Cứu sống cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ

Google News

Sau 12 giờ áp dụng đồng thời 2 phương pháp sử dụng thuốc tiêu huyết và lấy huyết khối, cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ đã bình phục hoàn toàn, không để lại di chứng.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 114 năm, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị thành công cho cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ.
Những quyết sách “cân não” để cứu sống cụ ông 103 tuổi
Đêm ngày 02/01/2025, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cụ ông Đào Văn Dễ, 103 tuổi đến viện trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người phải, thất ngôn hoàn toàn …
Qua khai thác, gia đình cho biết: Vào khoảng 22h00 đêm, sau khi xem xong trận bóng đã giữa Việt Nam và Thái Lan, gia đình thấy cụ lịm đi, cứ nghĩ cụ buồn ngủ nhưng khi chạm vào người thấy cụ dần dần ngã ra.
Với những kiến thức tự tìm hiểu trên các kênh truyền thông đại chúng cùng với kinh nghiệm bản thân, gia đình dự đoán cụ đã bị đột quỵ. Lập tức gia đình gọi xe cứu thương để đưa cụ thẳng từ Hưng Yên lên Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.
Cuu song cu ong 103 tuoi bi dot quy
 Cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ được điều trị thành công ngoạn mục trong niềm vui của đại gia đình và các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC
Sau khi khai thác bệnh sử và đánh giá lâm sàng, các bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ nhận định: Đây là ca bệnh đột quỵ não cấp, khởi phát trong giờ vàng. Ngay lập tức, chế độ “fast track” được khởi động và bệnh nhân được xử trí tối cấp cứu: Chụp MSCT mạch não để đánh giá nhu mô và mạch não.
Kết quả MSCT mạch não cho thấy, cụ Đào Văn Dễ bị nhồi máu não thùy đảo, trán trái do tắc động mạch não lớn bên trái (động mạch não giữa) đoạn M1 trái, ASPECT 8/10 điểm (Điểm phim CT sớm của Chương trình Đột quỵ Alberta nhằm đánh giá nhu mô não do động mạch não giữa chi phối).
Tuy nhiên, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng tương đương vùng tranh tối tránh sáng (vùng cứu được) lớn. Đồng thời, bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng khi tắc mạch lớn ở bán cầu não ưu thế.
Mỗi phút trôi qua, 1,9 triệu tế bào não của cụ sẽ bị chết, do đó can thiệp tái thông mạch não càng sớm, cơ hội cứu cụ sẽ càng cao. Không còn nhiều thời gian, các bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ lập tức hội chẩn với bác sĩ của Trung tâm Điện quang để thống nhất phương án điều trị tối ưu cho cụ ông.
Với các ca đột quỵ thông thường thì việc bác sĩ đưa ra phác đồ tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp mạch không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, việc áp dụng cả 2 phương pháp trên “cỗ máy” già nua của cơ thể 103 tuổi là một thách thức vô cùng lớn.
Bệnh nhân phải đối diện với hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn: Nguy cơ tiêu huyết khối đơn thuần ít mang lại hiệu quả thông mạch vì tắc ở đoạn mạch lớn; Nguy cơ tai biến khi can thiệp mạch cao vì mạch máu não người 103 tuổi có thể rất dễ vỡ và biến chứng chảy máu…
Bên cạnh đó, còn hàng loạt những thách thức khác như tiên lượng kém ở bệnh nhân 103 tuổi khi phải hồi sức sau can thiệp, đó là khó cai thở máy nếu có gây mê toàn thân và đặt nội khí quản trong quá trình can thiệp, nguy cơ nhiễm trùng, suy kiệt, loét …
Nhưng nếu không có “quyết sách” ngay thì cụ ông đối diện nguy cơ diễn biến nhanh và để lại di chứng nặng nề. Trước lằn “ranh giới” đó, các bác sĩ đã “cân não trong chớp nhoáng” và quyết định phối hợp hai phương pháp điều trị tái thông mạch là tiêu huyết khối và lấy huyết khối. Sau 1 giờ can thiệp căng thẳng trong đêm trời giá buốt, động mạch não giữa trái được tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân cải thiện triệu chứng rất tốt, tỉnh táo hơn, cơ lực nửa người phải cải thiện 3/5.
Cuu song cu ong 103 tuoi bi dot quy-Hinh-2
 PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện chúc mừng gia đình và trao giấy xuất viện cho cụ sáng ngày 10/1/2025 - Ảnh BVCC
Ca đột quỵ hiếm gặp cao tuổi nhất Việt Nam
Ngày 03/01/2025, đang trong chuyến công tác tại tỉnh Phú Thọ, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận được báo cáo từ Trung tâm Đột quỵ về việc vừa tiếp nhận và điều trị cho cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ.
Với trách nhiệm người đứng đầu bệnh viện đa khoa chuyên sâu hạng đặc biệt tuyến cuối, Giám đốc Đào Xuân Cơ chỉ đạo các bác sĩ áp dụng chế độ điều trị và chăm sóc đặc biệt dành cho cụ. Giám đốc Cơ chia sẻ: “Thương già, già để tuổi cho.
Các cụ cao tuổi, thượng thượng thọ là phúc khí của gia đình, là vốn quý, là nguồn lực quan trọng của xã hội, là giường cột của gia đình và cộng đồng. Với các bậc cao lão đã sống cùng lịch sử của đất nước thì người làm y tế càng phải thực hiện chăm sóc điều trị bằng tất cả sự biết ơn, trân kính nhất”.
Chưa đầy 12 tiếng sau can thiệp, cụ ông 103 tuổi đã tỉnh táo hoàn toàn.
Chứng kiến sự hồi phục thần kỳ của cụ, ông Đào Văn Nhẫn, 77 tuổi (con trai thứ hai) vui mừng chia sẻ với các bác sĩ về quyết định đúng đắn của mình: Nhìn thấy các triệu chứng của bố, chúng tôi đoán là bố đã bị đột quỵ. Lúc đó, cụ đã nhũn như dưa.
Để có thể cứu được cụ thì chúng tôi nghĩ chỉ có Bệnh viện Bạch Mai là tốt nhất nên đã gọi xe cứu thương chạy thẳng từ nhà ở Hưng Yên lên Bệnh viện Bạch Mai để kịp đến viện trong “giờ vàng”.
Kết quả đúng là thần kỳ, các bác sĩ Bạch Mai đã hồi sinh lại bố tôi. Gia đình tôi rất cảm động trước sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và y bác sỹ bệnh viện nói chung và Trung tâm Đột quỵ nói riêng đã cứu bố tôi gần như từ cõi chết trở về và đã bình phục một cách thần kỳ ngoài sức tưởng tượng.
Gia đình tôi chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất, biết ơn nhất tới đồng chí Giám đốc, Ban Lãnh đạo bệnh viện, Lãnh đạo Trung tâm, y bác, điều dưỡng Trung tâm Đột quỵ…
Nhờ trái tim, khối óc của các thiên thần áo trắng Bệnh viện Bạch Mai, cụ Đào Văn Dễ đã hồi phục thần kỳ như chưa hề trải qua cơn đột quỵ nhờ áp dụng đồng thời hai phương pháp điều trị tiêu huyết khối và lấy huyết khối cơ học.
Tra y văn, trường hợp của cụ Dễ là ca hiếm gặp và là ca lâm sàng Nhồi máu não cao tuổi nhất Việt Nam được điều trị bằng hai phương pháp tái tưới máu thành công diệu kỳ.
Thúy Nga/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)