầu tiên, đêm 29/7 trong khi đang cố gắng vượt sông Parve, trưởng nhóm Pavel Krylatikh đã thiệt mạng, anh bị một viên đạn lạc găm thẳng vào tim. Thậm chí các trinh sát viên không có thời gian để chôn cất đồng đội của mình. Họ che giấu anh bằng cành vân sam, mang theo áo khoác của người chỉ huy có Huân chương Sao Đỏ, chiếc túi dã chiến, bản đồ, đồng hồ…

Từ báo cáo của Tổng cục Tình báo Belarus ngày 15/10/1944: "…Tài liệu có giá trị đang đến từ nhóm trinh sát "Jack". Trong số 67 chương trình nhận được, có 47 chương trình phát thông tin. Mặc dù mất Krylatikh và Spakov, nhóm phó Melnikov vẫn lãnh đạo nhóm…".

Những hy sinh anh dũng

Quân Đức điên cuồng săn lùng nhóm trinh sát đặc biệt. Vào ngày 12/9, trinh sát viên Joseph Zvarika hy sinh. Quân Đức đã treo ngược xác của anh lên cây với tấm biển "Điều này sẽ xảy ra với mỗi người trong số các người".

Nhóm tiếp tục tan rã. Các thành viên hy sinh gần hết. Số phận của các cô gái điều hành việc phát sóng đặc biệt bi thảm. Trong đó có hai nữ phát thanh viên của nhóm - Zinaida Bardisheva 21 tuổi, người đã từng có mặt ở hậu phương kẻ thù và Anya Morozova 23 tuổi, người lãnh đạo hoạt động ngầm quốc tế Liên Xô - Ba Lan - Séc trong hai năm tại căn cứ không quân Seshchinskaya thuộc Bryansk.

Trong nhóm đề ra luật như sau: nếu một chiến sĩ hoặc trinh sát viên bị thương nặng sau khi tham gia trận cuối sẽ từ giã cuộc sống để trung thành với sự nghiệp và nghĩa vụ quân sự của mình. Các cuộc đột kích bất tận đã chia tách nhóm các thành viên của "Jack", một nhóm đã dừng lại nghỉ đêm trong hầm đào và sau đó quân SS đã phát hiện ra họ. Trong trận chiến không cân sức, Zinaida Bardysheva bị thương nặng và để không trở thành gánh nặng cho đồng đội, cô đã tự bắn mình. Những lời nói cuối cùng của Zinaida nói với cô bạn Anna là "Nếu có thể, hãy nói với mẹ tôi rằng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm, đã chết vinh quang".

Còn Anna Morozova sau đó đã trốn thoát được. Cô lang thang trong rừng một thời gian dài cho đến khi gia nhập một biệt đội người Ba Lan từ Quân đội Ludov. Thế nhưng đến ngày 31/12, biệt đội bị quân Đức phát hiện, trong trận chiến một viên đạn đã làm nát cánh tay của Anna. Họ muốn để cô gái trong một ngôi làng gần nhất, nhưng cô không muốn khiến nông dân Ba Lan gặp nguy hiểm nên quyết định ở lại với quân du kích.

Jack - Nhom diep bao huyen thoai cua Lien Xo trong The chien 2-Hinh-4

Anna Morozova - nhân viên phát sóng.

Vết thương nặng khiến Anna không thể di chuyển nên quân du kích đã giấu cô gái trong rừng liễu, hứa sẽ quay lại tìm cô. Không may là những con chó nhanh chóng tìm thấy Anna đang bị thương và khi quân Đức đến gần hơn, cô gái đã dùng lựu đạn cho nổ tung thân mình, tiêu diệt không chỉ quân lính Đức mà còn tiêu hủy cả những đoạn mật mã giấu trên ngực cô. Theo lời kể của các nhân chứng được thu thập bởi nhà văn Ovid Gorchkov (cựu tình báo viên quân đội) thi thể của nữ trinh sát bị đưa đến một ngôi làng gần đó. Một tên sĩ quan SS đã buộc binh lính phải đi diễu hành đến trước thi thể của Anna Morozova và hắn hét lên với quân lính: "Nếu các bạn dũng cảm và mạnh mẽ như cô gái Nga này, nước Đức vĩ đại sẽ bất khả chiến bại".

Nhóm "Jack" đã cầm cự được 179 ngày ngay trước mũi quân Hitler nhờ vào sự chuyên nghiệp của các trinh sát viên và ở một mức độ nào đó nhờ sự may mắn. Nhưng biệt đội liên tục mất người. Chỉ còn ba người trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đó là: Ivan Tselikov, Napoleon Ridevsky và Gennady Yushkevich, người thoát khỏi viên đạn nhờ chiếc áo khoác của chỉ huy Pavel Krylatyx. Sau chiến tranh, Gennady trở lại Minsk, tốt nghiệp trung học, sau đó đạt được bằng danh dự của trường sĩ quan và Đại học Belarus rồi được nhận vào Bộ Nội vụ, ông nghỉ hưu năm 1967.

Nhóm trinh sát phá hoại "Jack" không chỉ được coi là nhóm hoạt động hiệu quả nhất trên lãnh thổ Đông Phổ, mà theo cơ quan tình báo Anh, "Jack" được công nhận là một trong những nhóm tốt nhất trên thế giới.

Theo An Ninh Thế Giới

>> xem thêm

Bình luận(0)