Tôi đang cảm thấy mình may mắn trong bất hạnh. Đúng là chỉ những khi nghịch cảnh, chúng ta mới nhận ra giá trị về những thứ mà ta đã lãng quên.
Tôi năm nay 32 tuổi, đã có vợ và một cậu con trai kháu khỉnh. Gia đình tôi trước đây không mấy hạnh phúc. Nguyên nhân đều xuất phát từ chuyện kinh tế gia đình.
Vợ tôi là một người tiết kiệm. Cô ấy sinh ra trong gia đình khó khăn về vật chất. Tuổi thơ của vợ tôi gắn liền với những bữa cơm trộn ngô, sắn. Vì thế khi lấy chồng, sinh con, cô ấy luôn hạn chế chi tiêu. Quần áo của con đều là đi xin của người khác. Còn bản thân vợ tôi cũng chẳng chưng diện như người ta.
|
Tất nhiên tôi không sợ thiệt, tôi chỉ cảm thấy nhàm chán với người mà mình đã cưới. Ảnh minh họa: Internet |
Lúc đầu tôi cũng ủng hộ vợ lắm, nhưng sự thái quá của vợ làm tôi thấy chán nản. Cô ấy không bao giờ chủ động mua đồ ăn ngon về cho gia đình. Con trai tôi đã 3 tuổi nhưng số lần ăn cua, ghẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần tôi hỏi, vợ lại cười xòa: “Em tiết kiệm vì gia đình mình, vì bố con anh chứ có cho ai đâu mà thiệt”.
Tất nhiên tôi không sợ thiệt, tôi chỉ cảm thấy nhàm chán với người mà mình đã cưới. Thậm chí tiền lương mà tôi kiếm ra, tôi đã giữ lại làm quỹ đen cho mình. Chỉ vì sợ lúc nhà có việc, vợ tôi sẽ tiếc tiền không chịu chi.
Vậy mà tôi đã nhầm, vợ tôi không hẹp hòi, chi li như tôi nghĩ. Cô ấy còn hào phóng là đằng khác. Mẹ tôi phát bệnh ung thư cách đây 5 tháng. Lúc đó, tôi đau đầu không biết phải làm thế nào. Tất nhiên tôi muốn cứu mẹ. Nhưng tình hình kinh tế của gia đình lại không cho phép tôi làm chuyện này. Ung thư là căn bệnh khó chữa, thuốc thang lại đắt đỏ vô cùng. Nói thật, tôi đã từng nghĩ đến chuyện sẽ khuyên mẹ về quê để đỡ tiền viện phí.
Vậy mà người cản tôi lại chính là vợ. Cô ấy nói với tôi, tổng số tiền tiết kiệm sau 5 năm chung sống là 1 tỷ. Vợ tôi sẽ lấy hết tiền cho mẹ chồng đi chữa bệnh. Cô ấy còn khuyên nên đưa mẹ tôi đến viện lớn, chi phí điều trị dù cao nhưng đảm bảo hơn là ở bệnh viện nhỏ.
Nghe vợ nói, tôi thấy mình thật đáng trách. Đúng là vợ tôi làm tất cả mọi việc vì gia đình. Sau 5 tháng chữa trị, mẹ tôi đã khỏe lên rất nhiều. Người ta khi gặp tôi thường nói vợ chồng tôi là những đứa con có hiếu. Nhưng riêng tôi, tôi xin nhường lại chữ hiếu cho vợ. Cô ấy xứng đáng nhận được sự trân trọng ấy.