Bằng một quyết định lạnh lùng và đầy toan tính, Thủ tướng Anh W. Churchill đã khiến lực lượng kháng chiến chống phát xít Đức của Hy Lạp bị phân hóa trầm trọng, châm ngòi cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 5 năm và gieo mầm cho phong trào cực hữu ở đất nước này.
Cuộc nội chiến Hy Lạp bắt đầu từ năm 1946, chấm dứt vào năm 1949, xảy ra khi quân Đồng minh gồm Anh, Mỹ hỗ trợ Quân đội chính phủ quốc gia Hy Lạp chống lại Quân đội Dân chủ Hy Lạp, lực lượng vũ trang của đảng Cộng sản Hy Lạp, với yểm trợ quân sự từ các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Bulgaria, Nam Tư và Albania.
Đây là cuộc nội chiến đẫm máu tiêu biểu đầu tiên của Chiến tranh Lạnh; còn với một số học giả, đây là ví dụ điển hình của chính sách can thiệp của các nước Tây phương vào nội bộ một nước khác.
Niềm tin đặt nhầm chỗ
Tháng 4/1924, Hy Lạp bãi bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ cộng hòa. Năm 1936, chế độ cộng hòa bị thay thế bằng chế độ độc tài của tướng Ioannis Metaxas, người từng được Hoàng đế Đức bảo trợ, trong khi cựu hoàng Hy Lạp, Vua George II được nước Anh che chở cho sống lưu vong. Từ năm 1941, trong những năm Hy Lạp bị phát xít Đức - Italy chiếm đóng, chính phủ lưu vong không kiểm soát được tình hình chính trị trong nước.
|
Lính công binh Anh rà bom mìn trên đường phố Hy Lạp trong nội chiến. |
Trong khi các lực lượng kháng chiến tự động thành lập với nhiều đường hướng chính trị khác nhau - lớn mạnh nhất là Mặt trận Giải phóng dân tộc Hy Lạp (EAM), lực lượng vũ trang của đảng Cộng sản Hy Lạp, với sự yểm trợ quân sự từ các nước Liên Xô, Bulgaria, Nam Tư và Albania.
Bắt đầu từ mùa thu năm 1943, xung đột giữa EAM và các lực lượng kháng chiến khác ngày càng tăng, như với lực lượng kháng chiến quốc gia Hy Lạp (phái bảo hoàng chống Cộng sản) đứng sau là quân Anh - Mỹ. Sở Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Anh (SOE, tiền thân của Cơ quan tình báo Anh) thời kỳ này đã ghi nhận: “Phái hữu khuynh và phe bảo hoàng xem ra yếu thế hơn hẳn EAM trong các vùng họ làm chủ”.
Mùa xuân năm 1944, các lực lượng đối lập tạm thời hòa giải đưa đến việc thành lập chính phủ lâm thời với 6 thành viên thuộc EAM.
|
Những người tham gia cuộc biểu tình ngày 3.12.1944 bị bắn chết. |
Tháng 12.1944, quân Đồng minh tiến vào giải phóng Hy Lạp. Lãnh đạo EAM tiến hành phong trào phản đối quân Anh đòi giành quyền cai quản thủ đô Athens. 73 năm trước, vào ngày 3.12.1944, một cuộc biểu tình do EAM khởi xướng trên quảng trường Syntagma của thủ đô Athens đã bị dập tắt thô bạo: 28 người bị bắn chết, 128 người bị thương. Thủ phạm là lực lượng bảo hoàng dưới sự điều khiển của “những người bảo trợ” từ nước Anh.
“Trước mắt tôi, mọi thứ vẫn hiện rõ mồn một” - thi sĩ lão thành Titos Patrikios hồi tưởng - Cảnh sát Athens vãi đạn vào đám đông biểu tình từ tầng mái tòa nhà quốc hội trên quảng trường Syntagma.
Những chàng trai, cô gái nằm trên vũng máu, trên những bậc thang dẫn lên tòa nhà. Ở tuổi 16 đầy nhiệt huyết, tôi không lùi lại mà còn nhảy phắt lên đài phun nước giữa quảng trường (nó vẫn còn đó đến ngày nay) và hét lên: “Các đồng chí! Đừng rời bỏ hàng ngũ! Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta. Đừng chạy đi đâu hết! Chúng ta sẽ chiến thắng!”.
Nhưng không hề có chiến thắng nào đến với EAM trong cái ngày 3.12 năm ấy. Mà thay vào đó, đất nước chỉ mới 6 tuần trước vừa thoát khỏi ách xâm lược của đế chế phát xít lại chìm vào cuộc nội chiến tàn khốc. Người Anh, mới 3 năm trước còn đứng cùng chiến tuyến với những kháng chiến quân Hy Lạp giờ lại giao súng đạn cho một bộ phận theo xu hướng dân túy cực hữu.
