Tôi với vợ là bạn học, chúng tôi yêu nhau 2 năm mới cưới và đến giờ đã chung sống với nhau ngót nghét 15 năm. Gia cảnh nhà tôi và nhà vợ đều khó khăn nên sau khi cưới, vợ chồng tôi tự thân vận động. Sau thời gian dài làm công nhân may, vợ bàn với tôi vay mượn, mở một xưởng may thú nhồi bông. Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, hàng hóa bán chạy, vợ chồng tôi từ chỗ đi ở nhà thuê, thuê xưởng sản xuất nay đã có thể mua được một ngôi nhà 50m2. So với 3 anh chị em trong nhà, vợ chồng tôi có thể nói là làm ăn khấm khá nhất.
Tuy nhiên, chắc do đã quen với cuộc sống khốn khó, cùng cực, vợ tôi rất tiết kiệm và nông cạn. Tuy đã kiếm được nhiều tiền, vợ tôi vẫn chẳng dám ăn dám mặc, ít khi sắm sửa cho chồng con. Em cũng ít khi mua quà cáp cho các cụ, các cháu bên nhà nội. Mẹ chồng tôi thấy vậy, nhiều lần rỉ tai tôi nhắn vợ mua thứ này, thứ kia biếu các cụ, các cháu ở quê. Thấy tôi nói, vợ tôi nguýt dài: “Gớm, ở quê thì đông người, số lượng cụ già đến chục, số lượng cháu nhỏ 2-3 chục là ít, mua bao nhiêu quà cáp cho xuể. Gia đình gì mà toàn đối tượng có nhu cầu nhận quà”.
|
Ảnh minh họa. |
Chiều hôm đó, tôi thấy vợ mua về hàng tá bánh, sữa gửi về cho các cụ, các cháu. Vừa về đến cửa, vợ đã cằn nhằn, ca cẩm rằng mua quà cáp tốn kém, tôi rất khó chịu nhưng đành bỏ qua cho xong chuyện.
Mới tháng trước, anh cả nhà tôi thông báo chuyện sắp đi hỏi vợ cho cháu Khang - con trai lớn của anh. Thông tin về đám cưới khiến cả nhà tôi vui vẻ, rộn ràng hơn hẳn. Hễ có dịp gặp gỡ là mọi người bàn chuyện, góp ý cho anh chị về địa điểm đặt cỗ cưới, thuê làm rạp… Biết cháu đích tôn sắp cưới vợ, mẹ tôi mừng ra mặt. Mẹ cũng nhiều lần nói bóng gió rằng vợ chồng tôi nên mua tặng cháu vài chỉ vàng để cháu lấy may. Vợ tôi mấy lần đầu nghe vậy chỉ im lặng cười trừ cho qua. Tôi không hỏi nhưng cũng biết vợ tôi không muốn tặng cháu vàng, dù chỉ là một chỉ.
Hôm trước, nhà tôi có giỗ, mẹ tôi lại một lần nữa hỏi mấy anh chị em chuyện tặng vàng cho cháu trai nhân ngày cưới. Trong khi các nhà khác bảo cho 1-2 chỉ, đến nhà tôi, mẹ tôi bảo: “Nhà thằng Khang, phải cho cháu 5-7 chỉ chứ”.
Vợ tôi đáp lại: “Nhà con không có đâu”.
Nghe thấy vợ tôi nói, cả nhà tôi nhìn nhau, người tỏ ra ngạc nhiên, người chép miệng chê vợ tôi kiệt sỉ.
“Trong số 3 anh chị em, nhà con làm ăn khấm khá nhất, mua được nhà, mở được xưởng. Ngày vui của cháu, con cho cháu vài chỉ lấy may thì mất vốn mất lãi gì”, mẹ tôi nói.
Nào ngờ, vợ tôi đáp trả một câu khiến cả nhà ngã ngửa: “Mẹ ạ, nói thật với mẹ, ngày vợ chồng con mới cưới nhau, anh Huỳnh, chị Lê (anh chị cả nhà tôi) chẳng cho nhà con một đồng. Lúc vợ chồng con mở xưởng, con đến tận nhà vay tiền, anh chị mượn cớ này nọ không cho vay. Nay cháu nó cưới vợ, tại sao con phải cho nó 5-7 chỉ vàng? Tiền là vợ chồng con đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được chứ có phải đi xin đâu”.
Thấy vợ tôi nói khó nghe, anh cả tôi lên tiếng: “Chú thím ăn ở được lắm. Vợ chồng chú thím ăn nên làm ra mà sống căn ke, bạc ác với cả anh em ruột thịt. Từ giờ chú thím đừng gọi anh chị là anh chị nữa”.
Sau hôm đó, trong nhà tôi không ai nhìn mặt ai. Anh cả chắc vì còn giận nên vẫn chưa thấy thông báo lịch dạm ngõ, đám hỏi, đám cưới cháu. Mấy hôm nay, tôi cũng có nói chuyện với vợ nhưng cô ấy thờ ơ và còn nói sẽ không đến dự. Nghĩ đến cảnh họ hàng, người thân xì xào, bàn tán khi vợ tôi không đến, tôi đau đầu quá.