Cuộc biểu tình bị tắm máu dường như đã nằm trong trù liệu của Thủ tướng Anh Winston Churchill vì ông ta không thể chấp nhận một thực tế là uy thế của Mặt trận Giải phóng dân tộc Hy Lạp, mà hạt nhân là lực lượng Cộng sản, đang dần lớn mạnh và sẽ biến thành một thế lực hữu hình có thể làm phá sản hoàn toàn kế hoạch của ông ta đưa vua Hy Lạp đang sống lưu vong trở lại nắm quyền.
“Khắp nơi la liệt những thân người bê bết máu. Những chiếc máy bay trên đầu chúng tôi nhả đạn vào mọi thứ di động trên mặt đất. Cho đến bây giờ, sau ngần ấy năm trời, chỉ cần nghe tiếng rú của động cơ máy bay trong những bộ phim chiến tranh cũng làm tôi lạnh người”- Mikis Theodorakis, nhà soạn nhạc lừng danh của Hy Lạp hiện đại, người cũng có mặt trong biến cố ngày 3/12/1944, thuật lại.
Trong dòng người biểu tình hôm ấy có đủ các thành phần: theo phe cộng hòa, phe chống bảo hoàng và phần lớn là những người Cộng sản, cuồn cuộn đổ về quảng trường trung tâm Syntagma. Họ đi đến đâu, vòng vây của cảnh sát dần khép chặt đến đấy. Như một cách biểu tỏ sức mạnh liên minh của phong trào kháng chiến Hy Lạp với phe các nước Đồng minh và hy vọng khối này tiếp tục hỗ trợ cho đất nước Hy Lạp đã kiệt quệ sau những năm bị Phe Trục chiếm đóng.
Đoàn người biểu tình mang trên tay quốc kỳ của Hy Lạp, Anh, Mỹ và Liên Xô vung tay hô vang “Viva Churchill! Viva Roosevelt! Viva Stalin!”. Sau tiếng hô lớn là hàng loạt đạn bắn ra từ tầng mái của tòa nhà quốc hội và từ đầu não chỉ huy quân Anh đóng trong khách sạn Grand Bretagne. Với những loạt đạn vãi vào đám đông biểu tình gần nửa giờ đồng hồ, Winston Churchill đã khởi động một cuộc chiến theo đúng ý đồ của ông ta.
Mặc dù Liên Xô là một nước đồng minh trong công cuộc chống lại Đức Quốc xã, nhưng Winston Churchill luôn đề phòng cao độ mọi động thái và bất kỳ kế hoạch nào được đưa ra bởi đại Nguyên soái I. Stalin.
Vừa gặp nhau tại thượng đỉnh ba nước Đồng minh tại thủ đô Terhan của Iran năm 1943, W. Churchill lại vội vã thu xếp một cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ và đề xuất: quân Anh- Mỹ nên đổ bộ vào Hy Lạp hoặc các quốc gia trên bán đảo Balkans để ngăn cản tầm kiểm soát của Liên Xô tại các vùng đất này.
Nhưng Tướng George C. Marshall là Tham mưu trưởng của Hoa Kỳ và Tướng Dwight D. Eisenhower, Tư lệnh tối cao các lực lượng Đồng minh tại châu Âu, lại cho rằng nên tổ chức một cuộc đổ bộ và tấn công vào đất Pháp. Các nước trong phe Đồng minh lúc này đều xem Hy Lạp là một quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của Anh. Stalin đã tôn trọng thỏa thuận của ông với W. Churchill và không can thiệp, nhưng Nam Tư và Albania đã bất chấp lời khuyên của Liên Xô, càng về giai đoạn cuối của Thế chiến thứ II càng thường xuyên gửi các phương tiện hỗ trợ cho các lực lượng du kích ELAS (Quân đội Giải phóng Nhân dân Quốc gia) và EAM của Đảng Cộng sản Hy Lạp.
Thời kỳ “khủng bố trắng”
Trong số các tài liệu của nội các Anh thời chiến còn lưu trữ một bản chép tay của Thủ tướng Anh Winston Churchill viết cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt vào ngày 17.8.1944 được đóng dấu “Tối mật”: “Nội các chúng tôi và Bộ Ngoại giao rất quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Athens. Ngay khi những binh đoàn Đức rút khỏi đất nước này, rất có thể EAM sẽ tìm mọi cách làm chủ thành phố”.
Binh sĩ Anh ở thủ đô Athens, Hy Lạp, tháng 12.1944.
Nhưng nếu EAM thật sự tính đến điều này, họ đã có thể làm trước khi quân Anh tiến vào Athens và không giữ 50.000 chiến sĩ vũ trang ở bên ngoài thủ đô Athens. Từ tháng 11, Anh đã cho thành lập Lực lượng Cảnh vệ quốc gia, những tiểu đoàn cảnh sát trong quân phục mới xuất hiện ngày càng công khai trên khắp đường phố thủ đô Athens, và Athens khi ấy không lớn đến nỗi nhiều thành viên kháng chiến cũ không thể nhận ra.
Những ngày sau đó Athens bị đặt trong tình trạng thiết quân luật. Những cỗ xe tăng của quân Đức được xe tăng Anh thế chỗ, thay vào sự hiện diện của những tay sĩ quan Gestapo hay SS là những sĩ quan và binh lính người Anh.
Đêm trước lễ Giáng sinh, 24.12.1944, W. Churchill đến Athens. Một tiểu đội cảnh sát chia nhau mật phục bên ngoài cùng các sĩ quan an ninh bảo vệ nghiêm ngặt nơi lưu trú của ông ở khách sạn Grand Bretagne. Ngày hôm sau, Winston Churchill ra tuyên bố: Tình trạng bạo loạn ở Athens đã được dẹp yên. Quân Anh đàn áp thành công quân EAM và lực lượng vũ trang của mặt trận này bị giải tán. Nhưng EAM vẫn còn có mặt trong quốc hội và tiếp tục giằng co với phe hữu khuynh.
Một chính phủ Hy Lạp lâm thời dựng lên cấp kỳ bao gồm những phần tử bảo hoàng và cả tay sai của phát xít. Winston Churchill chấp thuận cả việc tuyển dụng các phần tử từng được phái cực hữu và thân phát xít huấn luyện để sung vào các đơn vị an ninh với nhiệm vụ bắt giữ hoặc ám sát những thành viên của ELAS/EAM.
Từ đây, lịch sử Hy Lạp hiện đại bước sang một thời kỳ đen tối và đẫm máu - thời kỳ “Khủng bố trắng”. Hàng ngàn chiến sĩ Cộng sản bị giết hại. Gần 12.000 người tả khuynh hoặc có cảm tình với ELAS bị tống vào các trại giam rồi họ phải đón nhận những màn tra tấn, bị thủ tiêu bặt vô âm tín.
“Đêm đầu tiên bị tống vào Makronissos (trại giam khét tiếng nhất về mức độ tàn bạo), chúng tôi bị đánh đập không nương tay- “thi sĩ lão thành” Titos Patrikios kể tiếp - 6 tháng ở đó là 6 tháng lao động khổ sai, ngày nào đám cai ngục cũng lùa tù nhân đi đẽo đá, chở cát và phát quang cây dại.
Có lần chúng phát hiện một bài báo đăng tải chuyện tù nhân của Makronissos bị tra tấn và ngược đãi như súc vật, chúng nghi tôi là người tuồn thông tin ra bên ngoài vì ngay trước đó, mẹ tôi được vào thăm tôi. Thế là chúng quật roi vào hai chân tôi đến nát nhừ và bắt tôi đứng suốt 24 tiếng đồng hồ”. Nhưng Titos Patrikios vẫn là một trong số nhiều người may mắn sống sót vì hàng ngàn tù nhân khác đã bị xử bắn, bị đem ra treo cổ giữa những chốn đông người.
Tình thế này buộc “những người kháng chiến cũ” một lần nữa phải cầm vũ khí để phản vệ. Năm 1946, Đảng Cộng sản Hy Lạp dưới sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thiết lập lực lượng du kích mang tên “Quân đội Dân chủ Hy Lạp” bắt đầu công khai nổ súng vào quân đội Quốc gia Hy Lạp và quân Đồng minh Anh - Mỹ. Sau vài chiến thắng đầu tiên, quân đội Dân chủ Hy Lạp yếu dần.
Tính đến tháng 9.1947, sau khi đảng Cộng sản Hy Lạp bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Hy Lạp, hơn 19.600 người “chống đối” bị giam giữ trong các nhà tù.
Riêng ở Makronissos đã có đến 12.000 người. Gần 40.000 người khác bị lưu đày và trong số này hơn 3.000 người mất tích. Năm 1947, cuộc nội chiến leo thang, nước Anh không còn mấy quan tâm đến quyền lợi của họ ở Hy Lạp vì mục đích chính họ đã đạt được - đẩy lực lượng Cộng sản ra khỏi chính quyền nên họ yêu cầu người Mỹ thay thế “vai trò bảo hộ”. Chính sách của Mỹ trong việc hỗ trợ chính quyền cực hữu ở Hy Lạp được thể hiện trong “Học thuyết Truman”.
Tháng 2.1952, chính phủ thân Mỹ của Hy Lạp nhanh chóng được kết nạp làm thành viên của Khối Liên hiệp Quân sự Bắc Đại tây Dương (NATO).
Theo H.T (An ninh thế giới)
Tag: Binh sĩ Anh, khủng bố trắng, Cuộc nội chiến Hy Lạp, Anh, biến cố, chiến tranh lạnh, nội chiến, hồ sơ thế giới